Như Báo Cần Thơ đã thông tin, cuối tháng 9-2012, một cựu chiến binh ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã phát hiện gói kỷ vật trong lòng đất của một nữ liệt sĩ gồm quyển nhật ký mang tên “Thế hệ Hồ Chí Minh” và 6 tấm ảnh. Sau quá trình tìm kiếm và xác minh, nhân thân của nữ liệt sĩ ấy đã được xác định.
Như Báo Cần Thơ đã thông tin, cuối tháng 9-2012, một cựu chiến binh ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã phát hiện gói kỷ vật trong lòng đất của một nữ liệt sĩ gồm quyển nhật ký mang tên “Thế hệ Hồ Chí Minh” và 6 tấm ảnh. Sau quá trình tìm kiếm và xác minh, nhân thân của nữ liệt sĩ ấy đã được xác định.
Một cuộc thi viết cảm nhận về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” cũng được phát động nhằm truyền đến tuổi trẻ hôm nay nhiệt huyết của thế hệ trẻ thời chiến.
Người con xứng đáng của một gia đình cách mạng
Ngay sau khi nhận được gói kỷ vật, báo Bình Dương đã tổ chức đi tìm tác giả cuốn nhật ký. Sau hành trình ngược Đồng Nai, Tây Ninh rồi xuôi về các tỉnh miền Tây Nam bộ, đoàn đã tìm đến quê hương mà nữ liệt sĩ đã từng sống trọn tuổi thơ đến ngày đi làm cách mạng.
Cuối tháng 4 vừa qua, sau quá trình xác minh, Tỉnh ủy Bình Dương đã xác nhận tác giả của cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” là nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên, sinh năm 1945, quê ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên (ảnh chụp lại).
Theo địa chỉ này, chúng tôi đã lần tìm về quê nhà của liệt sĩ Lê Thị Thiên, cách trung tâm huyện Cai Lậy chừng 20 km, nằm dọc bên bờ kênh Bang Xang.
Ông Nguyễn Thanh Văn, cháu ruột của liệt sĩ Thiên, cho biết: “Khi cầm tấm hình trong gói kỷ vật, tôi tin chắc đó là dì ruột của mình. Dì Sáu Thiên giống bà ngoại như thể “cắt mặt đắp qua”. Hồi còn sống ngoại cũng thường nói với tôi như vậy”.
Nhấp ly trà quạu trong buổi chiều tà, ông Văn bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe chuyện gia đình nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ba má liệt sĩ Thiên cũng tham gia cách mạng và được tặng Huân chương kháng chiến; anh trai của người nữ liệt sĩ này cũng đã hy sinh ở Chợ Gạo đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Chú ruột của liệt sĩ Thiên nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang. Thời kháng chiến, căn nhà của ông Ba Như - bà Ba Hò, cha mẹ liệt sĩ Thiên, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ.
Bà Nguyễn Thị Sáu, bạn thân của liệt sĩ Thiên nhớ rất rõ: Một lần liệt sĩ Thiên chứng kiến cảnh cha mẹ bị giặc đánh dã man vì nghi tiếp tế cho cách mạng, chị đã thề trả thù bọn cướp nước.
Năm 1962, chị Thiên xin nhập ngũ, khi ấy chị mới vừa tròn 17 tuổi. “Dù tuổi nhỏ nhưng Thiên rất chính chắn. Thiên nói với tôi hoài, lớn lên Thiên sẽ cầm súng giết giặc, giải phóng quê hương. Con nhỏ đẹp gái, đôn hậu và có cái răng khểnh thấy thương lắm!” – Bà Sáu nhớ về người bạn của mình.
Qua những tình tiết về cuộc đời của liệt sĩ Lê Thị Thiên và những gì chị ghi trong nhật ký, chân dung một người lính, một nhà giáo được sáng tỏ: Chị nhập ngũ ngày 8-2-1962, được cử đi học văn hóa.
Tháng 12-1962, chị trở về một đơn vị thuộc miền Đông tiếp tục công tác và bắt đầu viết nhật ký. Đến tháng 5-1964, chị lên Trung ương Cục miền Nam học lớp Sư phạm tại Trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2.
Tốt nghiệp vào tháng 2-1965, chị trở lại chiến trường hoạt động và đến ngày 10-10-1966 (âm lịch) thì hy sinh.
Bìa quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Ảnh: DUY KHÔI.
4 năm làm cách mạng, người nữ giáo viên kháng chiến ấy đã trui rèn được một lý tưởng cao đẹp, sống, chiến đấu vì ngày hòa bình của đất nước. Lúc nào chị cũng tự nhắc mình phải phấn đấu nhiều hơn cho cuộc cách mạng vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Đêm 1-1-1965, tác giả viết: “M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến. Phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù, trước mặt kẻ thù không do dự”.
Hiện tại, anh chị em ruột của liệt sĩ Thiên không còn ai. Ông Văn đang thờ cúng, nhang khói cho ông bà ngoại cũng như cha mẹ và các cậu, dì.
Trong giấy báo tử ghi rõ, nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Đông, cấp bậc Trung sĩ, chức vụ Tiểu đội phó.
Chị được truy tặng Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp giáo dục. Kỷ vật của chị đã được đưa về quê hương Cai Lậy, tên tuổi của chị đã được vinh danh. Duy có điều khiến ai cũng khắc khoải là hài cốt của chị đã nằm lại nơi nào đó ở chiến trường miền Đông, không tìm thấy.
Lau vội dòng nước mắt trực trào, ông Nguyễn Thanh Văn nói: “Hài cốt cậu Tính cũng không tìm được. Bà ngoại mất vĩnh viễn hai người con mà không có nấm mồ nhang khói nên bà buồn lắm.
Nhớ hồi còn sống, chiều chiều ngoại hay ra ngồi hàng ba, dõi mắt xa xăm. Ngoại nói: Phải Sáu Thiên còn bây giờ chắc đã chồng con đề huề!”. Ông Văn nói rằng, nếu biết Dì Sáu Thiên sống đẹp và được tôn vinh như vầy, chắc ngoại rất vui lòng.
Truyền lửa cho Thế hệ Hồ Chí Minh hôm nay
Tối 27-4 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức một buổi giao lưu xúc động. Những câu chuyện về nữ liệt sĩ mới vừa tròn 21 tuổi với lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ Hồ Chí Minh thời chiến đã lay động nhân tâm biết bao người.
Ông Huỳnh Văn Sáng, người tìm ra gói kỷ vật, xúc động nói: “Lúc đầu chỉ nghĩ là gói kỷ vật thông thường nhưng khi lần giở từng trang, tôi như thấy lửa trong mỗi dòng nhật ký. Tôi cũng từng cầm súng chiến đấu nên hiểu thấu nỗi niềm của chị”.
Cũng tại buổi giao lưu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã phát động cuộc thi viết cảm nhận về cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”; 3.000 quyển nhật ký đã được trao tặng cho Tỉnh đoàn Bình Dương và Tỉnh đoàn Tiền Giang để tuổi trẻ có dịp tiếp cận với lý tưởng sống của thế hệ trước.
Những việc làm ấy sẽ tiếp tục thổi bùng ngọn lửa lý tưởng, dòng nhiệt huyết của nữ liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Thiên cho thế hệ trẻ hôm nay. Những kỷ vật trong lòng đất giờ được trao tặng cho Bảo tàng Bình Dương lưu giữ, trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền.
Cảm nhận khi đọc những dòng nhật ký của nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã xúc động viết: “Tôi thực sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả; tâm hồn của họ luôn trẻ trung trong sáng; lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan...”. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng không quên nhắn nhủ với thế hệ hôm nay: “Tôi mong muốn và tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ học tập và tiếp nối lý tưởng của thế hệ đi trước một cách xuất sắc…”.
Có thể nói, ai đã từng đọc những dòng nhật ký của liệt sĩ Lê Thị Thiên đều có cảm giác vừa cảm phục vừa cảm thấy mình còn nhỏ bé, so với một nhân cách, một chiến sĩ đã sống và cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc .
Về Mỹ Phước Tây – quê hương chị hôm nay, tôi cảm nhận được sự trù phú, giàu đẹp của vùng đất cửa ngõ Đồng Tháp Mười. Mỹ Phước Tây là 1 trong 7 xã điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang.
Những người trẻ trên quê hương đang tiếp nối truyền thống xung kích của thế hệ đi trước, xây dựng và kiến thiết quê hương. Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây, nói: “Chúng tôi tự hào vì quê hương đã sản sinh và nuôi nấng một nhân cách lớn như chị Lê Thị Thiên.
Chúng tôi sẽ phát động rộng rãi cho tuổi trẻ trong xã học tập và noi gương chị để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin