0 giờ đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, tiếng súng đầu tiên đã báo hiệu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đánh vào các trung tâm đầu não, các thành phố, thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự lớn, sân bay, quân cảng, kho tàng, quận lỵ...trên toàn miền Nam.
0 giờ đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, tiếng súng đầu tiên đã báo hiệu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đánh vào các trung tâm đầu não, các thành phố, thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự lớn, sân bay, quân cảng, kho tàng, quận lỵ...trên toàn miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công diễn ra trong hơn 300 ngày đêm là một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo điều kiện để quân dân ta thực hiện tiến trình vĩ đại giải phóng hoàn toàn Tổ quốc khỏi ách ngoại xâm.
Kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, NDĐT xin giới thiệu với bạn đọc nguồn cảm xúc không thể nào quên của những người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên các chiến trường khi đó.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
Ấn tượng với tôi là ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành sự kiện gây chấn động lớn trên thế giới về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có ý nghĩa rất lớn lao về mặt ngoại giao. Nếu không có Mậu Thân 1968, chưa chắc Mỹ đã chịu ngồi vào đàm phán ở hội nghị Pa-ri... Đây là một thắng lợi rất lớn trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất đất nước của quân và dân ta, là tiền đề để thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ trước khi chiến dịch diễn ra là “Đánh cho Mỹ cút/ Đánh cho ngụy nhào”.
Khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Kennedy đã phải thốt lên rằng: Tại sao mà nửa triệu lính Mỹ và hơn 70 vạn lính Nam Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp quá đầy đủ và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất..., lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tấn công.
Nhận xét đó của một chính khách Mỹ như thế cũng đủ cho thấy rằng, trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, chúng ta đã có nhiều cách đánh địch hiệu quả. Trong đó, ấn tượng với tôi có lẽ là ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận.
Khi Tiểu đoàn 309, Trung đoàn U Minh, Quân khu 9 của chúng tôi tiến đánh Cần Thơ, quân địch đã bị rối loạn bởi nhân dân ta ở khắp nơi biểu tình đấu tranh chính trị, kêu gọi địch đầu hàng. Điều đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho Tiểu đoàn đánh chiếm gần hết TP Cần Thơ.
Viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:
Bài học xây dựng nghệ thuật chiến tranh Việt Nam
Khi đó, Trung đoàn 27, đơn vị tôi đánh địch trên vùng rộng lớn khu vực phía bắc Quảng Trị. Địch đánh phá điên cuồng hòng cắt đứt đường chi viện của ta cho chiến trường miền
Chiến thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 khẳng định sự tài tình trong điều hành chiến tranh của Đảng ta, trong đó có sự dự báo tình hình chính xác, từ đó đưa ra chiến lược đúng đắn. Đây cũng chính là bài học quan trọng để chúng ta tiếp tục đúc kết kinh nghiệm, xây dựng nghệ thuật chiến tranh Việt Nam, đặc biệt để áp dụng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong bảo vệ biên giới, bầu trời và đặc biệt là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng:
Sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân giúp chúng tôi bám trụ
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chủ yếu quân chủ lực của ta từ phía núi đánh xuống đồng bằng thì Trung đoàn 803, đơn vị của tôi được lệnh luồn sâu vào lòng địch, cụ thể là luồn vào vùng bờ biển Thừa Thiên - Huế để đánh chặn đường tiếp quân của địch từ phía biển vào Huế. Đây là địa bàn hoàn toàn lạ lẫm đối với quân giải phóng. Trải qua quá trình hành quân không ít hy sinh, chúng tôi đã đến được bờ biển Vinh Xuân, Huế.
Điều bất ngờ với tôi và mọi người trong đơn vị là người dân trong lòng địch lần đầu tiên gặp quân giải phóng và họ “bị chiếm làng”, nhưng lại ủng hộ cách mạng đến vậy. Đêm đến, trong làng còn có người già tìm gặp quân giải phóng để xem có đúng như tuyên truyền “là những đứa hung ác, ăn lông ở lỗ, bốn đứa trèo lên mà không gãy nổi một cành cây đu đủ”. Sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân nơi đây đã giúp đơn vị chúng tôi bám trụ trên chiến trường gần ba trăm ngày đêm cho đến khi có lệnh rút quân lên núi.
Còn nhớ nửa sau năm 1968, địch rêu rao “tát nước bắt cá” khi chúng lùng sục càn quét quân ta. Vậy nhưng, những chiến sĩ quân giải phóng vẫn ém mình trong đồng ruộng, trong bờ tre, trong sự đổ nát của làng mạc để đêm đêm lại đánh cho địch những đòn choáng váng.
Ông Đặng Xuân Tẻo, Đội trưởng Đặc công Biệt động 4 Sài Gòn:
Đội 11 người, chỉ còn lại mình tôi
Mũi tấn công đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn là mũi tấn công mà báo chí nước ngoài mô tả là một trận chiến bi hùng nhất trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Theo chỉ thị cấp trên, Tôi chỉ huy Đội 4, Phân khu 6, Biệt động Sài Gòn, đánh chiếm và giữ Đài phát thanh trong một tiếng đồng hồ để bàn giao lại cho Tiểu đoàn 4 Thủ Đức và Đài phát thanh Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Thời điểm ấy, chúng tôi nhận định, chiếm Đài phát thanh thì dễ, nhưng để giữ được lâu dài là rất khó, cho nên tôi đã tính phương án phải mang theo khối bộc phá từ 20-30kg phòng khi kế hoạch không thành sẽ cho phá hủy Đài phát thanh. Đồng thời cương quyết không để bị bắt, tức là anh em sẽ nổ luôn cùng trái bộc phá.
Tuy nhiên, chỉ thị cấp trên là tuyệt đối không được phá hủy Đài phát thanh. Chiếm được Đài phát thanh, 11 người chúng tôi đã phải chống lại trực thăng trên không và Lữ đoàn tăng thiết giáp cùng lính dù dưới mặt đất.
Đến 5 giờ sáng, đội chỉ còn bốn người. Vũ khí đã hết, không có tiếp viện. Tôi phải mở đường máu trở ra ngoài để xin ý kiến chỉ huy cho anh em giữ đài hay phá để thoát ra. Nhưng... đã không kịp quay trở lại.
7 giờ sang, một tiếng bộc phá nổ lớn. Lúc đó, tôi nói với anh em vòng ngoài: “Rồi! Anh em mình giờ đã giật nụ xòe cho bộc phá nổ, hy sinh theo lời thề”
11 anh em chiến đấu hy sinh mất 10, còn lại duy nhất mình tôi.
Tôi biết rằng đồng đội của tôi đã cảm tử để không bị sa vào tay quân thù. Và Quân lệnh vẫn được giữ nguyên: Đài Phát thanh không bị phá hủy.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin