Nhiều ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

10:02, 21/02/2013

Tại hội nghị triển khai học tập nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X và lấy ý kiến cán bộ đoàn về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tổ chức ngày 19/2, nhiều cán bộ Đoàn đã nghiên cứu và tham gia đóng góp rất sâu sát, thiết thực.

Tại hội nghị triển khai học tập nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X và lấy ý kiến cán bộ đoàn về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tổ chức ngày 19/2, nhiều cán bộ Đoàn đã nghiên cứu và tham gia đóng góp rất sâu sát, thiết thực.


Anh Nguyễn Văn Sinh.

* Bí thư Thị Đoàn Bình Minh- Nguyễn Văn Sinh: Về kết cấu và nội dung của Hiến pháp, cơ bản chấp thuận. Chỉ có một vài điểm nhỏ như ở chương I, điều 9 nên kể rõ ra những tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam là gồm những tổ chức nào? Ở Điều 10 thì chỉ nói về công đoàn, nên đưa thêm vào các tổ chức đoàn thể còn lại như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ và nêu ra định nghĩa, quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của các tổ chức này.


Anh Nguyễn Văn Vĩnh.

* Bí thư đoàn Khối các cơ quan- Nguyễn Văn Vĩnh: Nên sửa đổi lại một số câu chữ để Hiến pháp được hiểu và thực thi một cách cụ thể, chính xác và đúng luật định như:

+ Chương I, Điều 4: Nên thay dấu phẩy (,) bằng chữ “là” sau cụm từ: “Đảng Cộng sản Việt Nam “là” đội tiên phong của giai cấp công nhân…”. Bởi nếu thay bằng chữ “là” sẽ nhấn mạnh và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Nếu để dấu phẩy thì thành 2 cụm từ: Đảng Cộng sản Việt Nam , đội tiên phong của giai cấp công nhân và đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc
Việt Nam .

+ Chương II, Điều 32: Cụm từ “Người bị buộc tội có quyền được tòa án xét xử” nên sửa lại thành “Người bị buộc tội tòa án có quyền được xét xử”. Vì nếu để như dự thảo thì chưa rõ nghĩa, người bị buộc tội làm sao có quyền để Tòa án xét xử, chỉ có người bị buộc tội thì Tòa án mới có quyền được xét xử.

+ Chương II, Điều 37: Bổ sung thêm 2 từ “của mình” sau cụm từ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp “của mình”. Vì nếu có thêm 2 từ này thì phạm vi điều chỉnh sẽ rõ hơn, dễ hiểu hơn.

+ Chương II, Điều 39: Cụm từ “Nam nữ có quyền kết hôn và ly hôn”, đề nghị bổ sung thêm độ tuổi được quyền kết hôn của nam và nữ, vì Luật Hôn nhân gia đình quy định (được cụ thể hóa từ Hiến pháp), nữ từ 18 và nam từ 20 tuổi trở lên được quyền kết hôn, tránh tình trạng kết hôn trước tuổi quy định, đồng thời đây cũng là đợt sinh hoạt tuyên truyền lớn đến mọi người dân để mọi người nhớ và chấp hành tốt Luật Hôn nhân gia đình.

+ Chương V, Điều 83 (mới): Bổ sung cụm từ “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định” thành cụm từ “Khi cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời…”

Vì theo chương V, Điều 88 quy định: “Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường…”.

Như vậy khi cần thiết thành lập Ủy ban lâm thời nhằm nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định (như dự thảo) sẽ chậm trễ nếu như có việc cấp bách. Nếu Quốc hội giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (là cơ quan thường trực) để tham mưu Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời sẽ kịp thời thực hiện nhiệm vụ cấp bách được giao.

Khi họp Quốc hội thì Quốc hội sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện vụ việc giao cho Ủy ban lâm thời nghiên cứu giải quyết, tránh tình trạng kéo dài sự vụ, sự việc dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực xảy ra.

HẢI YẾN – CẨM HUỆ
(thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh