Không chỉ chuẩn hóa các từ, ngữ trong văn bản

08:03, 05/03/2013

Chuyên mục kỳ này xin giới thiệu tiếp ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long và của các cán bộ Đoàn thuộc Đoàn Khối doanh nghiệp. Tham gia đóng góp, hầu hết ý kiến tán thành nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi một số cụm từ, từ ngữ để Hiến pháp chặt chẽ hơn, giúp người dân hiểu đúng nghĩa và thực hiện tốt hơn.

Chuyên mục kỳ này xin giới thiệu tiếp ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long và của các cán bộ Đoàn thuộc Đoàn Khối doanh nghiệp. Tham gia đóng góp, hầu hết ý kiến tán thành nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi một số cụm từ, từ ngữ để Hiến pháp chặt chẽ hơn, giúp người dân hiểu đúng nghĩa và thực hiện tốt hơn.


Đại biểu Nguyễn Việt Thanh (đơn vị TP Vĩnh Long)- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Điều 58 có nói về việc Nhà nước thu hồi đất do tổ chức và cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết. Theo tôi, thứ nhất là điều chỉnh thay đổi theo quy định của pháp luật thành theo quy định của luật.

Nếu theo pháp luật thì có nhiều quy định, nghị định các nơi khác nhau có thể dẫn tới tranh chấp khá lớn như trong thực tế vừa qua. Còn luật thì quy định chung để khi chúng ta thu hồi và định giá do một cơ quan nào trong thời gian nhất định thì có thể thực hiện tốt và thống nhất hơn.
 
Vì vậy, theo tôi nên bỏ cụm từ “thật cần thiết” bởi khi chúng ta thu hồi đất để phục vụ cho quốc phòng- an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án phát triển kinh tế- xã hội thì không thể nói không cần thiết, mà thu hồi đất để làm những dự án này thì đương nhiên cần thiết rồi.

Vừa qua, chúng ta thực hiện giá bồi thường đất chưa thực tế thì có thể nghiên cứu thêm, ghi như thế nào để luật quy định cho giá bồi thường trong thời điểm nhất định của từng dự án cho người dân được bồi thường thỏa đáng hơn. Còn dự thảo luật ghi bồi thường thỏa đáng, bồi thường theo giá thị trường, giá nhà nước thì khó khăn, bởi Nhà nước định giá 1 năm 1 lần mà dự án thì giá có thể thay đổi hàng tháng, hàng ngày cho nên trong Điều 58 về vấn đề này người dân rất quan tâm.

Điều 83 ghi khi cần thiết Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời… Theo tôi, cụm từ “khi cần thiết” thì ai sẽ xác định khi cần thiết để Quốc hội thành lập, cụm từ này không được rõ ràng bởi nếu có ý kiến về dự án hay những vấn đề nhất định của xã hội có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì xác định “khi cần thiết” này ai xác định. Do vậy, nên bỏ “khi cần thiết” mà bổ sung thay đổi “khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến hay Chủ tịch Quốc hội đề nghị”.

Đại biểu Nguyễn Văn Lê (đơn vị huyện Trà Ôn)- Bí thư Huyện ủy Trà Ôn


Trong phần Lời nói đầu có nêu “… sự giúp đỡ quý báu của bè bạn và nhân dân thế giới”, theo tôi trong một văn kiện quan trọng như vậy mà dùng cụm từ “bè bạn” thì chưa hợp lý mà nên dùng các từ “quốc gia” hay “các nước”...“nhân dân ta” thành “Việt Nam ta” để tránh lặp từ.

Điều 13 mục 1 “Quốc kỳ Nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam ….” Tôi xin bổ sung cụm từ ngôi sao vàng năm cánh “đều nhau”. Điều 19 mục 1: “Người Việt Nam định cư…” tôi đề nghị bớt 4 từ “không thể tách rời” là đủ nghĩa.

Điều 27 mục 3 tôi xin thêm vào “phụ nữ là công chức, viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh con thời gian là 6 tháng vẫn được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật” sẽ rõ và bình đẳng hơn.

Điều 34 mục 1 nói “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” như vậy không ổn bởi kinh doanh ở nước nào thì phải tuân thủ theo pháp luật của nước đó. Điều 48 “công dân phải làm nghĩa vụ quân sự…”, theo tôi ý chưa rõ vì thực tế đi nghĩa vụ quân sự chỉ gọi nam đi nên không thể bình đẳng nam nữ trong điều này được.

Điều 54 mục 2 “các thành phần kinh tế….”, theo tôi nên bớt 2 chữ “lâu dài” vì như thế các ngành kinh tế ngoài quốc doanh họ có ám ảnh lúc nào đó sẽ không tồn tại.

Điều 90 mục 2 “Luật, nghị quyết của Quốc hội… công bố chậm nhất 15 ngày”, theo tôi thời gian qua các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành thường vướng mặt này mặt khác, dẫn đến không thực hiện được, như thế trách nhiệm nơi ban hành hay nơi thực hiện, tôi nghĩ cần quy trách nhiệm rõ ràng. Điều 95 tôi có ý kiến nên tăng cường quyền lực của Chủ tịch nước mạnh hơn.

Phan Hữu Thống Nhất-Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp

Về cơ bản, tôi thống nhất với nội dung, bố cục của dự thảo. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên sửa lại tiêu đề là: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì nó có tính ổn định lâu dài và không cần ghi năm vào.

Nguyễn Minh Triết- Bí thư Chi đoàn Công ty CP Cơ khí Cửu Long

Chương I, Điều 8, mục 2, “… Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân…”, tôi đề nghị thêm từ “mỗi” vào phía trước và sửa lại là “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân…”.

Cũng ở Chương I, Điều 8, mục 2, “… chống lãng phí”, đề nghị thêm cụm từ “và chịu trách nhiệm trước dân” và sửa lại là “… chống lãng phí và chịu trách nhiệm trước dân”.

Nguyễn Duy Khoa-Cán bộ chuyên trách của Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh

Ở Chương II, Điều 27, mục 1, “Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt…”, tôi đề nghị thay cụm từ “nam, nữ” thành cụm từ “Việt Nam” và sửa lại là “Công dân Việt Nam bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt”.

Ở Chương II, Điều 27, mục 2, đề nghị chỉ giữ lại đoạn “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực” và bỏ đoạn “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.

Đoàn Như Anh- Phó Bí thư Đoàn ủy Đoàn cơ sở Công ty CP Dược phẩm Cửu Long

Theo ý kiến của tôi là không bỏ câu này, nên giữ nguyên theo dự thảo Hiến pháp vì phụ nữ ngày nay cho dù có mạnh mẽ đến đâu thì cũng phải thực hiện thiên chức của tạo hóa ban cho họ, nên tất nhiên phải gặp những khó khăn nhất định, muốn cho họ phát huy hết khả năng, nội lực vốn có thì cần phải được tạo điều kiện của các bên Nhà nước, xã hội và gia đình”.

Trương Công Nhạn-Bí thư Đoàn Công ty CP May Vĩnh Tiến


Chương II, Điều 46, mục 2, quy định “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” và Chương III, Điều 68, mục 1 cũng quy định “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân”. Như vậy, có ý nghĩa trùng lắp. Do đó, tôi đề nghị bỏ bớt mục 2 của Điều 46.

Ở Chương V, Điều 51, khoản 1 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư,…”. Tôi đề nghị bỏ cụm từ “tài chính” vì ngoài tài chính thì cần đáp ứng các năng lực khác như: nguồn nhân lực…

Nguyễn Phúc Duy- Phó Bí thư Chi đoàn Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh

Ở Chương II, Điều 39, “ Nam nữ có quyền kết hôn và ly hôn”, đề nghị thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” và sửa lại là “ Nam nữ có quyền kết hôn và ly hôn theo quy định của pháp luật” để mọi người thực hiện quyền của mình theo đúng pháp luật.

Phan Thị Phương Mai (giữa)- Bí thư Đoàn ủy Đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long

Ở Chương V, Điều 54 về “Giao đất có thu tiền sử dụng đất”, tôi đề nghị: “Nên quy định hạn mức (số m2) được miễn trừ thuế chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, vì hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân thu nhập thấp, mua đất vườn giá rẻ để cất nhà, nhưng lại phải tốn chi phí chuyển mục đích sử dụng đất (thành đất thổ) thì rất khó khăn về kinh tế đối với họ. Như vậy là chưa
thỏa đáng”.

Cao Quốc Phong- Bí thư Chi đoàn Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL chi nhánh Vĩnh Long

Ở Chương VII, mục 2, khoản 1, quy định “Thửa đất có nhiều người sử dụng đất, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận được cấp cho từng người sử dụng đất, từng chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hoặc cấp chung một giấy và trao cho người đại diện nếu các chủ sở hữu có yêu cầu”, tôi đề nghị chỉ cấp chung trong một giấy chứng nhận, không cần cấp riêng cho từng người để tránh gây khó khăn cho việc quản lý.

Lê Hoàng Phương-Phó Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh


Ở Chương VIII, Điều 109, mục 2, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị chọn phương án 2. Tuy nhiên, ở khoản 1, “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần”, đề nghị nên sửa lại là “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 1 năm một lần” do thị trường bất động sản biến động thường xuyên nếu 5 năm mới điều chỉnh thì không phù hợp với thực tế.

TRẦN ÚT – THÚY QUYÊN -XUÂN TƯƠI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh