"Đảng xuất phát từ lợi ích nhân dân, phục vụ và chịu sự giám sát của nhân dân"

07:03, 07/03/2013

Chuyên mục kỳ này xin giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Ngọc An- Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia tỉnh, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (ảnh).

>> CHUYÊN MỤC ĐÓNG GÓP DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

>>
CHUYÊN MỤC DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)



Chuyên mục kỳ này xin giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Ngọc An- Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia tỉnh, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (ảnh).

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi tán thành và hưởng ứng chủ trương sửa đổi bổ sung Hiến pháp hiện hành, nên đã tích cực tham gia nghiên cứu toàn văn bản với tinh thần, trách nhiệm, nhiệt huyết cao và xin đóng góp một số ý kiến:

+ Ở Chương I, Điều 4, khoản 2, dự thảo viết “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân về những quyết định của mình”, tôi đề nghị sửa lại như sau: “Đảng xuất phát từ lợi ích nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân về những chủ trương và quyết sách của mình”.

+ Chương I, Điều 4, khoản 3, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, tôi đề nghị thêm vào cụm từ “của điều lệ Đảng theo” và sửa lại là: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của điều lệ Đảng, theo Hiến pháp và pháp luật”.

+ Chương I, Điều 13, khoản 2, “… ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ…”, tôi đề nghị sửa lại là “…ở dưới có nửa bánh xe có 5 răng cưa và dòng chữ…”

+ Chương II, Điều 21, “Mọi người có quyền sống”, tôi đề nghị sửa lại là “Mọi công dân có quyền sống và được đảm bảo điều kiện sinh sống”.

+ Chương II, Điều 34, khoản 1, “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, tôi đề nghị sửa lại là “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do kinh doanh theo luật định”.

+ Chương II, Điều 39, khoản 1, “ Nam nữ có quyền kết hôn và ly hôn…”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “ly thân” và sửa lại là “ Nam nữ có quyền kết hôn, ly thân và ly hôn”.

+ Chương II, Điều 50, “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế”, tôi đề nghị sửa lại là “Công dân có trách nhiệm đóng thuế và lao động công ích theo luật định”.

+ Chương III, Điều 58, khoản 3, “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết…”, tôi đề nghị sửa lại là “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng thì Nhà nước bồi thường theo thời giá của thị trường trong trường hợp thật cần thiết…”.

+ Chương III, Điều 59, khoản 1, “Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật”, tôi đề nghị sửa lại là “Tài sản nhà nước, quỹ dự trữ tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính công khác thuộc sở hữu công cộng được Nhà nước thống nhất quản lý dân chủ, sử dụng có hiệu quả, phân phối công bằng, phê chuẩn công khai, công bố minh bạch theo luật định”.

Đề nghị bổ sung thêm khoản 3 như sau: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước do nhân dân đóng góp, được Quốc hội phê chuẩn để Chính phủ thực hiện hàng năm, nhằm đảm bảo chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan Nhà nước các cấp”.

Đề nghị bổ sung thêm khoản 4 như sau: “Nguồn thu của ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, các khoản thu từ hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, các khoản viện trợ, các khoản vay của Chính phủ theo quy định của pháp luật”.

Đề nghị bổ sung khoản 5 như sau: “Đối tượng chi của ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, môi trường, chăm sóc sức khỏe bảo vệ con người, chăm lo phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo đảm hoạt động và bộ máy nhà nước, tài trợ cho các hoạt động xã hội, tăng cường các quỹ dự trữ quốc gia, tài trợ các khoản vay của Chính phủ, chi viện trợ nhân đạo và cứu trợ xã hội do thiên tai, khủng bố, sự cố, địch họa theo quy định của pháp luật…”

+ Chương V, Điều 84, khoản 1, “Đại biểu quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu”, theo tôi, cần quy định rõ hơn và sửa lại là “Đại biểu Quốc hội là người đại biểu chuyên trách cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và là người đại diện trực tiếp của nhân dân ở đơn vị bầu cử đã tín nhiệm bầu ra mình”.

Đề nghị bổ sung vào đầu khoản 2 như sau: “Đại biểu Quốc hội hoạt động theo tổ chức của từng đoàn đại biểu địa phương”.

Đề nghị nên đổi tên của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương thành Viện Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố để nâng cao địa vị pháp lý và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại địa phương nhằm đề cao vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội với nhân dân địa phương tại Quốc hội.

+ Chương V, Điều 88, khoản 1, “… Quốc hội quyết định họp kín”, theo tôi cần xem xét không quy định Quốc hội họp kín vì đất nước hòa bình, đang hội nhập và phát triển.

+ Chương VI, Điều 95, tôi đề nghị cần bổ sung thêm quyền của Chủ tịch nước như sau: “Chủ tịch nước có quyền thành lập các Hội đồng cố vấn hoặc Hội đồng tư vấn cho Chủ tịch nước như: Hội đồng kinh tế, xã hội, Hội đồng nhân quyền, Hội đồng ban giao quốc tế… nhằm giúp cho Chủ tịch nước chuẩn bị các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước khi tham dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, tham dự các hội nghị của Liên Hợp Quốc, diễn đàn của các nguyên thủ quốc gia, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế, hội nghị khu vực và tổ hội đàm với các nhân sĩ, trí thức quốc gia và quốc tế…”.

+ Chương VII, Điều 101, cần bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý tài sản quốc gia và tài sản công cộng được hình thành từ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Đề nghị bổ sung thêm khoản 3 như sau: “Chính phủ là chủ sở hữu tài sản quốc gia và tài sản công cộng được hình thành và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, danh nghiệp nhà nước kinh doanh với nước ngoài có trách nhiệm bảo vệ tài sản…”.

+ Chương VIII, Điều 110, theo tôi, cần bổ sung thêm thẩm quyền và trách nhiệm của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trong lĩnh vực quản trị tài chính, tư pháp, giảm bớt sự phụ thuộc về kinh phí hoạt động ngành đối với Chính phủ. Thẩm quyền của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trong lĩnh vực tài chính ngân sách của ngành tư pháp do luật định.

+ Chương VIII, Điều 112, theo tôi, cần bổ sung, khôi phục lại quyền kiểm soát chung của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp trong lĩnh vực kiểm soát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành chính các cấp và hệ thống các cơ quan pháp chế ngành không thể đảm đương được nhiệm vụ trong thực tiễn thực thi pháp luật hiện hành.

+ Chương X, Điều 120, việc thành lập cơ quan Bảo vệ Hiến pháp là cần thiết, tôi hoan nghênh việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này có thêm chế định về bảo vệ Hiến pháp. Tuy nhiên, về tên gọi, đặt tên là “Hội đồng Hiến pháp” là chưa thỏa mãn được việc nhận thức vai trò, chức năng, nhiệm vụ của việc bảo vệ Hiến pháp. Do đó, nếu không thể gọi là Tòa án Hiến pháp, thì nên gọi là “Hội đồng Bảo Hiến” tương ứng với hệ thống tài phán của cơ quan xét xử, phản ánh đúng chuẩn mực, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan Bảo Hiến tối cao.

+ Chương X, Điều 120, khoản 2, “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến…”, tôi đề nghị sửa lại là “Hội đồng Bảo hiến thẩm tra, xem xét tính hợp hiến…”.

“… Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp…”, theo tôi, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp cũng cần được làm rõ và có quy định rõ trong Hiến pháp, nếu quy định không rõ như bản dự thảo thì sẽ có nhiều khó khăn cho việc thể chế hóa sau khi Hiến pháp được thông qua.

Về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chương I, Điều 5, khoản 1, tôi đề nghị làm rõ chủ thể để Nhà nước cấp quyền sử dụng đất.

+ Chương I, Điều 5, khoản 2, tôi đề nghị làm rõ khái niệm hộ và cá nhân để tránh nhầm lẫn.

+ Chương I, Điều 5, khoản 3, tôi đề nghị chỉ ghi “cộng đồng dân cư” là đã đủ ý.

+ Chương VI, mục 2, Điều 72 và 74, tôi đề nghị giá bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải có nguyên tắc nhất quán, nghĩa là cần ghi rõ theo giá Nhà nước theo cấp nào và cấp nào quy định khung giá đất.

+ Chương VII, mục I, Điều 96, khoản 1, điểm e, “Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”, theo tôi, việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền theo điểm e, chỉ ghi như vậy là có sơ hở, cần nghiên cứu cho sâu và chế định chuẩn xác.

XUÂN TƯƠI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh