
Ngày 4-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong hai ngày thảo luận, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình chính quyền địa phương được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý…
Ngày 4-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong hai ngày thảo luận, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình chính quyền địa phương được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý…
Các đại biểu đều chỉ ra, mô hình chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay đang đứng trước thực tế cần yêu cầu đổi mới để phù hợp với tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước.
Đồng thời, nhiều đề án liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện đang được triển khai nghiên cứu, thí điểm (Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Đề án về chính quyền đô thị...). Do chưa có kết luận từ tổng kết các đề án này nên còn thiếu cơ sở cho việc quyết định chính xác, hợp lý nhất.
|
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến
|
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh: “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là một vấn đề cốt yếu của Hiến pháp bất kỳ quốc gia nào. Mô hình này của nước ta đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới.
Về mặt pháp lý những quy định cứng trong Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBND nên các đơn vị hành chính về cơ bản đang hoạt động trong một hành lang pháp lý bình quân và cào bằng như nhau, chưa phân biệt đáng kể mô hình nông thôn với đô thị. Đặc biệt là hàng chục năm nay, chúng ta chưa xây dựng được một mô hình nào mới mang tính chất bứt phá đi trước”.
Từ đó đại biểu Nga chỉ ra, trên thực tế, do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm và động lực về kinh tế, chính trị, văn hóa nên các đơn vị này đã đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Bằng nhiều cách đã đề nghị trung ương cho những chính sách riêng để “cởi trói” cho hành lang pháp lý chung chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của mình.
Ví dụ Hà Nội đã có Luật Thủ đô, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang và một số tỉnh khác có nghị quyết riêng của Đảng hoặc văn bản của Chính phủ cho ưu đãi một số cơ chế, chính sách, mới nhất ngày 22/5 vừa qua Chính phủ vừa có cơ chế ưu đãi đối với Côn Đảo.
Bên cạnh đó một số địa phương lại tự mình đưa ra những quy định xé rào nhằm đáp ứng yêu cầu bức bách về quản lý của mình và họ bị rơi vào tình trạng hợp pháp thì không hợp lý, hợp lý thì không hợp pháp…
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) kỳ vọng: Hiến pháp lần này sửa đổi vướng nhất là tổ chức một nền hành chính không phù hợp trong điều kiện hiện nay, hơn nữa cần có sự đột phá. Đột phá đầu tiên là tổ chức lại chính quyền địa phương.
Đây là điểm đột phá cần phải làm. Tuy nhiên, “Chương IX, đổi tên từ HĐND và UBND sang chính quyền địa phương lại chưa thấy chính quyền địa phương là cái gì” đại biểu Lịch bày tỏ.
Bàn về vị trí HĐND trong Hiến pháp, cùng quan điểm mộ số đại biểu khác, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) chỉ ra, 10 tỉnh, thành phố đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và Nghị quyết 724 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII.
Đến nay việc thí điểm đã trải qua gần 5 năm nhưng chưa tổng kết việc thí điểm, qua việc này cũng đủ thấy tính phức tạp, nhạy cảm của đề án thí điểm chưa có điểm dừng, nhân dân các nơi làm thí điểm mất đi chỗ dựa tin cậy.
Không biết trách nhiệm thuộc về ai, những nơi làm thí điểm thì thấp thỏm chờ đợi trong lúc Nghị quyết trung ương 5 Khóa X chỉ rõ: khi thực hiện không tổ chức HĐND, huyện, phường cần tăng cường HĐND các cấp tỉnh, thành phố về số lượng, chất lượng đại biểu, về cơ sở và các điều kiện làm việc.
Nội dung này của nghị quyết chưa được thực hiện một cách nghiêm túc khiến cho các tỉnh thành làm thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nhiệm vụ giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố để làm thí điểm thì nhiều hơn, nặng nề hơn nhưng không đủ con người và điều kiện vật chất để thực hiện quyền năng của mình, làm giảm vai trò giám sát của HĐND và quyền làm chủ của nhân dân.
Từ đó đại biểu Nghĩa đề nghị “giữ nguyên quy định về các đơn vị hành chính như Điều 118 của Hiến pháp hiện hành. Về mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó có cơ quan đại diện giám sát”.
Dự thảo quy định "nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của nhà nước" nghĩa là có nhiều việc nhân dân không thực hiện quyền làm chủ của mình mà thông qua người đại diện để thực hiện quyền đó.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn TP Hà Nội) đặt câu hỏi: Nếu chúng ta bỏ HĐND thì ai sẽ là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình và ai giám sát Uỷ ban nhân dân và chính quyền các quận huyện?
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra, bên cạnh HĐND nhiều nơi làm tốt, phát huy được, giúp chính quyền mạnh lên cũng có một số nơi hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, cầm chừng, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân do các cấp tổ chức thiếu cơ chế hoạt động và chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò, chức năng của mình.
Bên cạnh đó không loại trừ do cơ cấu thường trực HĐND không đủ mạnh, không tương xứng với chức năng và vị trí một cơ quan thường trực HĐND. Từ đó dẫn đến tâm lý ngại va chạm, do bị ràng buộc về mặt nào đó, không dám thể hiện quan điểm của mình trước cái đúng, cái sai, dễ tùy các cơ quan chính quyền kiểu dĩ hòa vi quý.
Nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cần tính toán sớm, tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành và lắng nghe nhiều chiều, kể cả tỉnh, thành làm thí điểm và không thí điểm.
Từ đó có kết luận chính xác, khách quan, trung thực, đồng thời nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng kết dứt điểm trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII, nhằm thực hiện quyền giám sát tối cao việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, giúp cho Ủy ban dự thảo sửa đối Hiến pháp có cơ sở tiếp thu và chính lý dự thảo Hiến pháp.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin