Hướng về nơi ấy, Trường Sa!

06:04, 20/04/2013

"Mang rau xanh đến với Trường Sa" là công trình đang được các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu với hy vọng góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc...

"Mang rau xanh đến với Trường Sa" là công trình đang được các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu với hy vọng góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc...

Mô hình “Trồng rau xanh bằng ánh sáng đèn trên các đảo chìm vào mùa mưa” do nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu được thực nghiệm hiệu quả tại một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: Tốc Tan B, Đá Đông C, Đá Tây A, Đá Lớn cho thấy tình cảm đặc biệt của các bạn sinh viên với cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi tiền tiêu Tổ quốc. Bạn Ông Thị Ngọc Linh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học tự nhiên (KHTN) cho biết:

- So với những vất vả, thiếu thốn mà cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa hằng ngày phải gánh chịu thì mô hình này chỉ là món quà nhỏ, thể hiện tình cảm, mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé của sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh giúp các anh cải thiện và nâng cao đời sống.

Hướng dẫn kỹ thuật trong lần bàn giao những khay trồng rau đầu tiên ở Trường Sa.

Hiện, nhóm sinh viên khoa Sinh, Trường Đại học KHTN đang đảm trách phần kỹ thuật và mở rộng công trình nhằm tăng chủng loại rau và rút ngắn thời gian thu hoạch. Bạn Phạm Triều Nghi, sinh viên năm thứ tư, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết:

- Qua khảo sát cuộc sống của quân dân Trường Sa chúng tôi thấy trong bữa ăn thường ngày đều rất thiếu rau xanh vào mùa mưa bởi gió lớn, đất ở đảo chìm lại bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Nếu trồng rau bằng phương pháp thông thường sẽ không hiệu quả mà thời gian cho thu hoạch cũng kéo dài, vì thế, chúng tôi đã nghiên cứu phương án tối ưu là sử dụng cát xây dựng còn dư thừa và ánh sáng đèn tuýp để trồng rau.

Tham quan khu thí nghiệm bố trí trên tầng 12 của dãy nhà sinh viên, chúng tôi thấy những khung sắt được kê ngay ngắn, gọn gàng, có bao bọc, che chắn xung quanh. Kích thước khung sắt vừa phải, tiện cho việc di chuyển, bên trong chứa một lớp cát xây dựng dày khoảng 1,5cm. Nguồn ánh sáng nuôi dưỡng rau sinh trưởng được cung cấp bằng bóng đèn tuýp loại nhỏ.

Thoạt nhìn mô hình trồng rau rất đơn giản, nhưng trò chuyện với những người thực hiện công trình, chúng tôi mới biết: Để có được mô hình ấy cả nhóm (khoảng 10 người) đã nỗ lực ròng rã suốt một năm, thí nghiệm qua nhiều trường hợp và không ít lần thất bại. Bạn Phan Văn Lệ, thành viên trong nhóm cho biết:

- Khi mới triển khai công trình, mỗi lần thất bại chúng tôi cũng buồn lắm nhưng nghĩ tới sự hy sinh, vất vả và tinh thần dũng cảm của quân dân Trường Sa chúng tôi lại có thêm nghị lực để tìm ra biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế của công trình.

Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn khu vực thí nghiệm có điều kiện khí hậu tương đối giống với Trường Sa, thường xuyên có gió mạnh và thay đổi thời tiết. Vật liệu, dụng cụ thí nghiệm phải hết sức đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Ban đầu chúng tôi chỉ thí nghiệm trồng rau muống và rau cải. Tuy nhiên, hiện nay cả nhóm đang cải tiến kỹ thuật để có thể trồng đa dạng loại rau theo mùa, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của quân dân Trường Sa.

- Vậy, kết quả thí nghiệm mỗi khung sắt cho thu hoạch bao nhiêu rau xanh và trong thời gian bao lâu? - Tôi hỏi, anh Phạm Tấn Trường, cán bộ khoa Sinh:

- Với diện tích mỗi khay khoảng 0,24m2 cho thu hoạch trung bình hơn 1kg rau trong thời gian từ 6 đến 7 ngày đối với rau cải củ ăn lá; 9 ngày đối với rau muống. Như vậy, thời gian thu hoạch chỉ bằng 1/4 cách trồng rau thông thường. Chúng tôi đang nghiên cứu rút ngắn thời gian hơn nữa mà vẫn bảo đảm số lượng, chất lượng của rau.

Chăm sóc rau xanh ở khu thí nghiệm.

Tìm hiểu thêm về giá thành của một bộ khung sắt, chúng tôi được biết chi phí lên tới 10 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ nếu trang bị đủ cho các điểm đảo ở Trường Sa. Giải thích những băn khoăn của tôi, Bí thư Đoàn trường Ông Thị Ngọc Linh nói:

- Để quyên góp được khoảng 400 triệu đồng trở lên chúng tôi đã vận động gây quỹ bằng cách bán những bộ áo thun, lô gô, huy hiệu có in biểu tượng người chiến sĩ hải quân và đặc trưng của công trình với thông điệp “mang rau xanh đến với Trường Sa”. Sau hơn 4 tháng thực hiện chúng tôi đã bán được hơn 500 bộ, thu về số tiền khoảng 20 triệu đồng.

Cách làm này không chỉ độc đáo mà còn góp phần tuyên truyền cho mọi người, nhất là các bạn trẻ hiểu về Trường Sa, có trách nhiệm quan tâm, chia sẻ khó khăn với cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó cũng là tấm lòng của hậu phương hướng về hải đảo.

Cùng với sáng kiến của tổ chức đoàn, Trường Đại học KHTN, Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng phát động sinh viên quyên góp được 100 triệu đồng hỗ trợ thực hiện công trình, hướng tới trang bị cho tất cả các điểm đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK1 dụng cụ trồng rau.

Nhìn những mầm xanh mơn mởn, tôi thầm mong ước công trình sớm hoàn thành và được ứng dụng rộng rãi tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, góp phần giúp quân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc cải thiện đời sống, yên tâm gắn bó với biển, đảo thân yêu.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh