Hôm qua (28/2/2013), Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
+ Hôm qua (28/2/2013), Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các đại biểu đều đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, thiết thực.
Đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có nhiều ý kiến bàn luận, đóng góp ở các chương I, II, III, IV, IX với nhiều ý kiến đóng góp vào Điều 20 về quyền và nghĩa vụ công dân; Điều 54 về các thành phần kinh tế; Điều 64 về văn hóa; Điều 71 về Quân đội nhân dân Việt Nam; Điều 72 về Công an nhân dân Việt Nam…
Đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến tập trung vào Chương II, Điều 14 về Nhà nước quy định thời hạn sử dụng đất; Chương VI, Điều 72 về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất; Chương VIII Điều 109 về bảng giá đất; Chương XI, Điều 161 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
+ Báo Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ công chức, viên chức và người lao động về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua buổi làm việc, hầu hết các ý kiến thống nhất cao rằng những nội dung cơ bản sửa đổi của 2 dự thảo trên sát với tình hình mới. Đối với Dự thảo Hiến pháp năm 1992 có nhiều ý kiến xoay quanh về Chương I và II như Điều 4 khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo và là nội dung vô cùng quan trọng và cần thiết. Song, cần bổ sung thêm trách nhiệm của Đảng trong những quyết định, quyết sách của đất nước.
Riêng Chương II, có nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa văn phong hành chính, rõ nghĩa, súc tích hơn. Riêng vấn đề báo chí có ý kiến đề nghị ở Điều 26 cần giữ nguyên như Điều 69 theo Hiến pháp hiện hành. Điều 64, cần viết gọn lại và làm rõ hơn quyền thông tin của báo chí và tách riêng với văn học nghệ thuật; nên bổ sung Điều 2 của Luật Báo chí là “Đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí…” vào Điều 64;…
Đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có nhiều ý kiến đóng góp tập trung tại Điều 12, Điều 65. Hiện Ban Biên tập Báo Vĩnh Long đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp 2 dự thảo trên bằng văn bản.
+ Đoàn Khối Doanh nghiệp hội nghị triển khai Nghị quyết Đoàn năm 2013, lấy ý kiến cán bộ Đoàn về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ (2012- 2017) và triển khai các chuyên đề: Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên; Lý luận thực tiễn và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai 2 phong trào: xung kích tình nguyện phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp; Nâng cao chất lượng công tác tổ chức của Đoàn và những điểm mới trong Điều lệ Đoàn khóa X, nhiệm kỳ (2012- 2017).
Các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp 14 ý kiến thiết thực vào 2 dự thảo. Trong đó, có 10 ý kiến liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập trung chủ yếu ở Chương I (chế độ chính trị), Chương II (quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Về cơ bản, các ý kiến cho rằng, cần làm rõ và thay thế một số cụm từ để nội dung Hiến pháp trở nên chặt chẽ hơn.
Về Luật Đất đai (sửa đổi) các ý kiến được đề cập nhiều đến Chương V (giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất) và Chương VIII (tài chính về đất đai và giá đất).
HUỆ - QUYÊN - TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin