Sáng kiến của Việt Nam phù hợp, thiết thực với chủ đề hội nghị

07:05, 06/05/2013

Ngày 6-5, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu lên đường dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 (ADMM-7) tại Bru-nây

Ngày 6-5, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu lên đường dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 (ADMM-7) tại Bru-nây, nhằm tiếp tục thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM; thông qua các diễn đàn quốc phòng đa phương khu vực để tăng cường hợp tác, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực (hội nghị sẽ chính thức khai mạc sáng 7-5).
 
Đây cũng là dịp để Việt Nam chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 2 (ADMM+) và vận động các nước ủng hộ các sáng kiến mới của Việt Nam trong khuôn khổ ADMM +, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam, đồng thời tiếp tục duy trì động lực hợp tác trong khuôn khổ ADMM + được thiết lập tại Việt Nam năm 2010.

Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam dự ADMM-6 tại Cam –pu-chia năm 2012. ảnh: Đức Minh

ADMM được thiết lập năm 2006. Sự ra đời của ADMM là mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu của một cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN. ADMM là một thành phần quan trọng của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, tạo ra khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác trên thực tế giữa các lực lượng vũ trang ASEAN. Đến nay, ADMM đã qua 6 kỳ hội nghị tại các nước: Ma-lai-xi-a (năm 2006), Xin-ga-po (năm 2007), Thái Lan (năm 2009), Việt Nam (năm 2010), In-đô-nê-xi-a (năm 2011), Cam-pu-chia (năm 2012).

Cùng với đối thoại, chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực, ADMM đã thông qua các sáng kiến thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, bao gồm: Thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+, được thiết lập năm 2010); sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai; hợp tác giữa các cơ sở quốc phòng và các tổ chức xã hội dân sự ASEAN trong vấn đề an ninh phi truyền thống; hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; thiết lập mạng lưới trung tâm gìn giữ hòa bình các nước ASEAN.

Từ khi ADMM được thiết lập, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm và có nhiều sáng kiến, đề xuất phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, năm 2010, Việt Nam là chủ tịch và đã tổ chức rất thành công ADMM -4.

Trong năm là chủ tịch, Việt Nam cũng đã hiện thực hóa việc thiết lập ADMM + và tổ chức thành công ADMM + lần đầu tiên tại Việt Nam; đưa ra sáng kiến và phối hợp với các nước ASEAN thúc đẩy thiết lập 5 nhóm chuyên gia (theo 5 lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM +, gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình) và đưa các nhóm chuyên gia này vào hoạt động, trong đó Việt Nam đăng ký tham gia cả 5 nhóm chuyên gia và cùng Trung Quốc đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Tại ADMM-7, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN sẽ trao đổi, chia sẻ các vấn đề quốc phòng - an ninh và thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM /ADMM+, vì mục tiêu hòa bình và ổn định chung của khu vực.
 
Hội nghị dự kiến sẽ xem xét và thông qua các sáng kiến hợp tác mới bao gồm: Thiết lập chương trình giao lưu quốc phòng các nước ASEAN; thiết lập khuôn khổ hỗ trợ hậu cần các nước ASEAN, thiết lập Nhóm chuyên gia khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh trong khuôn khổ ADMM +, với tên gọi “Hành động mìn nhân đạo”.

Với chủ đề của ADMM-7: "Cùng nhau bảo vệ người dân và tương lai của chúng ta", sáng kiến của Việt Nam về thiết lập “Nhóm chuyên gia hành động mìn nhân đạo” được đánh giá là phù hợp, thiết thực với chủ đề của hội nghị năm nay, được các nước tham gia ủng hộ, đồng thuận, bởi đây là vấn đề được quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam, mà của cả khu vực.

Sáng kiến này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đề cập trong bài phát biểu tại Hội nghị ADMM-6 tại Cam-pu-chia năm 2012; tiếp đó chúng ta đã xây dựng Tài liệu khái niệm và được thảo luận từ cấp làm việc đến cấp thứ trưởng để tiến tới thông qua tại ADMM-7 trước khi đưa ra ADMM + lần thứ hai.

Với kinh nghiệm qua gần 40 năm khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (từ năm 1975), sáng kiến của Việt Nam về thiết lập “Nhóm chuyên gia hành động mìn nhân đạo” tại ADMM-7 được các nước ủng hộ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân trong khu vực về tác động của bom mìn, vật nổ, không chỉ góp phần giúp nhân dân Việt Nam mà nhân dân nhiều quốc gia trong khu vực giảm thiểu hậu quả và nguy cơ từ bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, đồng thời đóng góp tích cực vào xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực.

Sự tham gia tích cực, có trách nhiệm, cùng sáng kiến của đoàn Việt Nam về thiết lập “Nhóm chuyên gia hành động mìn nhân đạo” sẽ góp phần tích cực vào thành công của Hội nghị ADMM-7 và ADMM + lần thứ hai.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh