Sự cần thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược ở châu á được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong bài phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri -La 12 ở Xin-ga-po vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.
Sự cần thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược ở châu á được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong bài phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri -La 12 ở Xin-ga-po vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.
Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh nói:
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri -La 12 đã phản ánh đúng thực chất mối quan hệ giữa các nước trong khu vực hiện nay: Đó là tình trạng mất lòng tin giữa các nước lớn với nhau cũng như giữa các nước lớn với nước nhỏ. Hàm ý của từ khóa chính “lòng tin chiến lược” trong bài phát biểu có thể hiểu theo ba khía cạnh: Tầm quan trọng chiến lược của lòng tin trong bối cảnh khu vực hiện nay; nhấn mạnh xây dựng lòng tin như là mục tiêu chiến lược chung của khu vực; xây dựng lòng tin như là một giải pháp chiến lược.
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh. |
Những yếu tố làm xói mòn lòng tin
Trong các quan hệ xã hội nói chung, lòng tin là yếu tố mang tính chất nền tảng. Mọi quan hệ xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lòng tin. Nếu thiếu lòng tin thì mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ quốc tế nói riêng đều sẽ tan rã, đổ vỡ.
Khi đó, mọi mối quan hệ sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn do sự thống trị của luật rừng, của kiểu hành vi lừa đảo, mánh khóe, lợi mình hại người, xung đột và bạo lực.
Lòng tin xuất phát từ ba yếu tố. Thứ nhất là sự tương đồng về lợi ích và chia sẻ lợi ích. Thứ hai là cơ sở về giá trị, nghĩa là phải hiểu cái gì là tốt, là xấu, cái gì tốt cả cho mình và cho người, hay chỉ tốt cho mình mà hại cho người. Thứ ba là chuẩn mực. Chuẩn mực ở đây có thể được coi là luật pháp, là những cái gì ta cho là đúng, là sai. Nếu chia sẻ được cả ba yếu tố lợi ích, giá trị và chuẩn mực thì sẽ phát sinh lòng tin.
Rõ ràng là các nước ở châu á -Thái Bình Dương ngày càng chia sẻ với nhau nhiều lợi ích và giá trị chung. Tuy nhiên, vấn đề chuẩn mực, cụ thể là luật pháp quốc tế lại đang đứng trước những thách thức lớn.
Thời gian vừa qua, vấn đề luật pháp quốc tế được đặt ra rất nhiều, nhưng nó cũng bị vi phạm nhiều nhất. Đó là luật pháp về tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế… Những vấn đề đó đã bị vi phạm ở trên biển, biên giới và ở nhiều nơi khác nữa.
Điển hình của luật pháp là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đây là một trong những văn bản được nhiều quốc gia trên thế giới ký kết và phê chuẩn, nhưng lại bị vi phạm ở khu vực.
Như vậy, trong ba nền tảng của lòng tin thì đã có một nền tảng bị xói mòn, đó là việc tôn trọng luật pháp quốc tế, chuẩn mực quốc tế, những cam kết về hành vi ứng xử.
Thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Đối thoại Shangri -La 12 nhấn mạnh, các nước trong khu vực cũng như các cường quốc trên thế giới phải tập trung vào giải quyết vấn đề lòng tin chiến lược.
Xây dựng lòng tin từ những hành động cụ thể
Thông điệp lớn mà Việt Nam đưa ra tại Đối thoại Shangri -La 12 chính là sự cần thiết phải cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược, hướng tới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng chung.
Chiến lược ở đây đơn giản là những bước đi có tính toán. Mỗi quốc gia đều có những mục tiêu riêng, các mục tiêu này có thể không ăn khớp, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Mỗi hành động của một quốc gia có thể tạo ra phản ứng tích cực hay tiêu cực từ quốc gia khác.
Do đó, cần phải tính tới phản ứng của các nước khác trước khi có những bước đi tiếp theo trong mọi vấn đề. Chiến lược chính là tập hợp những bước đi có tính đến phản ứng của các đối tác xung quanh.
Nói cách khác, lòng tin chỉ có thể được xây dựng bằng các bước đi, hành động cụ thể, chân thành, liên tục, nhất là không thể nóng vội. Phải xây dựng từ cái nhỏ đến cái lớn chứ không thể chỉ quan tâm đến đại cục mà bỏ qua tiểu tiết.
Chẳng hạn, việc thay ngôn ngữ đối đầu bằng ngôn ngữ hợp tác giữa các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông cũng có thể được coi là một biện pháp hữu hiệu để hướng tới xây dựng lòng tin chiến lược.
Ngoài ra, để xây dựng, củng cố và tăng cường lòng tin trong quan hệ quốc tế cũng cần phải có sự minh bạch, tức là phải thể hiện sự thân thiện và chân thành trong từng ý định, dự định của mình, như trong những phát biểu đã đề cập. Trái lại, sự mập mờ, nước đôi, các hành động đơn phương chỉ làm xói mòn lòng tin.
Một biện pháp xây dựng lòng tin nữa là cơ chế kiểm chứng. Khi một quốc gia cam kết thực hiện một vấn đề, cần phải có một cơ chế để đánh giá xem họ có làm hay không và nếu làm thì làm ra sao. Không có cơ chế kiểm chứng thì mỗi cam kết sẽ được các bên giải thích theo một cách khác nhau vì lợi ích riêng của mình.
Cuối cùng là vấn đề thay đổi tư duy trong quan hệ quốc tế. Nếu vẫn giữ tư duy cũ, tức là đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết mà không đếm xỉa tới lợi ích của quốc gia khác, thì sẽ chỉ càng gây mất lòng tin.
Mặc dù vậy, để xây dựng một lộ trình chiến lược xây dựng lòng tin cho cả khu vực là rất khó. Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải dựa trên cơ sở nhận thức chung, khuôn khổ chung, luật pháp, cam kết quốc tế và các thể chế khu vực để đưa ra những bước đi riêng cho mình và cùng nhau hướng tới một mục đích chung. Khi đó các mâu thuẫn, tranh chấp, va chạm, xung đột có thể không mất đi, nhưng sẽ được quản lý và từng bước giải quyết.
Quan hệ giữa các nước và “quyền lực cấu trúc” của ASEAN
Các nước lớn nếu muốn chung sống hòa bình cần phải tránh va chạm, đối đầu, bởi nó có thể gây ra những thảm họa khôn lường, trước hết là đối với chính họ, sau đó là đối với các nước xung quanh.
Tạo dựng lòng tin giữa các nước lớn là điều đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, các nước lớn đều cần phải tôn trọng các chuẩn mực, cam kết, các thể chế của khu vực và lợi ích của các nước khác có liên quan.
Các cường quốc mà không quan tâm đến các chuẩn mực cũng như lợi ích của các nước trong khu vực sẽ có tác động tiêu cực đến sự ổn định an ninh và triển vọng hợp tác phát triển chung của tất cả.
Từ phía khác, các nước nhỏ không có “cơ bắp” hùng mạnh để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay - một thế giới mà chúng ta muốn xây dựng dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ - mỗi nước nhỏ đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế, do đó, nếu biết đoàn kết lại với nhau thì có thể tạo thành sức mạnh không nhỏ.
Hiện nay, các nước ASEAN tuy không có sức mạnh lớn về quân sự hay tài chính, nhưng đang giữ một quyền lực rất quan trọng, gọi là “quyền lực cấu trúc” bằng cách chủ trì chương trình nghị sự của khu vực, tạo ra khuôn khổ định hướng các vấn đề của khu vực từ hội nhập kinh tế đến chính trị, an ninh, làm hài hòa lợi ích của các bên. Sức mạnh này chỉ có được khi ASEAN đoàn kết.
Vì vậy, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ là, nếu duy trì sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí thì ASEAN mới làm tốt vai trò trung tâm của khu vực.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ xoay trục về châu á -Thái Bình Dương có thể ví như hai cực nam châm tạo ra sức ép rất lớn, thu hút, lôi kéo, dồn ép các nước ở giữa về các hướng khác nhau.
Bao giờ cũng vậy, khi các nước lớn đến gần ai thì tự nhiên sức ép sẽ tăng lên, chứ không hoàn toàn do sự thiện chí hay thù địch của họ. Hai sức mạnh ấy tạo ra sự co kéo cho các quốc gia ở giữa, và nếu không có sự neo đậu vững chắc thì họ sẽ bị “xoay như chong chóng” - điều có thể dẫn đến sự chia rẽ.
Trong bối cảnh ấy, ASEAN đóng vai trò như chiếc bè lớn liên kết các nước nhỏ, cho phép cùng hợp tác, xây dựng lòng tin. Nếu triển vọng khả quan, chúng sẽ biến chiếc bè thành con tàu lớn, xây dựng các thể chế chắc chắn hơn, chẳng hạn trong vấn đề Biển Đông sẽ nâng cấp DOC thành COC, có khả năng tạo dựng cân bằng lợi ích và cân bằng sức mạnh.
Cuối cùng, chúng ta phải xây dựng một ngôi nhà chung của toàn khu vực để cùng nhau chung sống, cho dù trong “chung cư” đó có cả nhà giàu, nhà nghèo, người khỏe, người yếu. Đó là một hình mẫu mà ASEAN có thể hướng tới.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin