Khúc tráng ca chiến tranh và hòa bình

12:07, 08/07/2013

Chiều ngày 7-7, Huyện ủy, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9-7-1968/9-7-2013). Dự lễ có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ tư lệnh: Quân khu 4, Tăng Thiết giáp, Pháo binh, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn 1, các sư đoàn chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam và đông đảo các tầng lớp nhân dân,

Chiều ngày 7-7, Huyện ủy, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9-7-1968/9-7-2013). Dự lễ có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ tư lệnh: Quân khu 4, Tăng Thiết giáp, Pháo binh, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn 1, các sư đoàn chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam và đông đảo các tầng lớp nhân dân, tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ký ức đẫm máu

Những ngày qua, chúng tôi có mặt tại Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa, được chứng kiến nhiều đoàn cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc nhân sự kiện này đã về Khe Sanh, Làng Vây, Động Tri, Tà Cơn, Lao Bảo v.v.. thăm lại chiến trường xưa, hồi ức và tưởng niệm.

Họ đến sân bay Tà Cơn, nay là Khu di tích lịch sử trưng bày nhiều hiện vật là vũ khí, khí tài quân sự của quân đội Mỹ. Những chiếc máy bay, xe tăng, khẩu pháo và công sự được sắp xếp, bố trí, bày biện trên dải đất đỏ thẫm vốn là đường băng sân bay quân sự. Chúng vốn từng là những “cỗ máy chiến tranh” hiện đại và tinh xảo, giờ đây nằm im lặng bên những rẫy sắn, ruộng lạc xanh mướt và êm đềm, đằng xa là dãy núi Trường Sơn trầm tĩnh, uy nghi...

Chương trình nghệ thuật “Khe Sanh 1968-Sức mạnh Việt Nam”

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2; năm 1968, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu bao vây cứ điểm Tà Cơn, nơi tập trung 6000 lính thủy đánh bộ Mỹ và hơn 1000 lính quân đội Việt Nam cộng hòa, hệ thống công sự vững chắc, hỏa lực rất mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nói, thực hiện chủ trương của mặt trận đánh dài ngày, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, thu hút, giam chân địch nhằm tạo điều kiện cho quân dân vùng đô thị miền Nam tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1968, đơn vị của ông đã thực hành chiến thuật vây lấn, đào hai đường hào chính dài hơn 5km đưa bộ đội tiếp cận sân bay -cứ điểm Tà Cơn, từ đây, phát triển nhiều tuyến đường hào áp sát, luồn sâu qua nhiều lớp hàng rào, đến tiền duyên phòng ngự của địch.

Kết quả, sau 170 ngày đêm vây lấn, Tiểu đoàn 3 đã tích cực chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vô hiệu hóa hoạt động của sân bay Tà Cơn, khiến đối phương phải đưa Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ và Lữ đoàn dù 3 quân đội Sài Gòn đổ bộ đường không xuống khu vực này nhằm giải tỏa tình trạng bị bao vây, chia cắt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy không bao giờ quên ký ức chiến tranh đẫm máu, đó là những trận đánh chốt giữ ngăn chặn địch cơ động tiếp ứng cứ điểm Tà Cơn trên Đường 9 tại vị trí Làng Khoai vào đầu tháng 4-1968.
 
Đồng chí Bùi Gia Ngoãn, Đại đội phó Đại đội 1 bị thương, mảnh pháo chém đứt lìa chân. Đồng đội đưa anh về tuyến sau nhưng Bùi Gia Ngoãn ngăn lại, anh rút lưỡi lê súng AK cắt đứt phần da còn dính chân, nói: “Địch đang tấn công dữ dội, các đồng chí hãy về vị trí chiến đấu, tôi còn chỉ huy được!”.

Và khi đợt tiến công thứ 7 trong ngày của địch bị bẻ gãy, Bùi Gia Ngoãn hy sinh vì mất máu nhiều. Hành động dũng cảm, kiên cường của người cán bộ trẻ đã trở thành niềm thôi thúc cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận lập công. Năm 2011, Bùi Gia Ngoãn đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Trở lại Khe Sanh lần này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ điều day dứt suốt 45 năm qua với phóng viên Báo Quân đội nhân dân rằng, trong những ngày vây lấn cứ điểm Tà Cơn, trong một trận pháo kích của địch, có một chiến sĩ trẻ đã đẩy ông -Tiểu đoàn trưởng của mình vào hầm ếch dưới chiến hào ẩn nấp, rồi lấy thân mình che đỡ phía bên ngoài.

Giờ đây, ông không biết người chiến sĩ ấy có còn sống hay không, ông nói: “Tôi rất mong muốn được gặp lại người chiến sĩ ấy, thông qua Báo Quân đội nhân dân, tôi hy vọng các đồng đội có thể cung cấp cho tôi thông tin về người chiến sĩ dũng cảm mà hồi ấy, giữa trận pháo kích tôi chưa kịp biết tên...”.

Trở lại Khe Sanh sau 45 năm, còn có một người phụ nữ có nét mặt nhân hậu. Bà Trần Thị Tách, nguyên diễn viên của Đoàn văn công Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1968, bà lúc ấy mới 18 tuổi, cùng đội văn công xung kích được tăng cường vào Mặt trận B5.

Giữa khốc liệt chiến tranh, bà và các cán bộ, diễn viên không chỉ hát, múa mà còn trực tiếp phục vụ chiến đấu. Bà đã khóc khi kể với chúng tôi rằng, tại Trạm phẫu Tiểu đoàn quân y 18, Sư đoàn 304, bà và các nữ diễn viên thường hát, động viên các thương binh vượt qua cơn đau để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật.

Bà nhớ như in đồng chí thương binh tên là Thường, bị thương nặng phải cắt bỏ chân phải, trong khi thuốc mê còn rất ít. Hôm ấy, bà đã hát một làn điệu chèo, hai tay ôm cứng cái chân bị thương sắp bị cắt bỏ của chiến sĩ Thường. Bà vừa hát vừa khóc...

Bà kể, rất nhiều lần bà chỉ mới hát được nửa bài, thì người thương binh đang nằm trên bàn phẫu thuật đã ra đi... Những lúc như thế, bà quay mặt vào vách hầm khóc rưng rức như một đứa trẻ. Các bác sỹ quân y Dưỡng, Nhượng thẫn thờ buông dao mổ, bước đến dỗ dành bà...

“Điểm chốt giữ” trên Hành lang kinh tế Đông-Tây

Tối 6-7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hướng Hóa, đêm nhạc “Hát cho đồng đội tôi nghe” do Câu lạc bộ Khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị tại Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa thực hiện. Buổi chiều, một cơn mưa nhẹ đã làm những tán lá cây như mềm lại, lao xao trong tiếng đàn hát của một thời lửa đạn. Trên những ngôi mộ liệt sĩ lung linh ánh nến...

Bà Hồ Thị Lệ Hà, Bí thư Huyện ủy cho chúng tôi biết: “Sau ngày giải phóng, Hướng Hóa là bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát, dày đặc hố bom, đạn, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu còn tồn tại v.v.. 45 năm qua, nền kinh tế Hướng Hóa giờ đây đã phát triển ổn định và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng lợi thế của Khu kinh tế -Thương mại đặc biệt Lao Bảo, trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liên tục đạt hơn 10%.

Hướng Hóa xứng đáng và tự hào với danh hiệu Anh hùng trong chiến đấu và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Trung tá Nguyễn Thuận Huệ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hướng Hóa cho biết: “Địa bàn Hướng Hóa được xác định là trọng điểm về quốc phòng -an ninh.

Tuyến Đường 9-Hành lang kinh tế Đông -Tây đi qua huyện với chiều dài gần 40km, trên khu vực rừng núi hiểm trở, có nhiều điểm cao khống chế; do đó, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, hoạt động có hiệu quả là nhiệm vụ thường xuyên đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm.

Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng – an ninh càng cần được đổi mới trong nhận thức và thực hiện, mới có thể đảm nhiệm được vai trò là “điểm chốt giữ” trên hành lang kinh tế Đông - Tây đang ngày càng nhộn nhịp và khởi sắc”.

Khe Sanh, Hướng Hóa 45 năm trước và bây giờ vẫn cùng dòng chảy mãnh liệt của khúc tráng ca một thời lửa đạn, một thời hòa bình...

Tối 7-7, chương trình nghệ thuật “Khe Sanh 1968-Sức mạnh Việt Nam” được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Tà Cơn, được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam với nhiều nội dung cảm động. Bối cảnh sân khấu là địa hình thật của cứ điểm Tà Cơn, tái hiện trận địa chiến đấu tơi bời bom đạn, màu đất đỏ thẫm nhuốm máu các anh hùng, liệt sĩ. Các diễn viên và các nhân chứng lịch sử đã kể lại những câu chuyện có thật, xúc động về sự hy sinh, tình đồng chí, đồng đội, quân dân son sắt đã diễn ra cách đây 45 năm.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh