Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với một người trẻ hiện đại. Tuy hình thức của bạn thật nổi bật, bạn thật cá tính, việc học tập hay làm việc của bạn thật “cool”, nhưng nếu “thiếu văn hóa” trong ứng xử, bạn sẽ bị mất điểm.
Kỹ năng ứng xử là điều kiện cần trong cuộc sống. Ảnh: VINH HIỂN
Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với một người trẻ hiện đại. Tuy hình thức của bạn thật nổi bật, bạn thật cá tính, việc học tập hay làm việc của bạn thật “cool”, nhưng nếu “thiếu văn hóa” trong ứng xử, bạn sẽ bị mất điểm.
Có khi nào bạn đang vi vu trên phố, bỗng từ chiếc xe buýt song hành bên cạnh văng ra một bịch rác ngay trước đầu xe của bạn?
Thu Anh bức xúc: “Mình đi sinh nhật bạn, diện bộ đầm thật xinh, lòng phơi phới chạy xe đến chỗ hẹn thì hỡi ôi, mình nhận nguyên bọc nước từ trên xe văng xuống. Đành chạy về nhà thay đồ mà lòng ấm ức. Bọc nước còn đỡ chứ nhiều người ra đường mặc đồ lịch sự mà chạy xe quăng tàn thuốc, phun nước bọt còn gớm hơn nữa”.
Những nơi công cộng như công viên, quán cà phê,… dù có bảng cấm hút thuốc nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ vẫn “phì phèo nhả khói”, cố tình phớt lờ vô tư cho cả… 4 chân lên ghế. Thậm chí không ít trong số họ còn cười nói rổn rảng, văng tục.
Một người bạn tâm sự: “Nhấc điện thoại lên mà nghe tiếng quát từ bên kia đầu dây: “Mày đang ở đâu đó quỷ cái?” là giật mình, dòm dáo dác xung quanh xem có ai không, rồi đỏ lựng mặt vì xấu hổ…”
“Hôm trước mình vào quán cà phê wife, có nhóm thanh niên ăn mặc bảnh tỏn mở laptop xem phim sex, cười ha hả “bình loạn” rôm rả. Tụi mình bất bình phải dời bàn khác. Và, không ít thanh niên chạy xe nẹt pô, lạng lách chọc ghẹo các bạn gái nữa”- bạn Bích Thùy lắc đầu, nói.
Quảng trường TP Vĩnh Long từ khi đưa vào sử dụng, không những đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn tạo vẻ mỹ quan đô thị cho TP Vĩnh Long.
Thế nhưng, một số người không biết gìn giữ, bảo vệ quảng trường mà còn viết vẽ bậy lên các cây cột của các trạm nghỉ, làm hư hỏng các vật trang trí bằng gốm... Sau những lần tổ chức mít- tinh, thì quảng trường thành một bãi… “chiến trường ngập ngụa rác” do các bạn trẻ bỏ lại.
Chuyện văn hóa không chỉ dừng lại đó khi ta nhìn thấy cảnh chen lấn trước quầy vé tàu, xe, trong siêu thị; chuyện những chàng trai vô tư “xả nỗi buồn” sau những cuộc bia bọt, chuyện rú ga hay bấm còi toe toe trước cổng bệnh viện, trường học; chuyện mở nhạc to vào giữa đêm khuya ảnh hưởng việc nghỉ ngơi của những người xung quanh...
Vụ anh Nguyễn Thanh Tưởng (31 tuổi, Cảnh sát khu vực Công an Phường 5- TP Vĩnh Long) bị Hồ Anh Duy (sinh năm 1994) đâm 2 nhát dao dẫn đến tử vong khiến dư luận bàng hoàng thương xót và lo sợ.
Chỉ vì chuyện nho nhỏ cũng khiến thanh niên đang độ tuổi đẹp nhất đời người trở thành hung thủ giết người. Hay vụ cô gái trẻ ở TP Hồ Chí Minh dùng tay tát cảnh sát giao thông “để bênh mẹ” khi bị xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã bị xử phạt 9 tháng tù giam vì tội chống người thi hành công vụ.
Một vài vụ việc tương tự, cũng xuất phát từ những mâu thuẫn vụn vặt, đang là chủ đề khiến nhiều người xôn xao bàn tán. Bàn tán là một phần, người ta còn sợ hãi khi mức độ manh động, liều lĩnh của một bộ phận giới trẻ bây giờ ngày càng tăng mạnh. Chỉ cần một cái lườm nguýt trong quán ăn, một câu chửi thề khi va chạm giao thông ngoài đường là các thanh niên sẵn sàng cư xử như “xã hội đen” thứ thiệt.
Nếu thiếu đi kỹ năng ứng xử văn hóa, bạn sẽ đánh mất rất nhiều điểm cộng cho mình. Nhiều bạn trẻ vẫn đẹp biết bao với những hình ảnh sống vì mọi người...
Trong màu áo xanh tình nguyện, các bạn đã có những tháng ngày gian khổ, nhưng hạnh phúc trên các nẻo đường Mùa hè xanh. Bạn Hoàng Nguyên cho biết: “Đôi khi ứng xử đẹp chẳng có gì to tát, chỉ là một lời cảm ơn khi bạn giúp mình, một lời xin lỗi khi mình nói sai…
Mình phải tự ý thức, biết hành vi nào đẹp, hành vi nào xấu để tự mình điều chỉnh”. Còn bạn Quang Quý thì rất đồng tình với việc luyện ứng xử văn hóa từ trong nhà trường: “Học đường là nơi không chỉ dạy chữ mà còn là nơi để dạy văn hóa cho học sinh ra đường biết giao tiếp, ứng xử sao cho có lễ độ. Ứng xử đẹp thì có lợi cho mình và cho cả người khác”.
Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, giao tiếp là một tấm gương, nếu mình cười với nó, nó sẽ cười. Nếu biết suy nghĩ tích cực, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông chia sẻ thì sẽ tìm ra cách ứng xử đúng. Quan trọng hơn, khi đủ tự tin, bạn mới biết ứng xử cho phù hợp. Cô nhấn mạnh, ứng xử có văn hóa sẽ là “bí kíp” để các em được mọi người yêu thương, từ đó sẽ gặt hái thành công và hạnh phúc.
GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Nhiều gia đình ngày nay lo lắng đến đời sống vật chất nhiều quá! Họ lo cho con cơm no áo ấm, thậm chí là áo đẹp nhưng đó mới chỉ là đời sống vật chất và còn thiếu đời sống tinh thần. Thầy cô dạy học trò viết văn, làm toán chứ ít dạy học sinh cách ứng xử, đạo lý. Tôi mong thầy cô dạy học trò bằng giảng giải chứ không áp đặt. Mong cha mẹ dạy con đừng dùng roi vọt mà hãy làm gương, giải thích, hãy làm lan can cầu- không phải để ngăn cấm con bước qua mà là để đỡ cho con khỏi té ngã”. |
SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin