Nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Tây Ninh luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới. Với trách nhiệm và tình quân dân gắn bó, BÐBP Tây Ninh đã tạo nên điểm tựa vững chắc từ lòng dân ở một vùng biên giới Tây Nam của đất nước...
Nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Tây Ninh luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới. Với trách nhiệm và tình quân dân gắn bó, BÐBP Tây Ninh đã tạo nên điểm tựa vững chắc từ lòng dân ở một vùng biên giới Tây Nam của đất nước...
Bộ đội Biên phòng Ðồn Tống Lê Chân hướng dẫn người dân xã Tân Hòa (Tân Châu, Tây Ninh) trồng mít lai. |
Tết Quý Tỵ 2013 vừa rồi, người dân ở ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu (Tây Ninh) vui hơn mọi năm vì Nhà văn hóa của ấp vừa được sửa chữa, nâng cấp khang trang, thoáng, đẹp. Với kinh phí gần 150 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ BÐBP Tây Ninh đóng góp và sự ủng hộ của một số doanh nghiệp, Nhà văn hóa ấp Con Trăn đã được đổ bê-tông toàn bộ mặt nền bao quanh, nâng cấp, sửa chữa sàn nhà, trang bị hệ thống đèn điện chiếu sáng, quạt máy.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ BÐBP Tây Ninh và người dân trong ấp đã trực tiếp tham gia hơn 300 ngày công lao động để nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Khmer ở đây kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán.
Ông Lâm Nghênh, già làng ấp Con Trăn bộc bạch: BÐBP ở đây sống tốt lắm, giúp đỡ bà con chúng tôi nhiều thứ lắm. Anh em thường lui tới các nhà trong ấp nói cho chúng tôi hiểu rõ các quy định ở khu vực biên giới để mọi người không làm những điều sai.
Tại ấp Con Trăn, chúng tôi đến thăm khu vườn của gia đình ông Lâm Ân, hộ được Ðồn Biên phòng Tống Lê Chân chọn giúp trồng thí điểm một ha mít lai, nếu đạt hiệu quả, sẽ nhân rộng giúp người dân địa phương trồng loại cây này.
Ông Lâm Ân tâm sự: Bà con chúng tôi luôn trân trọng sự giúp đỡ của anh em biên phòng. Không chỉ có gia đình tôi và cũng không chỉ ở ấp Con Trăn này, BÐBP còn giúp đỡ nhiều nhà, nhiều nơi khác nữa.
Tây Ninh có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Vương quốc Cam-pu-chia dài khoảng 240 km. Dọc theo tuyến biên giới này là địa bàn của 20 xã thuộc năm huyện của tỉnh Tây Ninh, phần lớn là vùng căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến.
Ðồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới Tây Ninh có truyền thống đoàn kết, gắn bó, sống hòa thuận với nhau và từng đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Nhiều hộ dân ở hai bên đường biên giới hai nước có mối quan hệ huyết thống, gắn bó nhiều đời, cùng giúp đỡ nhau trong làm ăn, sinh sống.
Do nhiều điều kiện và hầu như chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống chung của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.
Thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, BÐBP Tây Ninh đã chủ động phối hợp các sở, ngành tham mưu với tỉnh triển khai các đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều mô hình phong phú, đa dạng.
Từ năm 2007 đến 2012, các đơn vị BÐBP dọc tuyến biên giới đã triển khai thực hiện 15 mô hình thiết thực như người dân ở ấp Con Trăn ghi nhận.
Từ việc giúp dân chuyển đổi cây trồng đến việc xóa nhà tạm cho các hộ nghèo; từ việc nâng cấp đường liên ấp, liên xã đến việc giúp học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường; rồi làm kênh thủy lợi, nâng cấp trường mẫu giáo, nhà văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuyên truyền phổ biến pháp luật... đã tạo ra những hiệu ứng tích cực từ thực tế cuộc sống ở vùng biên giới này.
Cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng vùng biên giới Tây Ninh còn thường xuyên giúp đỡ nhân dân nhiều việc làm thiết thực hằng ngày, như: thu hoạch hoa màu, sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh tại các trường học, trạm y tế.
Nhiều đồn đã tích cực vận động các nhà hảo tâm tặng quà, tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Riêng Ðồn Biên phòng Tống Lê Chân cùng các nhà hảo tâm ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã tặng hơn 100 suất quà cho các hộ khó khăn ở ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu.
Thượng tá Hà Văn Dũng, Trưởng đồn Biên phòng Tống Lê Chân tâm sự: Ðể được bà con tin yêu, trước hết, từng cán bộ, chiến sĩ phải thật sự thương yêu nhân dân. Thực tế ở địa bàn do Ðồn Tống Lê Chân phụ trách, từ việc lớn đến việc nhỏ người dân đều liên hệ với các "chú" Biên phòng nhờ giúp đỡ, giải quyết.
Các đồn biên phòng luôn nắm chắc thông tin, kịp thời phản ánh với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới phía bạn để cùng nhau xử lý dứt điểm những vụ việc nảy sinh trên khu vực biên giới theo đúng pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế. Thường xuyên trao đổi thông tin phòng, chống tội phạm nhằm giữ vững trật tự vùng biên giới, tạo môi trường an toàn, thông thoáng cho cư dân hai nước yên tâm sản xuất, buôn bán.
Ðến với các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới ở Tây Ninh hôm nay, tận mắt nhìn thấy nhiều việc làm của anh em BÐBP, gặp gỡ, hỏi chuyện nhiều người dân trong khu vực, chúng tôi càng tin rằng: "Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" không đơn giản chỉ là khẩu hiệu được kẻ vẽ trang trọng ở các doanh trại .
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin