Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân

02:04, 08/04/2013

Vùng đất cửa biển Vân Đồn với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, nằm gọn trong lòng Vịnh Bái Tử Long huyền thoại từng là thương cảng sầm uất “bậc nhất trời Nam” từ thời vua Lý Anh Tông thuộc thế kỷ XII.

Vùng đất cửa biển Vân Đồn với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, nằm gọn trong lòng Vịnh Bái Tử Long huyền thoại từng là thương cảng sầm uất “bậc nhất trời Nam” từ thời vua Lý Anh Tông thuộc thế kỷ XII.

Làm thế nào để làm “sống dậy” tiềm năng, lợi thế của thương cảng nổi tiếng này, phục vụ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề được cán bộ, đảng viên và người dân Quảng Ninh nhắc đến nhiều nhất trong những ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, khảo sát vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa-giao thương này.

Trong chuyến thăm này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã dành thời gian mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi khảo sát Vân Đồn cả trên bộ, trên biển. Trực tiếp giới thiệu với Tổng Bí thư từng hòn đảo, khu rừng, bãi biển, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo:

- Với diện tích hơn 2000km2, Vân Đồn là khu kinh tế ven biển khác biệt với 14 khu kinh tế ven biển khác của cả nước. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN-Trung Quốc.

Khu cũng nằm gọn trong Vịnh Bái Tử Long, gắn kết với kỳ quan thiên nhiên thế giới-Vịnh Hạ Long. Từ thế kỷ XII, vua Lý Anh Tông đã cho xây dựng thương cảng Vân Đồn thành nơi giao thương rộng rãi giữa Đại Việt với thế giới.
 
Những yếu tố đó cho thấy Vân Đồn là địa bàn có đầy tiềm năng, sự khác biệt với các địa bàn khác, cần có cơ chế để “đánh thức” tiềm năng của Vân Đồn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem bản đồ Khu Kinh tế Vân Đồn. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Trong buổi làm việc của Tổng Bí thư với cán bộ, nhân dân huyện đảo Vân Đồn, đồng chí Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện ủy cũng báo cáo với Tổng Bí thư nhiều căn cứ quan trọng để phấn đấu xây dựng huyện nhà thành Khu hành chính-kinh tế đặc biệt.

Theo đó, Vân Đồn có điều kiện thuận lợi để xây dựng sân bay quốc tế; có tiềm năng xây dựng cảng nước sâu, lại nằm trong cụm cảng quốc tế Hải Phòng-Quảng Ninh-Phòng Thành (Trung Quốc).

Tuy là huyện đảo biệt lập nhưng Vân Đồn có khả năng kết nối với khu vực Đồng bằng sông Hồng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 18), với Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía Nam Trung Quốc. Đây là một vị thế đặc biệt mà các chuyên gia quốc tế cho rằng đủ điều kiện để xây dựng một khu kinh tế nhiều sức bật.

Nhiều cán bộ của tỉnh Quảng Ninh còn tâm huyết phân tích thêm: Vân Đồn có giá trị khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái. Vùng biển rộng hàng nghìn ki-lô-mét vuông, giữa Vịnh Bái Tử Long lại có Vườn Quốc gia Bái Tử Long với hơn 80 loài động, thực vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, nên có điều kiện phát triển công nghiệp giải trí và kinh tế biển.

Đất đai Vân Đồn còn hoang sơ, dân cư thưa thớt lại nằm giữa vùng phát triển năng động của Trung tâm Đông Á. Qua các lợi thế trên, có thể khẳng định khu vực phía Bắc nước ta không có nơi nào hội tụ đủ điều kiện để xây thành Khu hành chính-kinh tế đặc biệt ngoài Vân Đồn.

Chia sẻ với tâm huyết của cán bộ, đảng viên tỉnh Quảng Ninh trong phát triển Vân Đồn, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Nguyện vọng có những cơ chế đặc biệt để xây dựng Vân Đồn thành khu kinh tế phát triển là đáng trân trọng, sức nghĩ, tầm tư duy đổi mới của đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh là đáng khâm phục.

Tuy nhiên, do Vân Đồn có quá nhiều lợi thế để phát triển nhiều ngành kinh tế khác nhau, nên vấn đề là phải xác định được đâu là lợi thế so sánh chủ yếu, tạo nên sự khác biệt và là động lực phát triển Vân Đồn. Thực tế cho thấy, khai thác bằng mọi giá các lợi thế “tĩnh” để phát triển kinh tế không còn là lựa chọn hàng đầu của các nước phát triển.

Cần tính toán để khai thác các lợi thế “động” trong xây dựng Vân Đồn. Nhiều năm qua, Vân Đồn đã được hưởng các cơ chế của khu kinh tế ven biển nhưng sức hút các nhà đầu tư nước ngoài chưa cao. Vì sao lại có hiện tượng ấy? Phải trả lời câu hỏi này trước khi xây dựng kế hoạch định hướng phát triển Vân Đồn.

Trao đổi với đồng chí Vương Đình Huệ, đồng chí Phạm Minh Chính nói rằng: Khai thác lợi thế “động” chính là điều mà người Quảng Ninh trăn trở, day dứt nhiều nhất với Vân Đồn. Sở dĩ, Tỉnh ủy quyết liệt, bám sát các cơ quan Trung ương để đề nghị thành lập Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn cũng vì lẽ đó.

Nếu được, Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải thực sự khác biệt toàn diện về thể chế và cơ chế chính sách, bộ máy quản lý hành chính với các khu kinh tế khác.

Về thể chế, Khu phải được trao quyền tự chủ cao, tự do phát triển kinh tế. Về chính sách, Khu phải đủ sức cạnh tranh toàn cầu về nhiều lĩnh vực (đầu tư, thương mại, tài chính, ngân hàng, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở…), tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn mức mà các khu kinh tế đặc biệt, khu kinh tế tự do, khu hành chính đặc biệt mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Phát triển Vân Đồn lấy nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, phát triển nhanh nhưng bền vững, đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, không phát triển bằng mọi giá. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp lớn của các nước phát triển đến Quảng Ninh thăm dò cơ hội đầu tư xây dựng sân bay, xây dựng khu kinh tế phức hợp casino…

Nhưng họ vẫn trông ngóng chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước thì mới quyết định đầu tư. Vì vậy, xây dựng Vân Đồn phải bằng quyết tâm chính trị cao nhất, mạnh dạn thử nghiệm, không quá cầu toàn, Vân Đồn phát triển sẽ là động lực cho kinh tế đất nước chứ không chỉ có riêng Quảng Ninh.

Sau hai ngày khảo sát và lắng nghe ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, cả Trung ương và Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Phát triển Vân Đồn trở thành một trong những hạt nhân kinh tế của vùng nam sông Hồng là vấn đề đã được Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định.

Trung ương hoan nghênh tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám đề xuất cái mới của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Nếu muốn xây dựng Vân Đồn trở thành thành phố hiện đại, cửa ngõ giao thương quốc tế thì cần đặt trọng tâm vào phát triển công nghiệp giải trí, trung tâm dịch vụ tổng hợp và kinh tế biển.

Vân Đồn phải là nơi thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý của thế giới. Hiện tại, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị đề án xây dựng Vân Đồn và một số khu vực khác thành khu vực kinh tế đặc biệt nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và tái cơ cấu kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển kinh tế cho khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, vì đây là vấn đề rất mới, còn rất nhiều vướng mắc cả trong tư duy và thực tiễn, Tỉnh ủy Quảng Ninh cần tích cực cùng với Ban Cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị đề án thật kỹ lưỡng. Tinh thần của Trung ương là ủng hộ thử nghiệm thể chế, cơ chế mới với mô hình quản lý hành chính hiện đại.

Và ngay cả khi chưa có cơ chế đặc biệt, Vân Đồn vẫn phải quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, trở thành khu vực có tính cạnh tranh cao, tương xứng với lợi thế mà thiên nhiên và lịch sử truyền thống đã tạo dựng cho Vân Đồn.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh