Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp

07:03, 01/03/2013

Ngày 28/2, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Vĩnh Long và nhiều ban ngành, đơn vị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

+Nên nêu đầy đủ 5 tổ chức chính trị- xã hội vào Hiến pháp

Ngày 28/2, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Vĩnh Long và nhiều ban ngành, đơn vị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy viên UBMTTQ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh– Nguyễn Thành Nghiệp:

Ở lời nói đầu bổ sung thêm cụm từ “có truyền thống” vào câu “Nhân dân Việt Nam có truyền thống lao động đặc thù…” để thể hiện rõ được sự kế thừa lâu dài. Ở Điều 1, nên để từ “độc lập” lên trước “dân chủ”. Điều 10 thêm vào 2 từ “rộng lớn” thành câu “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn”.

Điều 21 nên bổ sung thêm quyền được chết và xác định giới tính. Điều 25 chỉ cần nói “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc không tín ngưỡng” là đủ. Điều 34 sửa lại thành câu “Mọi người có quyền tự do kinh doanh đúng theo pháp luật quy định”. Điều 39 nên thêm vào câu “Cha mẹ không được phân biệt đối xử với các con”. Điều 40 bổ sung thêm câu “Các con khi trưởng thành có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, ông bà”.

Về Luật Đất đai: ở Chương 1 Điều 9 nên phân loại đất đầy đủ hơn, đất nông nghiệp thì có đất sản xuất, đất rừng; đất phi nông nghiệp thì gồm đất ở, đất an ninh quốc phòng, đất công cộng và cuối cùng là đất hoang hóa. Ở quyền sử dụng đất thì khi chuyển mục đích sử dụng đất nên quy định không thu tiền thuế.

Ủy viên UBMTTQ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh- Văn Hữu Huệ:

Điều 64 nên sửa lại thành câu “Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng, tuân thủ phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc…”.

Điều 75 không nên dùng từ làm Hiến pháp, làm Luật mà sửa lại thành soạn thảo, ban hành, sửa đổi Hiến pháp và soạn thảo, ban hành, sửa đổi Luật. Điều 98 đề nghị viết lại thành “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch đương nhiên giữ chức vụ quyền Chủ tịch” và nên nêu cụ thể thời gian dài là bao lâu.

Điều 109 “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác”, cụm từ giám đốc việc xét xử nên viết lại cho rõ nghĩa và dễ hiểu hơn vì văn phong Hiến pháp cần dễ hiểu.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh- Võ Văn Lùng:

Điều 9 nên bổ sung thêm cụm từ “và các tổ chức thành viên” vào câu “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị…” để khẳng định vai trò của các tổ chức chính trị.

Điều 10, nên bổ sung thêm đầy đủ 5 tổ chức chính trị- xã hội còn lại chứ không chỉ nói riêng về công đoàn. Điều 71 nên sửa lại thành câu “Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được xây dựng theo hướng cách mạng, tinh nhuệ…”. Điều 98 cũng cần cho biết thời gian dài là bao lâu.

  Chủ tịch Hội Nghề gốm tỉnh- Hồ Văn Vàng:

Ở Điều 7, từ “cử tri” không còn phù hợp. Điều 32 nên sửa lại thành câu “Người bị buộc tội sẽ được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một vụ phạm tội”. Điều 124, bỏ từ làm thay bằng từ soạn thảo, ban hành Hiến pháp.




Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh- Nguyễn Thị Hồng Thư:

Điều 20, đề nghị bỏ khoản 3 “công dân có trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội”, nên bổ sung vào khoản 1 “quyền công dân không thể tách rời nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội”. Điều 11, 12, 13 của Hiến pháp quy định những vấn đề quan trọng nên đề nghị chuyển lên trước ở Điều 3, 4, 5.

Ở Luật Đất đai: Điều 51 cần có ràng buộc thêm thời gian triển khai dự án để tránh lãng phí đất đai. Điều 138 là quy định không khả thi, nên quy định xây dựng cách lộ giới bao nhiêu mét. Điều 184 quy định không cân bằng giữa thành thị và nông thôn, nên quy định rõ chính sách hỗ trợ cho người nông thôn. Điều 102, điểm c khoản 1 nên giữ nguyên bộ luật năm 2003.

Ủy viên Thường trực UBMTTQ tỉnh- Nguyễn Văn Bé Ba:

Đặc biệt góp ý ở Điều 10 chỉ nói về công đoàn, còn các tổ chức chính trị khác thì như thế nào, nếu được xin đề nghị đưa vào 4 tổ chức chính trị- xã hội còn lại là Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân, nêu định nghĩa, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức này.





Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh- Hồ Duy Linh:

Chương 1, Điều 4, mục 2, “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, theo tôi, nên thêm cụm từ “chủ trương” vào và sửa lại là “… chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình” để làm rõ hơn trách nhiệm của Đảng trước những chủ trương đã đưa ra.

Chương 1, Điều 6, “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của nhà nước”. Theo tôi, nên nói rõ các cơ quan nhà nước là cơ quan nào. Đồng thời, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “các cơ quan thuộc hệ thống chính trị” như: Đảng, đoàn thể, chính quyền.

Chương II: Theo tôi, cần xác định rõ định nghĩa hoặc khái niệm như thế nào là quyền con người, như thế nào là quyền công dân và trong quyền cần nêu cụ thể cho rõ. 2 quyền này nên tách ra làm rõ đặc điểm của từng đối tượng.

Chương IV, Điều 71, “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng…” nên sửa lại là “Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo tính cách mạng…”

Chương IV, Điều 74, “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng…”, theo tôi nên sửa lại là “Công an nhân dân Việt Nam được xây dựng theo tính cách mạng…”

Chương V, Điều 75, mục 1 “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm Luật và sửa đổi Luật”, theo tôi, cần xem xét lại từ “làm” vì Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp.

Chương VIII, Điều 114, mục 2, “Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”, theo tôi nên bỏ đoạn “và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”, vì “Kiểm sát viên tuân theo pháp luật” là đã đủ nghĩa rồi.

Giám đốc Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh- Nguyễn Minh Tiến:

Chương I, Điều 7, mục 1, “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”, theo tôi, nên thay từ “bỏ” thành từ “bằng” vì “bỏ” còn có ý nghĩa là bỏ đi, vứt bỏ…

Chương III, Điều 56, mục 3 “Nhà nước trưng mua, hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường…” và Chương III, Điều 58, mục 3 “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật…”, theo tôi, nên thống nhất “bồi thường theo giá thị trường”.


  Cán bộ chuyển phát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , chi nhánh Vĩnh Long- Trương Trần Túy:

Chương II, Điều 18, mục 2 “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam , giao nộp cho Nhà nước khác”, theo tôi, nếu công dân Việt Nam có 2 quốc tịch hoặc phạm tội ở nước khác thì thực hiện thế nào? Nên nói rõ, hoặc thực hiện theo cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Chương II, Điều 42, “Công dân Việt Nam có quyền và nghĩa vụ học tập”, tôi đề nghị nên thay cụm từ “công dân” thành cụm từ “mọi người”.



XUÂN TƯƠI- HẢI YẾN

(ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh