Trong ngày 3 và 4/6/2013, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sáng qua (4/6), đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long- ảnh) có ý kiến đóng góp về dự thảo này trong phiên họp tại hội trường.
Trong ngày 3 và 4/6/2013, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sáng qua (4/6), đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long- ảnh) có ý kiến đóng góp về dự thảo này trong phiên họp tại hội trường.
Trước nhất, tôi thay mặt cử tri Vĩnh Long hoan nghênh quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc tổ chức lấy ý kiến cử tri cả nước, tham gia đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tôi đánh giá cao sự cố gắng của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý của cử tri cả nước. Phân tích làm sáng tỏ những ý kiến khác nhau, lựa chọn các phương án tiếp thu, chỉnh lý có tính thuyết phục và cầu thị… cơ bản tôi nhất trí.
Tôi tham gia đóng góp và đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét thêm ở Điều 10, 58 và 67.
-Về Điều 10: Tôi đề nghị giữ Điều 10 là điều riêng trong Hiến pháp quy định về tổ chức Công đoàn. Tôi cho rằng Điều 10 là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cũng là định hướng quan trọng, lâu dài cho tương lai, để công đoàn luôn giữ vị trí là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân, và của người lao động, là một lực lượng lao động chung trong xã hội.
1-Điều 58, tôi nhất trí quy định khoản 1: quy định “đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý Nhà nước” và Khoản 2: …” Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định, lâu dài hoặc có thời hạn”.
Tuy nhiên, tôi chưa yên tâm với lý giải của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần định chế rõ hơn tại khoản 2 Điều 58, có quy định “quyền sử dụng đất như quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”… Vì quyền tài sản đã được pháp luật quy định là quyền sở hữu và các quyền liên quan khác… Nhằm tạo sự thống nhất và minh bạch trong nhận thức, và thực thi pháp luật, đảm bảo được tính khả thi, áp dụng vào thực tế các điều luật.
2 - Khoản 3 Điều 58, tôi nhất trí quy định Nhà nước thu hồi đất cho mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là cần thiết, quyền lợi người sử dụng đất được bảo đảm như dự thảo. Nhưng tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cân nhắc quy định việc thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng cho các dự án phát triển kinh tế.
Tôi đề nghị nên tách thành một khoản mục “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng, trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện các dự án phát triển kinh tế” và cần có chế định: Việc thu hồi đất phải được bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng, có sự đồng thuận của người có quyền sử dụng đất, có đất bị thu hồi. Nhà nước bảo đảm ổn định đời sống của người có quyền sử dụng đất, có đất bị thu hồi.
Với lý do đơn giản, đất đai là nguồn lực quan trọng, cần được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Nhiều năm qua góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, nguồn lực để điều tiết thu nhập phục vụ các chương trình an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, được đóng góp quan trọng từ các dự án kinh tế, có thu hồi đất của tổ chức và cá nhân đang sử dụng…
- Để đảm bảo quyền lợi của công dân, người được giao quyền sử dụng đất, là quyền tài sản mà pháp luật bảo hộ… Tôi cho rằng nên quy định việc bồi thường đất- bị thu hồi… vì mục tiêu kinh tế, cần xem xét giá trị bồi hoàn, phải bảo đảm được quyền lợi hợp pháp, hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước… nhằm tránh được sự xung đột quyền lợi và tạo khiếu kiện trong dân.
Thực tế, thời gian qua khiếu nại trong dân liên quan quyền sử dụng đất, đa phần xuất phát từ việc thu hồi đất, giải quyết bồi hoàn chưa thỏa đáng, thiếu hợp lý từ những dự án phát triển kinh tế có thu hồi đất đang sử dụng của dân, có ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống của người bị thu hồi đất… gây phản ứng và bức xúc trong nhân dân.
Điều 66, 67: Về GD-ĐT và khoa học- công nghệ (KH-CN): Tôi rất nhất trí trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quy định (Điều 66) “Phát triển GD và ĐT; (Điều 67) phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, và Điều 67, xác định “khoa học và công nghệ “giữ vai trò then chốt và là động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Quy định phù hợp với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng. Phù hợp nguyện vọng nhân dân, của đội ngũ trí thức, xem GD-ĐT; KH-CN là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước. Tôi nhất trí.
Nhưng làm thế nào để KH-CN trở thành quốc sách hàng đầu, trong khi thập kỷ qua vai trò, nhiệm vụ của KH-CN đã được nhiều nghị quyết của Đảng đã khẳng định vai trò KH-CN là quốc sách hàng đầu. KH-CN vẫn chưa vươn mình theo kịp yêu cầu và còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực và tài, vật lực cần cho KH-CN…
Để KH-CN có đủ điều kiện thực hiện được vai trò là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt và là động lực phát triển đất nước… Rất cần những cơ chế, chính sách trong thu hút nguồn lực và đầu tư của Nhà nước, làm công cụ để KH-CN thực thi được sứ mệnh.
Tôi đề nghị cần có chế định tại điều này về trách nhiệm của nhà nước trong quy định các chính sách phát triển KH-CN và thu hút nguồn nhân lực...
Tôi đề nghị xem xét bổ sung ở khoản 2, Điều 67 thêm cụm từ ở đầu câu: Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư và tạo cơ chế, thu hút nguồn lực…
Câu xin được đề nghị thiết kế là: khoản 2, Điều 67: “Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư và tạo cơ chế, thu hút nguồn lực thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ”…
THÚY QUYÊN (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin