Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật cư trú

05:05, 26/05/2013

Chiều ngày 24/5/2013, tổ 11 gồm các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Bình Định và Bắc Giang thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Chiều ngày 24/5/2013, tổ 11 gồm các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Bình Định và Bắc Giang thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình tại hội trường về  dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có những điểm mới như:  người đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

So với Luật Cư trú hiện hành, dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng. Nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về cư trú; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 sẽ có sự điều chỉnh: Lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Hộ tịch.

Theo Chương trình năm 2013, các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Phóng viên Báo Vĩnh Long lược ghi những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận tổ 11:  

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị Vĩnh Long): Nên có điều kiện thoáng hơn về việc nhập cư để thu hút người tài

 

Luật Cư trú đưa ra những quy định nhằm hạn chế việc nhập cư vào các thành phố lớn không có nghĩa là hạn chế người làm thủ tục tạm trú.

Song, luật nên có điều kiện thoáng hơn chứ đừng hành chánh quá về việc nhập cư ở các quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương để thu hút những người tài, đến đăng ký thường trú thì như thế mới đúng chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm thành phố lớn.

Bởi họ chỉ cần chỗ ở hợp pháp, thời gian lao động không nhất thiết là dài hạn hoặc không cần thiết phải làm việc ở Nhà nước thì đủ kiện để đăng ký thường trú, tạm trú tại trung tâm của chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học là nơi có điều kiện thu hút người tài, cho người dân có thể dễ dàng hơn trong học tập, làm việc.”

Đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị Vĩnh Long): Tạo điều kiện cho người dân đến đăng ký tại xã, phường, thị trấn

 

Tôi băn khoăn ở Điều 19 về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Tôi đề nghị cần xác định rõ hơn bằng văn bản như thế nào, có cần xác định của chính quyền địa phương hay không chứ đừng quy định chung chung. Điều 21 về thủ tục đăng ký thường trú là vấn đề mà người dân rất phiền hà hiện nay.

Tôi đề nghị bỏ luôn 2 khoản a và b, chỉ cần quy định 1 khoản là "người đăng ký thường trú, nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an xã, phường, thị trấn" để tạo điều kiện cho người dân đến đăng ký tại xã, phường, thị trấn và nơi địa phương đó cũng quản lý dễ dàng hơn.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (đơn vị  Long An): Quan tâm đến đối tượng người Việt Nam sang nước ngoài làm việc

Theo Luật cư trú hiện hành thì vấn đề điều chỉnh đăng ký thường trú, tạm trú cho người Việt Nam sang nước ngoài làm việc (đặc biệt người Việt sống ở Campuchia) rất nhiều, có nguyện vọng trở về nước chưa có quy định.

Do đó, tôi mong rằng sửa đổi luật lần này nên quan tâm đến đối tượng này và đưa một điều khoản để quy định giúp bà con trở về quê hương được an cư, lập nghiệp tốt hơn.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đơn vị  Vĩnh Long): Cần quy định rõ chỗ ở hợp pháp

 

Theo tôi nên có khái niệm về chỗ ở hợp pháp và quy định rõ chỗ ở hợp pháp là như thế nào, vì thực tế người dân sống nhiều năm ở các tòa nhà trong các thành phố, mà không biết vì lý do gì mà đến nay chính quyền vẫn chưa cấp sổ đỏ, sổ hồng.

Về việc quy định diện tích bình quân trong điều kiện chúng ta hiện nay nếu không đủ diện tích tối thiểu là 5m2 /người, mà người dân chấp nhận ở thì chẳng lẽ không có cơ hội để đăng ký thường trú chỗ ở hợp pháp buộc người đó phải ra đường hay sao?

Còn việc xác nhận của chính quyền địa phương thì cần nêu rõ cấp nào có điều kiện để xác nhận việc diện tích tối thiểu này.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đơn vị  Vĩnh Long): Đề xuất ý kiến  xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội

 

Các cơ quan xây dựng dự án luật này cần nâng cao hiệu quả của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua.

Các cơ quan soạn thảo đảm bảo tiến độ theo quy định của pháp lệnh gởi các dự án luật cho các cơ quan chuyên môn phục vụ Quốc hội; các cơ quan trình dự án luật, cơ quan thẩm tra cần đảm bảo gởi các dự thảo, thông tư thi hành luật để luật có hiệu lực trong cuộc sống.

Để đảm bảo tính khả thi, cần xem xét chất lượng dự án luật khi áp dụng vào thực tế. Trong chương trình nên chọn lọc những dự án luật cần thiết để trình Quốc hội xem xét, tránh trường hợp trình Quốc hội nhiều dự án luật, rồi sau đó lại phải chỉnh sửa, bổ sung, gây nên sự chồng chéo, khó áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

THÚY QUYÊN (thực hiện)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh