Kể từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X - Ảnh: Congdoan.org.vn |
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I
Đại hội diễn ra từ ngày 1 – 15/1/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với sự có mặt của trên 200 đại biểu đại diện cho khoảng 350.000 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) cả nước. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, đại diện Mặt trận Dân tộc thống nhất đã đến dự.
Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất tiến hành nhằm kiểm điểm và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam từ khi hình thành, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi đến thời điểm Đại hội.
Đại hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng – người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá I gồm 21 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết.
Ban Thường vụ Tổng Liên đoàn gồm các đồng chí: Trần Danh Tuyên, Nguyễn Hữu Mai, Hoàng Hữu Đôn, Nguyễn Duy Tính, Trần Quốc Thảo. Đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang), Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2/1951 là Uỷ viên Bộ Chính trị) được bầu làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký, các đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Trần Quốc Thảo được bầu làm Phó Tổng Thư ký.
Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II
Đại hội diễn ra từ 23 – 27/2/1961, tại Trường Thương nghiệp, thủ đô Hà Nội với sự có mặt của 752 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến.
Đại hội đã quyết định lấy Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho phương hướng, nhiệm vụ công tác Công đoàn Việt Nam.
Đại hội quyết định đổi tên Tổng LĐLĐ Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng thời nhất trí thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền lợi đoàn viên, nguyên tắc tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp công đoàn.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khoá II gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch và đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.
Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc, với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III
Đại hội diễn ra từ ngày 11 – 14/2/1974, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 600 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Đại hội đã đón 25 đoàn khách đại diện cho giai cấp công nhân và Công đoàn quốc tế và đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước; Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khoá III, nhiệm kỳ 1974 - 1978 gồm 71 ủy viên. Đoàn Chủ tịch gồm 21 ủy viên, Ban Thư ký gồm 9 ủy viên.
Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được bầu làm Chủ tịch danh dự; đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Các đồng chí Nguyễn Công Hoà, Trương Thị Mỹ được bầu làm Phó Chủ tịch.
Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV
Đại hội diễn ra từ 8 – 11/5/1978, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 926 đại biểu đại diện trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước.
Đại hội đón 36 đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho tổ chức Công đoàn thế giới. Đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 1978 - 1983 gồm 155 ủy viên. Ban Thư ký gồm 12 ủy viên. Đồng Chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và đồng chí Nguyễn Hộ được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Mục tiêu của đại hội là: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá trong cả nước”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V
Đại hội diễn ra từ ngày 16 – 18/11/1983 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 949 đại biểu đại diện CNVCLĐ cả nước. Dự Đại hội có các đồng chí: Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V nhất trí lấy ngày 28/7/1929 - ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khoá V, nhiệm kỳ 1983 - 1988 gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Tháng 2/1987 đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Vũ Định được bầu làm Phó Chủ tịch, đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Tổng Thư ký.
Mục tiêu Đại hội là: “Động viên công nhân lao động thực hiện 3 chương trình lớn của Đảng. Phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI
Đại hội diễn ra từ 17- 20/10/1988, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của 834 đại biểu đại diện hơn 3 triệu CNVCLĐ cả nước.
Dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Đây là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cũng đặt ra cơ sở lý luận cho đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Đại hội đã đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 1988 - 1993 gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký (Đoàn Chủ tịch) gồm 15 ủy viên.
Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu Phó Chủ tịch thường trực và đồng chí Dương Xuân An là Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đại hội đặt mục tiêu: “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII
Đại hội diễn ra từ 9 – 12/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của hơn 600 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười; các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công - cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tới dự đại hội.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá VII, nhiệm kỳ 1993 - 1998 gồm 125 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu lại làm Chủ tịch, các đồng chí Cù Thị Hậu, Hoàng Minh Chúc, Nguyễn An Lương, Hoàng Thị Khánh được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội cũng bầu ra Uỷ ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa VII gồm 11 ủy viên, đồng chí Vũ Kim Quỳnh - ủy viên Đoàn Chủ tịch được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Mục tiêu của Đại hội: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII
Đại hội diễn ra từ 3 – 6/11/1998, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội với sự có mặt của 897 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước.
Tới dự Đại hội có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và nhiều đại biểu đại diện các đoàn thể quần chúng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá VIII, nhiệm kỳ 1998 - 2003 gồm 145 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí Nguyễn An Lương, Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch.
Mục tiêu của Đại hội: “Vì sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh. Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ CNH - HĐH, phát triển về số lượng và chất lượng, làm nòng cốt trong việc xây dựng khối liên minh vững chắc với nông dân và trí thức; ra sức phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế, tiếp tục xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao trình độ cán bộ Công đoàn; tham gia xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến CNVCLĐ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, động viên CNVCLĐ phát huy nội lực phát triển kinh tế, xã hội vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo con đường xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX
Đại hội diễn ra từ 10 – 13/10/2003, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội với dự có mặt của 900 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước.
Tham dự Đại hội có đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí nguyên là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác, cùng 31 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế và Công đoàn các nước, đại diện đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và phi chính phủ có quan hệ với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá IX, nhiệm kỳ 2003 - 2008 gồm 150 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 19 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyễn Hoà Bình, Nguyễn Đình Thắng, Đỗ Đức Ngọ, Đặng Ngọc Chiến được bầu làm Phó Chủ tịch.
Tháng 12/2006, đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch. Tháng 9/2007, các đồng chí Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó Chủ tịch.
Mục tiêu của Đại hội: “Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả trong CNVCLĐ; tham gia quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức Công đoàn trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ Công đoàn; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X
Đại hội diễn ra từ 02 - 5/11/2008 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội với sự có mặt của 985 đại biểu đại diện cho CNVCLĐ cả nước.
Tham dự Đại hội có đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí nguyên Tổng Bí thư và lãnh đạo lão thành của Đảng, Nhà nước; các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác, cùng 20 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế và Công đoàn các nước, đại diện đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và phi chính phủ có quan hệ với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tại Đại hội, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, CNVCLĐ; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”.
Đại hội đã xác định mục tiêu là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá X gồm 160 đồng chí. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó Chủ tịch./.
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin