Tiếp theo Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 30-5, QH đã thảo luận ở hội trường, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; việc triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2013.
Tiếp theo Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 30-5, QH đã thảo luận ở hội trường, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; việc triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2013.
Những “nút thắt” của nền kinh tế liên quan đến nợ xấu, hàng tồn kho và những giải pháp mạnh mẽ để chống suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng đã được các đại biểu quốc hội (ĐB) thảo luận sôi nổi.
Số liệu thống kê: thiếu thống nhất
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
Song việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra là ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
11/15 chỉ tiêu đã được Chính phủ thực hiện đạt và vượt kế hoạch, cán cân thương mại đã cải thiện rõ rệt, thị trường ngoại tệ và tỷ giá được giữ ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010.
Các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng nhà nước đã được điều chỉnh giảm dần. Tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với kế hoạch. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội vẫn đạt 35,8% tổng chi NSNN, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2011.
Nhận xét về những số liệu thống kê được nêu tại báo cáo, ĐB Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia.
Mấy năm qua, vấn đề sinh tử của nền kinh tế là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của các báo cáo là rất thấp. Cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6% và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%.
Hồi tháng 3/2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Còn mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%. “Con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với con số đã công bố? Nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của 1 ngân hàng 2-3% có thể tăng lên 15% hoặc hơn nữa” – ĐB nêu ý kiến.
Liên quan đến số liệu về số liệu tồn kho bât động sản, ĐB Nguyễn Văn Hiến cũng bày tỏ băn khoăn: cho đến giờ này, chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn?
Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, số DN phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm?”.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, thiếu lời giải thích sẽ làm sụt giảm niềm tin của thị trường và người dân, trong khi đó, niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể vực dậy nền kinh tế đang lâm „trọng bệnh” như hiện nay.
Lạm phát giảm, cơ hội tái cơ cấu
Nhận xét về thực trạng suy giảm kinh tế hiện nay, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) khẳng định: Cử tri đang mong đợi kỳ họp này Chính phủ sẽ đưa ra biện pháp để chống sự suy giảm của nền kinh tế, chấm dứt giai đoạn trì trệ, vực dậy niềm tin thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.
Hiện nông nghiệp rất khó khăn, không còn là chỗ dựa an toàn cho công nhân trở về như những năm trước đây. ĐB cũng bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng khu vực kinh tế trong nước cả tư nhân và nhà nước đã suy yếu nặng nề trong cạnh tranh và nổi lên động lực nghiêng về khu vực kinh tế nước ngoài ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế.
Trong phiên thảo luận sáng 30-5, nhiều ĐB đã đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời cho ra đời 2 nghị quyết số 1 và 2 hỗ trợ thị trường, DN và cho rằng, đây là điểm nổi bật giúp kiềm chế được lạm phát. Trước đây, chúng ta coi lạm phát là „con ngựa bất kham”, nhưng nay với điều kiện ngắn hạn, lạm phát đã giảm.
Các ĐB cho rằng, giai đoạn trước, do bất kinh tế vĩ ổn vĩ mô, chúng ta chưa thể tiến hành biện pháp mạnh để tái cơ cấu kinh tế, thì thời điểm hiện nay là cơ hội để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn để tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.
“Phải đưa vào Nghị quyết chương trình phục hồi kinh tế trung hạn với nội dung đồng bộ để Chính phủ triển khai và Quốc hội ủy quyền cho UBTV giữa hai kỳ họp thứ 5 và 6 quyết định những vấn đề quan trọng. Tôi tin rằng, cử tri đang trông chờ những quyết sách như vậy”, ĐB Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Theo HNMO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin