Ngày xuân kể chuyện làm “nghề phụ nổi tiếng”

12:02, 09/02/2013

Làm cách mạng khi chưa giành chính quyền, địch tìm mọi cách truy nã khủng bố gắt gao, mỗi người hoạt động phải tạo thế hợp pháp, bí mật qua mắt địch. Kẻ thù càng gian ác, quỷ quyệt thì cán bộ ta càng luồng lách, hóa thân dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.

Làm cách mạng khi chưa giành chính quyền, địch tìm mọi cách truy nã khủng bố gắt gao, mỗi người hoạt động phải tạo thế hợp pháp, bí mật qua mắt địch. Kẻ thù càng gian ác, quỷ quyệt thì cán bộ ta càng luồng lách, hóa thân dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.

Ví như làm cách mạng là “nghề chính”, để tạo cái vỏ hợp pháp bên ngoài phải “làm nghề phụ” có điều kiện đi lại hoạt động qua mắt địch quan hệ tuyên truyền, nắm bắt tình hình, gây dựng, tổ chức cơ sở. Mỗi cán bộ khôn khéo chọn “nghề phụ” khác nhau trong gian khổ có “nghề phụ” hoạt động thời gian ngắn nhưng đều nổi tiếng.

Đại lý nước mắm

Phan Văn Bảy (1)- người làng Tân Dương (Sa Đéc) con nhà nông, chịu ảnh hưởng nho giáo, học giỏi thi tuyển vào Trường Trung học Cần Thơ đạt hạng ưu, giác ngộ cách mạng từ ghế nhà trường. Năm 1926, Bảy tích cực tham gia biểu tình để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi cải cách học đường, chống các sắc thuế bóc lột nặng nề.

Là người vận động tổ chức chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Tân Dương và sau đó kết hợp với lực lượng liên xã, liên huyện kéo lên tỉnh đấu tranh vạch mặt chế độ thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, biểu tình quy mô chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phan Văn Bảy bị địch bắt cầm tù, đày ra Côn Đảo.

Phan Văn Bảy cùng bạn tù nguyễn Văn Lẹ (tức công tử Lẹ, huyện Càng Long) cùng một số tù chính trị khác vượt ngục về đất liền, chẳng may bè trôi dạt sang vịnh Thái Lan, tất cả bị bắt đày trở lại Côn Đảo. Bọn địch đánh đập tàn nhẫn, xô đá tảng làm Phan Văn Bảy giập nát bàn chân. Tên “Bảy Cùi” chứng tích tội ác của địch kể từ ngày hôm đó.

Mãn hạn tù, năm 1936 được về đất liền nhưng bị lưu xứ, Phan Văn Bảy tiếp tục hoạt động cách mạng, để che mắt địch, ông mở cửa hiệu đại lý nước mắm Phú Quốc tại góc nhà lồng chợ tỉnh lỵ Vĩnh Long. Cửa hiệu đại lý là trụ sở ngầm liên hệ đầu mối móc nối tù chính trị một số nơi địch thả về, vừa tuyên truyền gay dựng cơ sở cách mạng.

Phan Văn Bảy bắt liên lạc với cơ sở Đảng ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Cầu Kè, Vũng Liêm,... Sau đó mở rộng bắt đầu mối với lãnh đạo Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh,... tiến hành lập ủy ban hành động các cấp chuẩn bị cho Đông Dương đại hội.

Đặc biệt Phan Văn Bảy chỉ đạo các nông dân Trà Ôn và Cầu Kè nổi dậy đấu tranh chống địa chủ gian xảo, thủ đoạn xài giạ đong lúa, tầm đo đất “già, non” để bóc lột dân. Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi và có ý nghĩa lớn.

Đại lý nước mắm Phú Quốc có uy tín, khách mua đông, tư nhân mở cạnh tranh nhiều thương hiệu, để phòng trùng dấu, nên Phan Văn Bảy bán thêm mặt hàng “cao đơn hoàn tán” để phân biệt các cửa hàng khác. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) Phan Văn Bảy được cử làm Xứ ủy lâm thời kiêm Bí thư liên tỉnh Hậu Giang.

Bán gạo lẻ

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945) dân ở tỉnh lỵ Vĩnh Long, nhiều người lấy làm lạ khi thấy một thanh niên trên 30 tuổi ngồi bán gạo lẻ: Đó là ông Nguyễn Văn Thiệt (2), người đã từng vào tù ra khám được nghe danh biết tiếng!

Là học sinh Trường Huỳnh Khương Ninh (Sài Gòn) sớm tham gia các phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp ở Sài Gòn, năm 1927 Nguyễn Văn Thiệt được ông Nguyễn Văn Côn, Kỳ Ủy viên Xứ ủy đến thị trấn Long Hồ giáo dục tuyên truyền kết nạp vào tổ chức cách mạng. Nguyễn Văn Thiệt là người đảng viên và Bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Để chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Văn Thiệt phát động các chi bộ trong tỉnh vận động biểu tình mít-tinh lên án chế độ thực dân Pháp, chống sưu cao thuế nặng chống đàn áp bắt người vô cớ.

Lực lượng biểu tình còn mang băng cờ gậy, đá sẵn sàng đánh trả lại bọn địch ngăn cản. Cuộc biểu tình tại Văn Thánh đã huy động đồng bào ba huyện Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm, lính Pháp đàn áp giải tán gây xô xát, ta có người hy sinh, nhiều tên địch bị thương.

Nguyễn Văn Thiệt bị địch truy nã gắt gao, được phân công về hoạt động ở Cao Lãnh rồi bị bắt đày Côn Đảo. Năm 1935 mãn hạn tù về Vĩnh Long tiếp tục hoạt động cách mạng Nguyễn Văn Thiệt lại bị bắt đày lưu xứ ở Bà Rá (Biên Hòa).

Tháng 3/1945 chính quyền thực dân Pháp bị Nhật đảo chánh, bộ máy lung lay tận gốc, Nguyễn Văn Thiệt cùng bạn tù chính trị phá khám vượt ngục về Vĩnh Long tiếp tục hoạt động cách mạng với hình thức bán công khai.

Tình hình thế giới và trong nước rất có lợi cho ta, chính quyền Nhật thay chân Pháp tiếp tục gian ác nhưng mất thế, bọn ngụy quyền một số nơi bị co đầu rút cổ, Nguyễn Văn Thiệt đứng trước thời cơ có một không hai, mưu trí hoạt động cách mạng đóng vai người bán gạo tẻ.

Mục đích quan hệ với các đồng chí tù chính trị tập hợp lực lượng, vừa nắm bắt tình hình trực tiếp giáo dục công nhân viên chức, các trí thức, giáo viên học sinh hành động yêu nước, vừa tranh thủ lôi kéo các binh sĩ, sĩ quan có tinh thần dân tộc bất hợp tác với địch.

Chuẩn bị tinh thần khởi nghĩa rất cấp bách, Nguyễn Văn Thiệt kết nạp Đảng thêm Phan Văn Sử, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành (làng Thiềng Đức), Khuất Duy Tri, công nhân rửa ảnh tiệm photo Hà Nội (Phường 1), Nguyễn Ngọc Côn, cửa hàng bán báo tại tỉnh lỵ cùng với Nguyễn Hậu Thế- bạn tù cùng phá ngục Bà Rá trở về.

5 đồng chí thành lập “chi bộ đặc biệt” do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm bí thư chi bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể ai lo công việc chỉ đạo chung, ai lo vận động quần chúng kể cả hàng ngũ binh lính sĩ quan, công nhân viên chức; ai nắm lực lượng thanh niên xung kích chuẩn bị lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, ai theo dõi tình hình chuẩn bị đối phó xử lý kịp thời.

Điểm đầu mối trụ sở ủy ban khởi nghĩa là Trường Trung Thành, sau đó dời về tiệm photo Hà Nội.

Nhờ chuẩn bị chu đáo, 7 giờ sáng ngày 25/8/1945, tỉnh lỵ Vĩnh Long nổ ra cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, tuyên bố xóa bỏ chế độ tay sai đế quốc, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, lực lượng khởi nghĩa công bố các chủ trương mới và 10 chính sách của mặt trận.

Đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, người chiến sĩ cách mạng có uy tín lớn được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Long kiêm Bí thư Tỉnh ủy. Ông là người lãnh đạọ tỉnh đầu tiên về mặt Đảng và chính quyền khi còn non trẻ nhiều uy tín được  nhân dân hết lòng ủng hộ.

Thơ vẽ quảng cáo

Hai Văn (3) người thanh niên vóc dáng ốm cao trắng trẻo đẹp trai cưới vợ lúc 18 tuổi sớm rời làng quê Mỹ Lộc (Tam Bình) lên Sài Gòn học nghề thợ vẽ quảng cáo.

Không tiền, Hai Văn học và làm thí công cho rạp hát, rạp chiếu bóng vẽ quảng cáo giới thiệu chương trình, hình ảnh các tài tử, diễn viên. Đam mê với nghề nghiệp, học vẽ ban ngày, mò mẫm cả ban đêm, nhờ có hoa tay, Hai Văn có nét vẽ khéo “bắt mắt”, có sức hấp dẫn lớn.

Năm 1938, mặc dù các chủ rạp hát, rạp chiếu bóng trả tiền công trọng hậu nhưng Hai Văn kiên quyết từ bỏ và trở về quê hương tham gia cách mạng. Tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tam Bình, Hai Văn bị địch bắt đày ở Côn Đảo cùng với bốn người thân trong gia đình.

Cách mạng Tháng 8 thành công ông được rước về đất liền, có nhiều uy tín nêu tổ chức bổ sung làm Tỉnh ủy viên, sau đó không lâu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Năm 1954 được phân công chọn ở lại miền Nam, khi Xứ ủy Nam Bộ được thành lập, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, ông Hai Văn làm Thường vụ Xứ ủy, rồi Phó Bí thư thường trực xứ ủy.

Năm 1956, khi đồng chí Lê Duẩn từ Miền Tây bí mật lên Sài Gòn, mặc dù bọn mật vụ theo dõi gắt gao, nhưng đêm 14/7 (1956) ra đón đồng chí, có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng tại vườn hoa Ngã Sáu, trễ hơn quy định hơn 1 tiếng đồng hồ.

Lý do đi phải đổi xe dọc đường tránh địch truy tìm. Đồng chí Lê Duẩn sinh hoạt với tên Chín (ông Chín, bác Chín, chú Chín) ở Sài Gòn có nhiều nơi nhưng chủ yếu là số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Cao, Quận 1.

Ông Hai Văn gốc từ thợ vẽ đã quen biết nhiều nơi ở thành phố gốc bà con lao động, buôn gánh bán bưng, biết cả đường quanh ngõ tắc, ứng phó khi có động tịnh, thoát hiểm.

Có người gọi Hai Văn là thầy họa, hay thợ vẽ nhưng “họa hổ, họa bì, nan họa cốt, tri nhân tri diện, họa bất tri tâm” (ý nói vẽ cọp, vẽ da bên ngoài, khó vẽ xương cốt, hiểu con người, hiểu mặt mày, nhưng khó hiểu tấm lòng). Thế mà nhiệm vụ đặt ra Hai Văn phải nắm bắt tình hình, với bộ máy tình báo mật vụ của Mỹ Diệm, một trung tâm đầu não được đào tạo bằng đô la tận Hoa Kỳ.

Thời gian ở Sài Gòn đồng chí Lê Duẩn viết Đề cương cách mạng miền Nam, là cơ sở để Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam.

Đồng chí Hai Văn kết hợp với các cơ sở thành phố bảo vệ lãnh tụ từ vòng ngoài đến vòng trong, bảo đảm an toàn. Với cương vị của mình vừa là thường trực xứ ủy Hai Văn tạo mối quan hệ làm việc rất cẩn mật, chu đáo và chặt chẽ.

Hai Văn rất bản lĩnh rất nguyên tắc, rất nhạy cảm, nhưng cũng rất năng động, nên chỉ cần cái giá vẽ, cây cọ, lọ màu hay ly cà phê, điếu thuốc đã làm cho bọn trùm CIA lạc hướng. Nhiều lần chạm trán nhưng Hai Văn bình thản thoát khỏi nanh vuốt của địch.

Khi đồng chí Lê Duẩn từ Sài Gòn qua Campuchia để ra miền Bắc, mặc dù đường biên giới địch phong tỏa gắt gao tưởng con kiến cũng không qua được, thế mà đồng chí Hai Văn móc nối bố trí ông Lai Thanh (Sáu Xia, người Hoa ở Chợ Lớn) dùng xe du lịch đưa ông Chín, ông chủ hiệu buôn lớn đi an toàn.

Bác Hồ kính yêu khi còn sinh tiền dạy chúng ta làm người phải học biết nhiều nghề, nhưng phải giỏi một nghề.

Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng, nhớ lại các đồng chí chúng ta với lòng yêu nước nồng nàn, gan dạ, dũng cảm chấp nhận sự hy sinh, hoạt động, trong vùng nanh vuốt của địch, làm một “nghề phụ” nổi tiếng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, thật cao quý biết bao.

Xuân 2013

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

(1) Phan Văn Bảy (1910 địch xử bắn tại Hóc Môn 1942)

(2) Nguyễn Văn Thiệt (1909- 1970)

(3) Hai Văn tức Phan Văn Đáng (1919- 1997)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh