Nghiên cứu quan hệ chức quyền-trục lợi và vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng

06:04, 06/04/2013

Ngày 5-4, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng, chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.


Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 5-4, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng, chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.

Đề tài nghiên cứu do TS Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư làm Chủ nhiệm, cùng các cán bộ UBKT T.Ư thực hiện.

Đề tài nghiên cứu bước đầu dài 890 trang, gồm 35 chuyên đề và Báo cáo tổng quan dài 250 trang, tập trung vào các vấn đề chủ yếu bao gồm: nhận diện các quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; xu hướng phát triển và các hành vi cụ thể của quan hệ không bình thường; tác hại của mối quan hệ không bình thường để trục lợi giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên với doanh nghiệp, nhất là tác hại đối với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, làm suy giảm sức chiến đấu và suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, làm tổn hại lợi ích nền kinh tế...

Đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư và đồng chí Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư đồng chủ trì hội thảo, cùng với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo UBKT các tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chủ yếu: các mối quan hệ của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, phân tích rõ những tích cực và hạn chế của các mối quan hệ đó; phân tích tác hại của mối quan hệ không bình thường để trục lợi giữa doanh nghiệp với một bộ phận cán bộ, đảng viên; các cách để nhận diện mối quan hệ không bình thường giữa những người có chức, có quyền với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và xu hướng phát triển, các hành vi cụ thể.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 64,28% số người được hỏi cho rằng, mối quan hệ không bình thường dẫn đến nghi kỵ lẫn nhau, mất đoàn kết trong nội bộ, dẫn đến làm sai nguyên tắc, suy giảm sức chiến đấu, phai nhạt lý tưởng; 79,45% ý kiến cho rằng, mối quan hệ không bình thường này dẫn đến suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, dẫn đến tham nhũng, lãng phí gia tăng; 64,97% ý kiến cho rằng, mối quan hệ không bình thường làm sai lệch môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm KHXH&NV TP HCM) cho rằng, mối quan hệ không bình thường xuất phát từ cả hai phía, với những cán bộ, đảng viên có chức quyền, họ tìm cách gây khó dễ để doanh nghiệp chung chi hoặc cung cấp thông tin riêng để doanh nghiệp đó nắm tình hình, có lợi thế hơn hẳn khi cạnh tranh.

Với doanh nghiệp, nếu họ không có đủ năng lực, hoặc sử dụng quà biếu, tiền... để tạo lợi thế riêng cho mình, hoặc "chạy" các dự án từ nguồn ngân sách. Quan hệ không bình thường là khi một trong hai bên hoặc cả hai bên sử dụng thông tin, thực hiện các bước thủ tục không đúng quy trình, quy định, làm lợi cho doanh nghiệp và nhận quà biếu, tiền mặt từ doanh nghiệp.

Đồng chí Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Cách nhận diện dễ nhất là khi cán bộ, đảng viên có chức quyền nhận quà biếu, tiền mặt, tài sản giá trị lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các bước thủ tục không đúng quy định hoặc tiếp cận các dự án một cách thiếu minh bạch, công khai.

Các đại biểu cũng thảo luận sâu về Đề xuất sáu nhóm giải pháp để phát hiện, phòng, chống, ngăn chặn mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi.

Đó là, phải nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và đại diện các doanh nghiệp về sự nguy hại của mối quan hệ không bình thường của một bộ phận cán bộ, đảng viên với doanh nghiệp để trục lợi, coi đó là hành vi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, bố trí những cán bộ gương mẫu, trong sạch vào những vị trí quan trọng mà ở đó nếu không vững vàng, cán bộ có thể lợi dụng vị trí để trục lợi.

Từng cấp ủy đảng, tổ chức, chính quyền, từng cá nhân cán bộ đảng viên phải gương mẫu trong quan hệ với doanh nghiệp; công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, các trình tự triển khai dự án từ nguồn ngân sách.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cơ quan của Đảng, Nhà nước cần từng bước hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, tăng cường hoạt động của UBKT Đảng các cấp, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát... đối với những cán bộ, đảng viên ở những vị trí quan trọng, có tác động đến doanh nghiệp...

Phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân, phát huy dân chủ cơ sở, trong việc phát hiện, tố cáo những cán bộ, đảng viên lợi dụng doanh nghiệp để trục lợi; xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, đúng người đúng tội đối với những hành vi lợi dụng chức quyền để vi phạm trong mối quan hệ với doanh nghiệp.

Các ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị của đại biểu dự hội thảo được Ban Chủ nhiệm đề tài và UBKT T.Ư ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn hiện đề tài.

Theo NDĐT

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh