Công dân có quyền được Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội

09:03, 06/03/2013

Đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũng Liêm- Nguyễn Văn Cơ Ba


+ Chương I, Điều 1, tôi đề nghị bổ sung vào đoạn cuối cụm từ “lòng đất” và sửa lại là: “… bao gồm đất liền, lòng đất, hải đảo, vùng biển và vùng trời” để đủ ý và đủ nghĩa hơn.

+ Chương II, Điều 22, khoản 1, “… được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “tài sản” và sửa lại là “… được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự và nhân phẩm”.

+ Chương II, Điều 22, khoản 3, “… thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý”. Tôi đề nghị bổ sung “đăng ký trước hoặc có sự đồng ý của thân nhân gia đình” và sửa lại là “… thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý, đăng ký trước hoặc có sự đồng ý của thân nhân gia đình”.

+ Chương II, Điều 27, khoản 1, “Công dân nam, nữ bình đẳng…”, tôi đề nghị thay cụm từ “nam, nữ” thành cụm từ “Việt Nam” và sửa lại là “Công dân Việt Nam bình đẳng”.

+ Chương II, Điều 27, khoản 3, “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”, tôi đề nghị thêm từ “tính” vào và sửa lại cho rõ nghĩa “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới tính”.

+ Chương II, Điều 28, “đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” tôi đề nghị sửa lại là “đủ hai mươi bốn (24) tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” vì để có đủ trình độ, năng lực, người đó ít nhất phải tốt nghiệp đại học và có thời gian làm việc, nên tôi nghĩ, để được tham gia ứng cử, người đó phải từ 24 tuổi trở lên mới đáp ứng được yêu cầu của người tham gia ứng cử.

+ Chương II, Điều 34, khoản 1, “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, tôi đề nghị thêm cụm từ “theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” và sửa lại là “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

+ Chương II, Điều 34, khoản 2, “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh”, tôi đề nghị thêm cụm từ “hợp pháp” cho rõ nghĩa và sửa lại là “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh hợp pháp”.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Vĩnh Long- Châu Thanh Hùng


+ Chương I, Điều 9, khoản 2, “Mặt trận tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “và các tổ chức chính trị, xã hội” và sửa lại là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.

+ Chương II, Điều 15, khoản 2: “… sức khỏe của cộng đồng”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” và sửa lại là “… sức khỏe của cộng đồng theo quy định của pháp luật”.

+ Chương II, Điều 35, “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh, xã hội”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “Nhà nước” và sửa lại là: “Công dân có quyền được Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội”.

+ Chương II, Điều 38, khoản 1, “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm và nơi làm việc”, tôi đề nghị bỏ cụm từ “và nơi làm việc” vì khi Đảng phân công nơi làm việc hoặc chuyển công tác, chúng ta phải chấp hành theo sự phân công của Đảng.

+ Chương II, Điều 39, khoản 1, “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn…”, tôi đề nghị sửa lại là: “Công dân đủ tuổi theo quy định của pháp luật có quyền kết hôn và ly hôn…” vì hiện nay, nhu cầu kết hôn không chỉ có nam và nữ mà những người đồng tính cũng mong muốn được phép kết hôn và đây cũng là nhu cầu chính đáng của họ, chúng ta nên có cái nhìn rộng mở hơn về vấn đề này.

+ Chương II, Điều 48: “Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân…”, tôi đề nghị sửa lại là: “Công dân nam theo độ tuổi quy định của pháp luật phải làm nghĩa vụ quân sự. Tất cả công dân đều có nghĩa vụ tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân…”

Chủ tịch Hội Nông dân TX Bình Minh- Thái Văn Hùng

+ Chương IV, Điều 70, “… thực hiện nghĩa vụ quốc tế”, theo tôi nên dùng cụm từ “… thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước”.

+ Chương IV, Điều 73: “… chính sách hậu phương quân đội…”, theo tôi nên dùng từ “chính sách hậu phương cho lực lượng vũ trang” vì như thế sẽ bao hàm cả công an và quân đội.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Bình- Nguyễn Văn Sơn

+ Chương I, Điều 4, khoản 1, “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân,…”, tôi đề nghị thêm vào cụm từ “nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” và sửa lại là “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam…”.

+ Chương II, Điều 21, “Mọi người có quyền sống”, tôi đề nghị ghi theo “Bản Tuyên ngôn độc lập” của Bác Hồ là: “Mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

+ Chương II, Điều 34, khoản 1, “Mọi người có quyền kinh doanh”, tôi đề nghị thêm cụm từ “theo pháp luật quy định” và sửa lại là “Mọi người có quyền kinh doanh theo pháp luật quy định”.

+ Chương II, Điều 34, tôi đề nghị chuyển khoản 2 “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” vào Chương III, Điều 56 vì có đề cập đến chính sách bảo hộ kinh doanh của Nhà nước.

+ Chương II, Điều 47, “… Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”, tôi đề nghị, cần quy định rõ cụ thể về mức hình phạt đối với tội này.

+ Chương IV, Điều 71, “… dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp…”, tôi đề nghị bỏ cụm từ “hùng hậu” và sửa lại là “… dân quân tự vệ được xây dựng rộng khắp…” là đủ nghĩa rồi.

+ Chương IV, Điều 73, “… xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”, tôi đề nghị sửa lại là “… xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc”.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân- Nguyễn Văn Thành

+ Chương I, Điều 1, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập…”, tôi đề nghị dời cụm từ “độc lập” ra trước cụm từ “dân chủ” và sửa lại là “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ…” vì một quốc gia phải có độc lập trước rồi mới tới dân chủ.

+ Chương I, Điều 13, tôi đề nghị bổ sung thêm “quốc huy”.

+ Chương II, Điều 21, “mọi người có quyền sống”, tôi đề nghị thêm từ “được” và sửa lại là: “Mọi người có quyền được sống”.

+ Chương II, Điều 38, khoản 2, “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt, đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật”, tôi đề nghị bỏ cụm từ “trái pháp luật” vì việc sử dụng người lao động chưa thành niên là đã trái pháp luật rồi, nếu ghi “sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật” sẽ gây hiểu nhầm là có trường hợp cho sử dụng người lao động chưa thành niên.

+ Chương II, Điều 40, khoản 2, “Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc…”, tôi đề nghị sửa từ “mặc” thành từ “rơi” và sửa lại là “Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ rơi…” vì từ “bỏ mặc” có nghĩa là để mặc tình, muốn làm gì thì làm, còn “bỏ rơi” là bỏ hẳn luôn, không quan tâm…

+ Chương II, Điều 50, “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế”, tôi đề nghị sửa lại là “Mọi công dân Việt Nam , mọi người sống ở Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế”.

+ Chương III, Điều 61, khoản 1, “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động”, tôi đề nghị xem xét lại cụm từ “thỏa đáng”, vì để “thỏa đáng” cho tất cả lao động là việc làm không thể và rất khó để định nghĩa như thế nào là “thỏa đáng”, chính vì vậy, theo tôi nên sửa lại đoạn “có thu nhập thỏa đáng cho người lao động” thành “tạo thu nhập cho người lao động” là đã đủ ý nghĩa rồi.

XUÂN TƯƠI (ghi)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh