
Tiếp tục ngày làm việc thứ 4, Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, sáng 21-3, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.
Tiếp tục ngày làm việc thứ 4, Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, sáng 21-3, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày: Dự thảo lần này tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành, hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Theo quan điểm trên, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” dự kiến được “nới” định kỳ 5 năm một lần thay cho xét hằng năm như hiện nay, tạo điều kiện tôn vinh các cá nhân vào dịp đại hội thi đua yêu nước các cấp, phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của đất nước.
Các hình thức huân chương (từ Điều 34 đến Điều 48) cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Nâng cao tiêu chuẩn, chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét các hình thức khen thưởng mà lấy các hình thức khen thưởng cấp thấp để khen thưởng cấp cao hơn; tránh khen thưởng tràn lan, trùng lắp, “tích lũy thành tích” và dồn khen thưởng lên cấp trên.
Thời gian xét khen thưởng từ Huân chương Lao động lên Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng là 10 năm thay cho 5 năm như hiện nay. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn cụ thể để những người lao động có thành tích, dù không phải là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cũng sẽ được khen thưởng.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về tặng Huân chương Sao Vàng cho nguyên thủ nước bạn và bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới như: Nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú và đặc biệt là danh hiệu “danh nhân”.
|
Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Internet.
|
Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quy định hiện hành, các ý kiến đóng góp đều cho rằng:
Việc thay đổi thời hạn từ hằng năm lên 5 năm xét một lần đối với Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nâng thời gian xét khen thưởng đối với một số danh hiệu vinh dự Nhà nước (2 năm lên 3 năm), Giải thưởng Nhà nước (2 năm lên 5 năm), Cờ thi đua của Chính phủ từ hằng năm lên 3 năm… là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiêu chuẩn, khắc phục việc công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng tràn lan.
Dẫu đồng tình với việc cần phải vinh danh các nhà khoa học có nhiều công lao, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tiêu chuẩn giữa các đối tượng được tặng danh hiệu này với các đối tượng được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; “Huân chương Lao động” và các loại huân chương khác vẫn có sự trùng lắp và Ban soạn thảo chưa làm rõ căn cứ và đề nghị cần đánh giá danh hiệu này trong mối tương quan chung với các đối tượng khác như: Nhà báo, nhà văn, doanh nhân, luật gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi viện dẫn: “Trên thế giới không có nước nào có “Nhà khoa học nhân dân” cả. Quy định như vậy chưa phù hợp, danh hiệu ưu tú và nhân dân chỉ áp dụng cho một số nghề nghiệp đặc thù gắn với xã hội và phục vụ nhân dân, có đóng góp cho cộng đồng như: Thầy thuốc, nhà giáo.
Còn thành tựu sáng tạo, cống hiến của nhà khoa học vinh danh bằng giải thưởng". Vẫn theo ông Đào Trọng Thi, hoạt động lĩnh vực nào thì phong tặng danh hiệu ở lĩnh vực đó như: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Không nên đặt ra thêm danh hiệu “Nhà khoa học nhân dân” và “Nhà khoa học ưu tú”.
Mặt khác, “danh nhân” cũng không phải là danh hiệu thi đua khen thưởng” mà muốn tôn vinh họ cần qua một hình thức khác...
* Buổi chiều qua (21-3), UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Sáng nay (22-3), UBTVQH dự kiến dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của hai bộ, ngành này.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin