Kỳ 1: Vùng đất anh hùng

02:09, 05/09/2013

Những ngày tháng 9 này, nhân dân Vĩnh Long đang chuẩn bị chào mừng 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Chúng tôi đã tìm về xã Hòa Hiệp (Tam Bình), để tìm hiểu sâu hơn về một vùng “đất linh”, đã sinh một người tài cho đất nước.


Đường vào xã Hòa Hiệp với nhiều sắc màu chào mừng ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Những ngày tháng 9 này, nhân dân Vĩnh Long đang chuẩn bị chào mừng 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Chúng tôi đã tìm về xã Hòa Hiệp (Tam Bình), để tìm hiểu sâu hơn về một vùng “đất linh”, đã sinh một người tài cho đất nước.

Lịch sử đất và người Hòa Hiệp           

Nhìn lên bản đồ, xã Hòa Hiệp (Tam Bình) như một hình thang, tách biệt với tuyến giao thông Quốc lộ 53. Nhưng lại bám sát vào bờ tả ngạn sông Măng Thít, kéo dài khoảng 10 cây số, quanh co, uốn lượn từ cầu Mới cho đến Ba Kè.

Trên địa bàn nhỏ, hẹp đó lại có bề dày lịch sử đáng tự hào, ngay từ thời các bậc tiền hiền về đây dựng làng, lập ấp. Đặc biệt, vùng đất đó đã sản sinh ra cho đất nước một nhà khoa học lớn, một khối óc tuyệt vời- Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Nếu trở về thời điểm tròn một thế kỷ trước, hẳn đây là vùng quê hẻo lánh, đa phần là đất thấp, cây cối um tùm hoang vu. Tuy nhiên, do Hòa Hiệp “mở cửa” về dòng sông Măng Thít, đã hình thành nên văn hóa của cư dân sống trên nền đất phù sa bồi lắng, đồng thời giao thương kết nối cả vùng ĐBSCL với Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ.

Đất đai đó, văn hóa đó, đã hình thành nên con người Hòa Hiệp “cái chất” cần cù, sáng tạo trong lao động; sự quả cảm, anh hùng trong chiến đấu giữ nước; tinh thần cầu tiến, hiếu học và dám đương đầu trước mọi nghịch cảnh, khó khăn.    

Dòng sông Măng Thít quanh năm lộng gió, chở đầy phù sa, cung cấp cho đồng ruộng cả một vùng rộng lớn. Với đặc điểm nước lớn nhanh và ròng nhanh, nên đất đai không khô hạn, mà cũng không bị ngập úng.

Tại ngã ba Thầy Hạnh điểm giáp nước, chính là nơi dòng sông quặn lại cho phù sa bồi lắng, cũng là nơi giao lưu của những ghe xuồng neo đậu để chờ con nước chảy xuôi. Đây là tuyến giao thông quan trọng từ Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), từ miền Đông xuống miền Tây và ngược lại.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địch luôn giằng co cố giành quyền kiểm soát dòng sông. Các tàu hậu cần, tàu chiến thường xuyên xuất hiện. Và cũng chính nơi đây, quân và dân Hòa Hiệp đã bao lần lập nên những chiến công vang dội trên sông nước quê hương.

Chiến công 6 ngày đêm

Ngay từ thời khẩn hoang, đã từng có người nghĩa hiệp dám xả thân đánh cọp để cứu dân làng. Ngày nay ở Ấp 7 vẫn còn mã Hổ giảo (cọp ăn thịt), gần nhà ông Út Lung. Cho đến những tá điền không chịu nổi áp bức của địa chủ, đã vùng lên đấu tranh tự phát.

Hòa Hiệp cũng là nơi đồng chí Tạ Uyên có thời gian dài đến đây hoạt động, rồi xây dựng gia đình với một phụ nữ địa phương. Cơ sở cách mạng với những cán bộ nòng cốt đầu tiên như: Hai Liên, Bảy Bống, Ba Xê, Ba Tốt, Tư Ngân, Bùi Đức Dự, Năm Ruốc,…


Chú Năm Tuội kể lại trận đánh 6 ngày đêm.

Tuy nhiên, trận đánh 6 ngày đêm đến nay vẫn là niềm tự hào còn đọng mãi trong ký ức của quân và dân Hòa Hiệp anh hùng. Qua lời kể của chú Năm Tuội (Nguyễn Văn Tuội 62 tuổi)- nguyên là Xã đội phó, trực tiếp tham gia vào trận đánh đó- chúng ta có thể hình dung sự ác liệt và tầm quan trọng chiến công của du kích xã Hòa Hiệp:

“Nội xã Hòa Hiệp này tụi nó đóng tới 12 cái đồn. Giai đoạn bình định ác liệt, nó đánh không còn gì xương xóc. Nhưng du kích mình phân tán nhuyễn lực lượng, khi thống nhất phương án đánh mới hợp sức lại. Ngày nào cũng giáp mặt địch, nhưng mình cứ đánh phục kích, đánh mìn, gài lựu đạn, bố trí địa hình hầm chông, riết tụi nó cũng sợ co cụm lại. Hòa Hiệp dù nằm trên sông Măng Thít và tuyến lộ Ba Kè, nhưng lại là vùng nông thôn sâu. Nếu địch án ngự trên sông và trên lộ, Hòa Hiệp sẽ trở thành địa bàn bị bao vây, chia cắt. Nên đòi hỏi phải bám trụ chiến đấu, tự lực, tự cường, mà lực lượng chỉ có 9 quân”.

Từ 9 giờ sáng 27/6 cho đến 4 giờ chiều 2/7/1971, 9 quân du kích Hòa Hiệp đã chống trả với lực lượng đông hơn gấp 140 lần, với lực lượng xã, huyện, tỉnh và của Vùng 4 chiến thuật, phối hợp với bộ binh có 6 khẩu ô buýt, nhiều máy bay phản lực, trực thăng cán gáo, cá lẹp và 4 tàu sắt, 6 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy cuộc đổ quân và đánh phá này.
 
Nhưng trận chiến đấu chống bình định phát quang cũng kết thúc, khi địch rút quân. Kết quả 130 tên bị tiêu diệt, 9 tên bị thương, 12 tên khác sụp hầm chông, trong đó có 1 cố vấn Mỹ. Ta hy sinh một chiến sĩ là Ba Thu.

Người Hòa Hiệp không chỉ giỏi đánh giặc, mà ngày nay họ đang chung sức trong việc xây dựng nông thôn mới, với nhiều mô hình và nhiều nông dân sản xuất giỏi. Hòa Hiệp cũng không thiếu những tấm gương hiếu học, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, mà Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là niềm tự hào chung của nhân dân Vĩnh Long. Chuyện về Hòa Hiệp, có nghe hoài cũng không hết…

Trên địa bàn nhỏ hẹp đó lại có bề dày lịch sử đáng tự hào, ngay từ thời các bậc tiền hiền về đây dựng làng, lập ấp. Đặc biệt, vùng đất đó đã sản sinh ra cho đất nước một nhà khoa học lớn, một khối óc tuyệt vời- Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Kỳ 2: Xây dựng nông thôn mới

 

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh