Sức sống Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

09:02, 19/02/2013

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam kể từ năm 1930, nhất là thắng lợi của công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của con đường mục tiêu của cách mạng Việt Nam gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam kể từ năm 1930, nhất là thắng lợi của công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của con đường mục tiêu của cách mạng Việt Nam gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi đó cùng với thắng lợi của cách mạng, của chủ nghĩa xã hội ở các nước khác đã chứng minh ý nghĩa lịch sử, giá trị cách mạng và khoa học của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo.

Cách đây 165 năm, tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xuất bản lần đầu vào tháng 2/1848, một sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt ra đời của chủ nghĩa Mác. Tuyên ngôn là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý của C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua nhiều thử thách, hơn một thế kỷ qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhiều vấn đề mới đặt ra cần giải quyết song chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời.

Tuyên ngôn là dấu mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội khoa học về tư tưởng, quan điểm, lý luận, phương pháp. Ngay lúc mới ra đời, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xem là cương lĩnh chính trị của phong trào công nhân.
 
Tuyên ngôn khẳng định mục đích trực tiếp của cuộc cách mạng chính trị là giải phóng vô sản và lao động ra khỏi nô lệ xiềng xích thống trị của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, khẳng định: thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu lịch sử như nhau.

Tuyên ngôn đã tổng kết toàn bộ sự phát triển trước đó của lý luận Mác- xít, những kinh nghiệm thực tiễn của C.Mác- Ph.Ăngghen và giai cấp vô sản đã thu thập được. Trong tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập một cách ngắn gọn và có hệ thống về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học, học thuyết đấu tranh giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội và cộng sản chủ nghĩa.

Tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn là tư tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người; giải pháp về những vấn đề mọi người quan tâm, đó là có thể xóa bỏ được áp bức, bóc lột, nghèo đói và chiến tranh; bảo vệ được hòa bình, tự do và công lý của loài người.

Có thể nói, lịch sử nhân loại từ khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp đến nay đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng gắn liền với đấu tranh của con người, mục đích là bảo vệ những giá trị về quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào tháng 2/1848 là sự kiện do giai cấp vô sản tiến hành gắn với cuộc đấu tranh giải phóng loài người của giai cấp vô sản và lao động trên thế giới theo những nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa, tạo bước ngoặt lớn đối với tiến trình lịch sử và điều này càng làm tăng thêm giá trị nhân văn sâu sắc đã chứa đựng trong chủ nghĩa cộng sản.

Mặt khác, với sự ra đời của Tuyên ngôn, giai cấp vô sản đã tìm thấy nơi đó vũ khí tư tưởng để trỗi dậy tự giải phóng và đã chuyển cuộc đấu tranh “tự nó” trở thành cuộc đấu tranh “vì nó”, với mục tiêu không chỉ tự giải phóng chính mình, mà còn vì sự giải phóng toàn bộ nhân loại. Như vậy, có thể nhận định Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ngoài nội dung chứa đựng tính nhân văn cao cả còn có ý nghĩa vạch thời đại mới cho sự phát triển của xã hội loài người.

Thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh, từ ánh sáng tư tưởng của Tuyên ngôn dẫn đến hàng loạt cuộc cách mạng xã hội ở các nước Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tin giành thắng lợi.
 
Trong dòng thác đó có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam, điển hình là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập, lật nhào ngai vàng phong kiến từ mấy mươi thế kỷ lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Nhân dân Việt Nam từ kiếp đời nô lệ vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh một nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lê-nin là tất cả các cuộc chính biến trước đây chỉ làm cho các thể chế chính trị nhà nước thêm hoàn chỉnh, cách mạng xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn phá bỏ kiểu nhà nước cũ, xây dựng một nhà nước kiểu mới, giành lại tự do và dân chủ cho nhân dân.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng luôn là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta. Điều khẳng định và nhất quán đó, tự nó đã bao hàm và thể hiện giá trị, sức sống, ý nghĩa của Tuyên ngôn. Và giá trị nhân văn của chủ nghĩa cộng sản thể hiện qua Tuyên ngôn luôn không thay đổi, cho dù thời thế có những đổi thay.

Tuyên ngôn là một tác phẩm có sức sống mãnh liệt, được truyền bá rộng rãi nhất thế giới. Suốt 165 năm qua, tác phẩm Tuyên ngôn được dịch ra nhiều thứ tiếng, được in và phát hành với số lượng nhiều nhất, rộng rãi nhất trong kho tàng sách lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê-nin.

Ở Việt Nam , “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã được dịch ra tiếng Việt và được các chiến sĩ cộng sản truyền tay nhau nghiên cứu, kể cả trong khi bị giam cầm trong nhà tù của đế quốc. Tinh thần của Tuyên ngôn đã được thể hiện trong Luận cương của Đảng năm 1930. Bản Tuyên ngôn in tiếng Việt đã được xuất bản nhiều lần và còn được in trong C.Mác - Ph.Ăngghen tuyển tập gồm 2 tập của Nhà xuất bản Sự thật.

Trong hơn 80 năm qua và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, sự phát triển và mọi thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam là minh chứng sinh động về sự kiên định và vận dụng sáng tạo của Đảng ta đối với những nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

Trong rất nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận định: Những người Việt Nam có ngày hôm nay phải nhớ tới đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

Kỷ niệm 165 năm Ngày ra đời bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiện nay cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, không chủ quan với những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; không mơ hồ, lơ là với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI đề ra, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

 

(*): C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr 509-510

NGUYỄN THANH HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh