Nền kinh tế vận hành phải có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

07:02, 27/02/2013

Chuyên mục đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kỳ này xin giới thiệu ý kiến từ Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân tỉnh.

Chuyên mục đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kỳ này xin giới thiệu ý kiến từ Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân tỉnh.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh- Lê Phước Hưng:


+ Chương I, Điều 8, mục 2, đoạn cuối ghi “…chịu sự giám sát của nhân dân, chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Tôi đề nghị sắp xếp lại các cụm từ này để làm cho rõ quan điểm của Hiến pháp như sau: “… chịu sự giám sát của nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch”.

+ Chương I, Điều 10, tôi đề nghị bổ sung đầy đủ 5 đoàn thể chính trị như quy định về công đoàn vì các đoàn thể chính trị hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, như đoàn thể Cựu chiến binh hoạt động theo quy định của Pháp lệnh, tới đây sẽ đưa vào luật. Do vậy, phải được Hiến pháp quy định.

+ Chương III, Điều 55, mục 1, “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vào cuối câu và sửa lại là: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, vì nền kinh tế vận hành phải có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như vậy, Hiến pháp sẽ chặt chẽ hơn.

+ Chương III, Điều 64, mục 1, “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước”, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “vừa là mục tiêu” vào giữa như sau: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực phát triển của đất nước”, vì trong đời sống xã hội, văn hóa là mục tiêu của con người nhằm hướng tới cái đẹp là “chân, thiện, mỹ”.

+ Chương VI, Điều 93, mục 5, đoạn “… quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng”, đề nghị sửa lại là “… quyết định phong quân hàm sĩ quan cấp tướng”. Như vậy, ý sẽ rõ và cụ thể hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh- Võ Văn Lùng (người đang đứng):


+ Chương I, Điều 4, mục 2, đoạn cuối ghi “… chịu trách nhiệm trước dân về những quyết định của mình”, tôi đề nghị thêm cụm từ “chủ trương” và sửa lại là: “… chịu trách nhiệm trước dân về những chủ trương, quyết định của mình” vì Đảng không những ra quyết định mà còn ra chủ trương nên phải chịu trách nhiệm trước những chủ trương của mình.

+ Chương I, Điều 6, đoạn cuối ghi “… các cơ quan khác của Nhà nước”, tôi đề nghị nêu rõ tên các cơ quan khác của Nhà nước gồm những cơ quan nào, để người dân hiểu rõ hơn và thực hiện cho đúng Hiến pháp.

+ Chương I, Điều 10, theo tôi nên đưa vào các tổ chức đoàn thể chính trị như: “Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân”.

+ Chương I, Điều 11, mục 1, tôi đề nghị thêm cụm từ “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” vào đầu mục 1, như sau: “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.

+ Chương II, Điều 34, tôi đề nghị giữ nguyên Điều 57 của Hiến pháp năm 1992 vì trong đó nêu: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” để nói chặt chẽ hơn về quyền tự do kinh doanh của mọi người, tránh những trường hợp kinh doanh phạm pháp.

+ Chương IV, Điều 71, câu “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tôi đề nghị thêm 2 từ “anh hùng” và sắp xếp lại như sau: “Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được xây dựng theo hướng cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh- Võ Văn Xê (người bên trái):


Hiến pháp là luật gốc của các bộ luật để mọi người thực hiện. Chính vì vậy, theo tôi, phần Lời nói đầu nên gọn lại. Tức là, nêu toàn bộ phần: “Trải qua… Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời”. Bỏ phần “Với khát vọng…… có ý nghĩa lịch sử”. Sau đó, nêu tiếp “Qua các thời kỳ… quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Bỏ phần “thực hiện chủ quyền… các nước trên thế giới” và nêu phần cuối cùng là lời tâm huyết của nhân dân cam kết thực hiện hiến pháp.

Do cùng nói về môi trường, nên theo tôi, đối với Chương II (Điều 46) nên nhập vào chương III (Điều 68) và ghi thành mục 4 của Điều 68 “Mọi người có quyền sống trong môi trường lành mạnh và mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.

Chương IV (Điều 71), theo tôi nên điều chỉnh cụm từ “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng” thành cụm từ “Quân đội cách mạng nhân dân Việt Nam”, như vậy sẽ dễ hiểu hơn.

Chương X (Điều 124) theo tôi thay cụm từ “Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp” thành cụm từ “Việc lập Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp”.

Đối với tiêu đề của Hiến pháp, theo tôi, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là kết quả của quá trình điều chỉnh và sáng tạo trong tiến trình hoạt động của cách mạng Việt Nam, có sự kế thừa và phát huy từ những Hiến pháp trước đó chứ không riêng gì Hiến pháp năm 1992. Do đó, nên lấy tên gọi là “Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
năm 2013”.

Trưởng Ban Tuyên huấn- Hội Nông dân tỉnh-Lê Minh Hà:


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 11 chương 124 điều (so Hiến pháp năm 1992 gồm 12 chương 147 điều). Qua nghiên cứu, tôi xin có đóng góp một số điều như sau:

Đối với Chương I, Điều 2 (dự thảo) nên thay cụm từ “đội ngũ trí thức” thành cụm từ “tầng lớp trí thức” (như Hiến pháp năm 1992) để nhất quán với Điều 9, mục 1 “các tầng lớp xã hội”.

Chương I, Điều 9, mục 2 ghi “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” nên thêm cụm từ “và các tổ chức thành viên” và sửa lại là “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.

Cũng ở Chương I, Điều 13 nên bổ sung phần nói về “Quốc hiệu”.

Chương II (Điều 21 mới) chỉ có 5 từ “Mọi người có quyền sống” nên đưa vào đầy đủ nội dung của bảng Tuyên ngôn độc lập của nước ta, như sau: “Mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”

Chương V, Điều 85, cần bổ sung thêm nội dung: “Việc đưa ra xem xét tư cách và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội trong các trường hợp như vi phạm pháp luật, phát ngôn thiếu tôn trọng đại biểu khác.”

Chương VI, Điều 91 “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” nên thêm vào cụm từ “là nguyên thủ quốc gia” và sửa lại là: “Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” để người dân hiểu rõ ai là người đứng đầu của quốc gia, ai là người có tiếng nói cuối cùng.

XUÂN TƯƠI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh