LTS: Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có bài viết với những vấn đề tâm đắc. Thiết nghĩ, bài viết không chỉ đặt ra những “bài học xương máu” đối với người làm công tác tuyên giáo mà còn bổ ích đối với những người làm công tác tuyên truyền nói chung.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có bài viết với những vấn đề tâm đắc.
Thiết nghĩ, bài viết không chỉ đặt ra những “bài học xương máu” đối với người làm công tác tuyên giáo mà còn bổ ích đối với những người làm công tác tuyên truyền nói chung.
Cán bộ Tuyên giáo các thời kỳ trong ngày vui họp mặt kỷ niệm 80 năm
thành lập ngành.Ảnh: DƯƠNG THU
Ai chiến thắng?
“Cơ quan mấy anh về đây ở, chúng tôi ấm lưng, nhưng khi giặc phát hiện đánh phá, các anh rút đi, dời chỗ khác, địa phương chúng tôi cong lưng chịu bom đạn ác liệt. Thế mà học nghị quyết, chỉ thị nào các anh cũng nói “ta thắng”, “địch thua”... riết rồi không còn chỗ ở. Mấy anh phải nghiên cứu hiểu “thực tế tình hình” mới được”- đồng chí tiểu tổ Đảng thắc mắc nói với chúng tôi như vậy.
Sau đó không lâu, giặc đổ quân càn quét vào một ấp mà dùng cả máy bay, ô buýt bắn phá bừa bãi, rồi dùng tàu chiến ồ ạt đổ 2 tiểu đoàn chủ lực chia làm 3 mũi đánh với hình thức mặt nổi và mặt chìm.
Suốt ngày du kích ấp, cơ quan bố trí dùng chông lôi chống càn làm địch chết 1, bị thương 8 tên. Đặc biệt là sụp hầm chông ghế đẩu bằng sắt, buộc cả trung đội địch đến đào khiêng xác, cả bọn rên la thảm thiết, cuối cùng rút quân.
- Vậy là ta “thua” hay “thắng” trận này?- tôi hỏi.
Đồng chí tổ Đảng không do dự đáp:
- Ta “thắng” chớ sao “thua” được! Phải xuất phát từ tình hình tương quan lực lượng, du kích ấp chọi với quân chủ lực đông hơn ta hàng chục lần, có đủ phương tiện hiện đại đến tận răng, rốt cuộc phải ôm đầu máu chạy. Ta chỉ có 2 du kích bị thương xoàng. Có phân tích hiểu vấn đề mới thấy ý nghĩa cuộc chiến đấu và giành thắng lợi, đồng chí tổ Đảng phấn khởi nói.
Dịp này tôi hỏi thêm:
- Vậy anh rất hiểu “thực tế tình hình” là có tiêu chuẩn làm công tác tuyên huấn rồi?” Vậy là hết thắc mắc, cả hai chúng tôi cười vui vẻ sau một ngày đội bom đạn quần đánh địch.
Theo đồng chí thủ trưởng tuyên huấn chúng tôi lúc đó, công tác tuyên huấn không chỉ là làm công tác giáo dục tuyên truyền bồi dưỡng lý luận chính trị mà còn trả lời, giải đáp những mắc mứu của cán bộ và quần chúng.
Đó là chưa kể kẻ xấu bao giờ cũng tìm cách xuyên tạc, đánh phá ta bằng kiểu chiến tranh tâm lý rẻ tiền, ta phải vạch mặt đập tan luận điệu xảo quyệt của chúng. Cũng như ở chiến trường, là chiến sĩ phải biết tấn công địch, giành thắng lợi trên mặt trận tư tưởng. Ta là chính nghĩa, có lý luận tiên phong, được nhân dân hết lòng ủng hộ, ta phải tự tin là người chiến thắng. Đố kỵ nhất là né tránh, không muốn gặp mặt, không trả lời.
Do đó, khi cán bộ đi công tác xuống địa bàn xung yếu thì về báo cáo thủ trưởng tình hình, quá trình giải quyết vấn đề, mặt nào tốt, mặt nào hạn chế góp ý bổ sung. Từ đó, công tác tuyên huấn được nâng lên và chủ động trước mọi tình huống.
Phát hành ngược
Chuyện báo chí phát hành ngược là như thế này. Sau Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, địch bình định cấp tốc nên “cán bộ đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tối ngày áo vò viên, quần quấn cổ. Có người nói tình hình như lông chó mực hay đêm tối ba mươi.
Do đó, công tác tuyên huấn phải nghiên cứu đổi phương thức hoạt động mới phù hợp. Đồng chí Bùi Duy Quang (Tư Đế) triển khai nghị quyết nhấn mạnh: “Trong cái khó càng thể hiện rõ cái khôn”, mỗi đồng chí phải suy nghĩ trao đổi tìm phương thức mới đánh địch bằng nghiệp vụ sáng kiến của mình.
Sau đó không lâu ở cơ quan Tuyên huấn tỉnh, nếu như bộ phận văn phòng đưa cán bộ nữ trẻ hợp pháp cài vào nội ô tỉnh lỵ làm người lao động gánh nước mướn, mua gánh bán bưng để tuyên truyền vận động quần chúng, tổ chức cơ sở hợp pháp chuẩn bị thời cơ thì bộ phận văn nghệ đưa cán bộ Khmer, Hoa vào chùa chiền Tạ thế hợp pháp tu hành, gây dựng cơ sở trong lòng địch; cơ quan báo chí chuyển phương thức làm báo hợp pháp phát hành phổ biến “ngược lại” trong lòng địch.
Tờ báo khổ 40x28cm, măng-sét như báo điện tín, 8 trang, ta chỉ in 4 trang. 2 trang mặt và cuối giống như báo ngoài thành, 2 trang trong in tin tức, tài liệu, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Các tin tức viết gọn, các tài liệu viết gợi tính tò mò, hấp dẫn.
Lúc đầu, nội dung mỗi trang tách hẳn ra; sau bà con ngoài thành thị góp ý, trừ trang đầu, còn các trang sau tin bài in xen kẽ để phổ biến dễ hơn, hấp dẫn người đọc hơn.
Về cách phát hành, chúng tôi gọi là “phát hành ngược” và đưa vào phổ biến trong vùng địch tạm thời kiểm soát ở các tỉnh lỵ, các thị trấn, thị tứ nơi ta có cơ sở hợp pháp, các chùa chiền,... Đặc biệt, ta móc nối với các sạp bán lẻ, các tổ bán báo dạo. Thông qua cơ sở, ta trang bị lý lẽ đối phó khi địch phát hiện (báo từ Sài Gòn phát hành xuống, không rõ nguồn gốc của ai, bán báo không để ý, không coi nên không biết nội dung gì hết!)
Lúc đầu vài trăm số phổ biến trót lọt, sau tăng gấp đôi, gấp ba. Tờ báo sau đổi măng-sét Tin Sáng, nội dung có cải tiến thêm mẫu chuyện, hỏi đáp về chính sách, binh sĩ cần biết?...
Tuy yêu cầu về số lượng tăng nhưng có chủ trương tiết kiệm, cần tăng chuyền tay nhau xem cho nhiều người cùng đọc và mạn đàm. Suốt thời gian “phát hành ngược”, kết quả có ảnh hưởng tốt, địch không phát hiện thu hồi.
Điều bất ngờ là có nhiều binh sĩ rã ngũ, trong gói ba lô bí mật có tờ báo “phát hành ngược” để “làm tin” trình với chính quyền cách mạng địa phương.
Sau giải phóng, bà con cơ sở ta thổ lộ, tưởng là báo từ Sài Gòn in phổ biến, chớ không ngờ trong hoàn cảnh khó khăn tỉnh in được tờ báo rất quý như thế.
Lựa “ngọc”
Trong chiến tranh ở địa phương, cơ quan ở đâu cũng thiếu cán bộ, vận động thu người có lúc không đủ bù đắp vào số bị thiệt hại, hy sinh. Ấy vậy mà cơ quan Tuyên huấn trong tìm người, chọn người, có người ví như lựa “ngọc”.
Phụ trách trưởng ban là đồng chí Ủy viên Thường vụ tỉnh hay Phó Bí thư trực, có lúc cơ quan Tuyên huấn đóng ở khu vực nào, đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách vùng kiêm phụ trách ngành tuyên huấn luôn.
Việc lựa chọn thu cán bộ ngoài tiêu chuẩn số một là quan điểm lập trường rõ ràng; có trình độ nói được, viết được tức có văn hóa, biết soạn tài liệu như thầy giáo; có phẩm chất đạo đức tốt, không cầu an ngại khó, ngại khổ; quan hệ nam nữ mực thước rõ ràng, không tai tiếng; có quan điểm quần chúng tốt, sống gắn bó, gần gũi, chan hòa với quần chúng; biết vận dụng chủ trương của Đảng, biết nắm tình hình, từng đối tượng tuyên truyền có tính thuyết phục; bản thân gương mẫu, nhất là không quan hệ với người ở chính quyền phía bên kia, một lòng trung kiên với cách mạng và qua thử thách.
Từ cán bộ cái gốc cơ bản, được quần chúng hiểu biết giám sát cụ thể nên làm báo cáo viên có sức thuyết phục quần chúng ngay từ ban đầu.
Một cuộc triển khai nghị quyết, chỉ thị hay tuyên truyền ra dân thì yêu cầu phải đạt mấy vấn đề quan trọng như sau:
Một là, dân và cán bộ địa phương có chú ý lắng nghe không; thính giả nắm chắc mấy vấn đề cốt lõi ra sao?
Hai là, nội dung triển khai có liên hệ cái tốt, cái được của địa phương, những cái chưa tốt, hạn chế cũng liên hệ làm sáng tỏ vấn đề để dễ thấy, dễ hiểu.
Ba là, nội dung chủ trương chính sách đó có quan hệ lợi ích thiết thực gì cho dân, các tầng lớp nhân dân ra sao; họ quan tâm vấn đề gì?
Bốn là, dân biết để nâng cao trách nhiệm thi hành, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước, cảnh giác và chống lại mọi âm mưu địch.
Năm là, cái gì chưa rõ, dân cần trao đổi hỏi thêm, báo cáo viên có tác phong thái độ được chưa, cần góp ý rút kinh nghiệm một cách thành khẩn.
Tuyên huấn hết sức tránh kiểu phổ biến “sang sổ” qua loa chiếu lệ “đọc văn bản” hơn là nghiên cứu phổ biến. Cái ưu không nêu bật vấn đề, cái khuyết không chỉ rõ, nói chung chung, thiếu sức hấp dẫn. Muốn cho dân tôn trọng chủ trương chính sách, lãnh hội đầy đủ, cán bộ tuyên huấn phải chọn người tiêu biểu, có uy tín với dân. Có cẩn trọng “lựa ngọc” thì mới “nhả vàng” có sức hấp dẫn.
Biết quý bài học
Qua mỗi thời kỳ lịch sử, bài học sơ kết, tổng kết thật sự có ý nghĩa cho việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, tránh bài học mang tính hình thức chẳng bổ ích gì cho bản thân, cho ngành và chỉ đạo phong trào.
Làm công tác tuyên huấn phải biết quý bài học thì mới tự giác chỉ đạo và đúc kết khách quan thành bài học quý.
Theo tôi có 2 vấn đề: Một là, làm công tác tuyên huấn (nay tuyên giáo) phải có tính độc lập tương đối khách quan, nghĩa là chú ý tính dân chủ. Phải tham mưu đắc lực cho Đảng và Nhà nước trên tinh thần cơ bản nghị quyết, chỉ thị, nghị định,...
Nếu thấy xuất hiện cái gì tốt, cái phù hợp thì phát huy, biểu hiện gì không tốt hay cái sai, cái xấu thì cần thấy sớm để uốn nắn, khắc phục.
Không theo lối cũ sáo mòn một chiều, không dám phát hiện, không dám nói đến chừng thiếu sót bộc 1ộ ai cũng biết thì tổng kết xong, chuyện đã rồi. Vai trò tham mưu chẳng kịp thời kém ý nghĩa, chỉ được lòng cấp lãnh đạo nhất thời. Cho nên, tôi tâm đắc làm công tác tuyên huấn phải có “cái trí”, “cái dũng” và “cái nhân”.
Hai là, cách triển khai chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phải trên cơ sở chuẩn bị đồng bộ. Từ chủ trương đó, xem cách thể hiện chính sách, biện pháp ra sao, từ vùng miền đến từng đối tượng như thế nào? Chủ trương được triển khai phải đồng bộ với chính sách, biện pháp để các tầng lớp nhân dân phấn khởi.
Mỗi chủ trương, chính sách, cách tổ chức thực hiện của Đảng, Nhà nước đều gắn với dân, không thể tách rời dân được. Gắn với dân và đem lại hiệu quả tức là thước đo giá trị của chủ trương, chính sách và cách tổ chức thực hiện đó như thế nào.
Gần đây, công tác tuyên huấn có xu hướng nhìn một chiều, trong khi thế giới bùng nổ thông tin rất đa dạng. Nghị quyết hay, lãnh đạo giỏi, tài năng mà thiếu gắn quần chúng nhân dân thì khác nào vở kịch xuất sắc, diễn viên độc đáo nhưng không có khán giả sẽ không làm sao đánh giá cho chuẩn xác!
Cả đời trăn trở, lăn lộn, nhiệt huyết với nghiệp, tôi có mấy tâm đắc này, xin bày tỏ.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG
(Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin