Còn nhiều băn khoăn khi sửa đổi thuế giá trị gia tăng

06:05, 29/05/2013

Chiều ngày 28/5/2013 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tổ chức thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết phải ban hành dự án luật này nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho quá

Chiều ngày 28/5/2013 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tổ chức thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết phải ban hành dự án luật này nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. 

Đồng thời, các đại biểu đã đề cập đến những nội dung được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm như nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT; mức thuế suất; chính sách giảm thuế cho người thu nhập thấp mua nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản; ngưỡng đăng ký chịu thuế và tính thuế; việc hoàn thuế;...

Đại biểu Trần Văn Huynh (đơn vị Kiên Giang) đề nghị xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương pháp, phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng trên 1 năm thì tỷ lệ các DN thuộc diện áp dụng phương pháp trực tiếp là khá lớn, dẫn đến chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý áp dụng thuế GTGT, chưa đáp ứng mục tiêu tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế đề ra trong chiến lược cải cách thuế.

Về hoàn thuế GTGT, dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Tôi đề nghị giữ như quy định hiện hành với mức hoàn thuế 200 triệu đồng, vì trong bối cảnh hiện nay việc nâng mức tiền thuế tối thiểu với mức nâng gấp 2,5 lần như quy định của dự thảo luật sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho thuế DN do chậm được hoàn thuế.

Liên quan đến vấn đề giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở, các đại biểu cho rằng việc giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.
 
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Huynh lo ngại việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Còn đại biểu Dương Quang Sơn (đơn vị tỉnh Bắc Cạn) cho rằng, việc giảm này còn phá vỡ cả quy hoạch hạ tầng xã hội.

Về quy định ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, các đại biểu đề nghị cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn, vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn.
 
Mặt khác, chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý, áp dụng thuế GTGT vì ở nước ta, thuế GTGT đã được áp dụng trong khoảng thời gian khá dài nhưng các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đáp ứng mục tiêu “tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế” đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.

Về việc khấu trừ thuế GTGT, theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), thực tế cho thấy tất cả các doanh nghiệp hiện nay đều áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có trình độ, năng lực khác nhau, những doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng theo phương pháp khấu trừ thường khó khăn và phức tạp, tốn kém nhiều chi phí trong việc thực hiện thủ tục kê khai thuế. Đại biểu đề nghị cần có quy định mở với các DN nhỏ và siêu nhỏ nếu họ vẫn có khả năng áp dụng khấu trừ thuế theo quy định chung.

Về đối tượng không chịu thuế, các đại biểu cho rằng số lượng 25 nhóm đối tượng miễn thuế GTGT như dự án luật còn nhiều, chưa phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Như vậy không phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng: “Bản chất thuế GTGT là đánh trên sự tiêu thụ do người mua phải chịu chứ không phải người bán. Do đó càng mở rộng nhiều đối tượng không chịu thuế thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng hay nhà cung cấp dịch vụ chứ hoàn toàn không mang lại ưu đãi cho doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp sẽ mất quyền khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ khi mua vào, cụ thể như hóa đơn tiền thuê văn phòng, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, Internet, văn phòng phẩm...”

Đại biểu Trần Xuân Hoà (đơn vị tỉnh Quảng Ninh) đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung quy định chặt chẽ về thời hạn nộp thuế GTGT vì theo quy định pháp luật hiện hành, các DN có thể lợi dụng kẽ hở để chậm nộp thuế.

Còn đại biểu Trương Thị Huệ (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, về các vấn đề chung, theo chúng tôi luật về thuế thì càng đơn giản càng tốt, càng dễ áp dụng và càng ổn định lâu dài thì càng tốt.
 
Đồng thời cũng phải giải quyết được những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội mà luật điều chỉnh. Luật Thuế GTGT sửa đổi mới được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII và có hiệu lực thi hành từ năm 2009 đến nay. Ta lại tiếp tục sửa đổi thì chúng tôi cũng băn khoăn là dự thảo luật lần này còn quá xa để tiến tới hoàn thành được mục tiêu cải cách thuế của giai đoạn 2011-2015.

Tiến tới chỉ áp dụng 1 mức thuế suất và thực hiện phương pháp khấu trừ. Băn khoăn là sửa đổi lần này có được lâu không?

THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh