Thống nhất đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu

12:03, 09/03/2013

Song song với việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại đa số các tầng lớp nhân dân. Qua các ý kiến đóng góp, điều mà người dân quan tâm, đóng góp nhiều nhất là những vấn đề liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định

Song song với việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại đa số các tầng lớp nhân dân. Qua các ý kiến đóng góp, điều mà người dân quan tâm, đóng góp nhiều nhất là những vấn đề liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có 14 chương, gồm 206 điều, tăng 7 chương, 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Các đại biểu đã cơ bản thống nhất với bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đóng góp nhiều ý kiến mang tính lý luận và thực tiễn cao, tập trung vào 5 nội dung được dư luận quan tâm.

Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có hiệu lực sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đó là vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án đầu tư. Kế đến là vấn đề thu hồi đất, cơ chế để Nhà nước chủ động thu hồi đất, trình tự, thủ tục thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất.

Những buổi đóng góp lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đóng góp đi sâu phân tích vấn đề giá đất và đề nghị về nguyên tắc định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, tư vấn giá đất. Một nội dung cũng có nhiều ý kiến đóng góp nữa là quyền sử dụng đất, cũng như chế độ sử dụng các loại đất.

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cán bộ hưu trí nguyên là tỉnh ủy viên đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Riêng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu tập trung đóng góp nhiều nội dung quan trọng như cần nghiên cứu thêm về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất vì trong Dự thảo Luật Đất đai quy định quyền của Nhà nước thì nhiều còn quyền của người sử dụng đất còn hạn chế; quy hoạch đất quốc gia thời gian 10 năm là quá ngắn, cần nâng lên thấp nhất là 30 năm; việc bồi thường đất hỗ trợ tái định cư, cần quy định rõ bồi thường bằng tiền như thế nào nếu không có đất để bồi thường; căn cứ tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất chưa phù hợp và hạn mức giao đất nông nghiệp theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn quá thấp.

Ông Nguyễn Thanh Liêm- nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đóng góp ở mục 2 Điều 107 Chương VIII nói về giá đất có những cái chưa phù hợp. Ví dụ như đất kinh doanh nhưng vị trí sinh lời khác nhau thì phải tính giá khác nhau.

Bởi lẽ, khi đi vào áp dụng trong thực tế rất khó và vấn đề tranh chấp cũng do nguyên nhân này. Vấn đề nữa là xác định giá đất giáp ranh, ví dụ khi xác định giá đất giữa hai huyện lúc đầu là giống nhau nhưng khi có giải tỏa bồi thường thì lại tính giá khác nhau.

Theo tôi việc định giá này do địa phương chịu trách nhiệm chứ không nên do Chính phủ quy định. Ở mục 2 Điều 124 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL không quá 3ha là chưa hợp lý, bởi thực tế có hộ có từ 5- 7ha nhưng mượn người khác đứng tên.

Quy định như vậy có những hộ mở trang trại hay nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn phải sử dụng đất nhiều gặp khó, theo tôi phải tùy theo quy mô dự án và tùy cụ thể của từng vùng nhưng ít nhất từ 5- 10ha trở lên.

Đóng góp về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai (Chương II), có nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi chế độ “sở hữu toàn dân về đất đai” thành “chế độ đa sở hữu về đất đai” (gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân).

Với góc nhìn từ thực tế quản lý đất đai ở địa phương, theo báo cáo tham luận về Luật Đất đai (sửa đổi) của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, ở ĐBSCL cho dù có quy định về “chế độ sở hữu toàn dân” hay “đa sở hữu đất đai” đi nữa thì đại đa số người dân vẫn xem đất đai của gia đình là do tổ tiên, ông bà cha mẹ tạo lập, khai phá và sở hữu từ rất nhiều năm trước để lại cho họ.

Vì vậy, điều mà họ quan tâm nhất là việc tổ chức thực thi pháp luật đất đai như thế nào để đảm bảo sự ổn định và bảo vệ quyền lợi thiết thực, chính đáng của họ đối với mảnh đất mà họ đang ở, đang sản xuất.

Đặc biệt, trong điều kiện cơ chế thị trường, quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt cần phải sử dụng và phát huy như thế nào để mang lại hiệu quả nhiều nhất cho người sử dụng đất và cộng đồng xã hội cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững nhìn từ khía cạnh quản lý nhà nước.

Từ những phân tích trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thống nhất vẫn giữ nguyên nội dung dự thảo về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa và quy định rõ về quyền sở hữu toàn dân và quyền sử dụng của người sử dụng đất sao cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người sử dụng đất.

Bà Phan Tuyết Hạnh- nguyên Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: “Tôi ví dụ bây giờ có những hộ gia đình tách ra, họ cũng có vợ chồng con cái, nếu như thu 100% chuyển quyền sử dụng đất rất khó vì thực tế hoàn cảnh họ phải có nhà ở, thì luật nên nghiên cứu làm sao, thu ở mức nào để phù hợp với đời sống”.


Bài, ảnh: THANH QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh