Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo, ổn định lâu dài

09:03, 14/03/2013

Các tổ chức đoàn thể và các ngành đã có nhiều đóng góp thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đó là những vấn đề tâm huyết, được đúc kết từ thực tiễn…

Các tổ chức đoàn thể và các ngành đã có nhiều đóng góp thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đó là những vấn đề tâm huyết, được đúc kết từ thực tiễn…

Ông Đặng Văn Khịa- Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh.

Ông Đặng Văn Khịa- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đóng góp: “Qua nghiên cứu Chương X, Điều 120, đề nghị nên lập Tòa án Hiến pháp độc lập và làm rõ thêm nhiệm vụ quản trị của Hội đồng Hiến pháp, vì qua nghiên cứu dự thảo cho thấy: nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp được giới hạn ở việc “kiểm tra”, “kiến nghị”, “yêu cầu”, “đề nghị”, thì đây chỉ là cơ quan tư vấn.

Ông Lê Bình An- Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh.

Liên quan đến ngành y tế, ông Lê Bình An- Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh- Ủy viên BCH Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam đề nghị Hiến pháp nói thêm về “y tế” ở tiêu đề Chương V. Ngoài ra, ở Chương V, Điều 62, khoản 1, “… phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp Đông y và Tây y”, ông đề nghị thêm cụm từ “cổ truyền” và cụm từ “châm cứu”; đồng thời, sửa lại là “… phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam theo hướng kết hợp Đông y, châm cứu và Tây y”. Vì nền y học các nước đều đi từ cổ truyền đến hiện đại, nói “phát triển y học cổ truyền” sẽ đủ và rõ ý hơn. Bên cạnh, châm cứu hiện nay đã lan ra 45 nước thành viên. Do vậy, Hiến pháp nên nói thêm về châm cứu.

Ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh.

Góp ý cho Chương II, Điều 22, khoản 4 “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật…”, ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho rằng: Hiến xác, hiện đã có luật quy định nên Hiến pháp chỉ ghi 1 câu như thế là chưa đủ, cần phải có quy định cụ thể về trường hợp hiến...

Chương II, Điều 32, khoản 2, “… Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”, theo ông nên sửa lại là “… Không ai bị kết án cùng một lúc hai lần vì một tội phạm” vì một người sau khi phạm tội, có thể tái phạm lần nữa.

Bà Trần Thị Huệ Trí- Trưởng Văn phòng Hội Làm vườn tỉnh.


Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chánh Văn phòng Hội Làm vườn tỉnh- Trần Thị Huệ Trí đề nghị bổ sung vào luật về tài nguyên đất và biện pháp xử lý. Đối với Chương I, Điều 9, khoản 3, bà đề nghị xác định rõ nhóm đất chưa sử dụng là loại đất gì... Riêng ở Chương V, Điều 56, khoản 4, bà đề nghị không quy định đóng phí khi chuyển mục đích sử dụng đất ở.

Chương XI, Mục 5, Điều 185, khoản 3, “Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất…”, bà đề nghị sửa lại là: “Hộ gia đình, cá nhân… được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì phải sử dụng đúng mục đích của đất được chuyển nhượng, cho, tặng”.

Tuy không thể góp mặt tại hội nghị lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh tổ chức vì lý do sức khỏe, nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng)- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long vẫn tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản, thể hiện đầy tinh thần trách nhiệm của công dân trước sự kiện trọng đại của đất nước.

Các ý kiến của ông đã được ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật đưa ra thảo luận để làm rõ vấn đề và để Ban thư ký tổng hợp báo cáo gửi cấp trên.

Ở Chương I, Điều 9, khoản 2, Điểm h, ông cho rằng dùng cụm từ “đất tín ngưỡng” là không phù hợp vì đất là vật vô tri, làm sao tín ngưỡng được. Do đó, nên sửa lại là “Đất dùng làm cơ sở tín ngưỡng”. Mặc dù, mục đích của cơ quan soạn thảo là muốn viết tắt, nhưng càng tắt thì lại càng tối nghĩa. Ông đề nghị điểm g và h nên nhập lại thành một và sửa lại là “đất cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng”, như vậy sẽ vừa gọn vừa không bị tối nghĩa.

Chương X, Điều 124, khoản 1, điểm a, nói về hạn mức giao đất nông nghiệp “không quá ba (3) ha”, nhất là ở khu vực ĐBSCL, ông cho rằng: “Mức hạn điền này đã lạc hậu, đề nghị nên nghiên cứu lại”.

Chương XIII, Điều 202 có nêu trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể, khoản 1 và 2 chỉ nêu cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp xã, như vậy là chưa phù hợp.

Chương XIII, Điều 203, Khoản 1, điểm a nói về vi phạm công chức địa chính xã, phường, thị trấn thì gửi kiến nghị đến chủ tịch UBND cấp xã. Như vậy là thiếu phần đề cập đến phường, thị trấn.

Ngoài ra, các điểm a, b, c (khoản 1) nói về sai phạm của công chức địa chính, của cơ quan quản lý đất đai… mà gửi kiến nghị đến chủ tịch UBND cùng cấp giải quyết thì e rằng khó xử lý đến nơi, đến chốn. Do vậy, phải tiến một cấp hoặc phải chuyển cơ quan thanh tra.

Có thể nói, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã phát huy quyền làm chủ, phát huy trí tuệ tập thể, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp, Luật Đất đai.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh