Ðến công tác tại Sư đoàn Phòng không Hà Nội vào một ngày cuối năm, mặc dù trời mưa phùn, thời tiết giá rét, nhưng trên các bãi tập, trận địa, cán bộ, chiến sĩ vẫn hăng say luyện tập, phấn đấu giành kết quả cao nhất trong đợt thi đua cao điểm "Âm vang Ðiện Biên Phủ trên không"...
Khẩu đội pháo 57 ly, Ðại đội 71, Trung đoàn pháo Phòng không 280 (Sư đoàn Phòng không Hà Nội) thực hành bắt, bám sát mục tiêu trên không.
Ðến công tác tại Sư đoàn Phòng không Hà Nội vào một ngày cuối năm, mặc dù trời mưa phùn, thời tiết giá rét, nhưng trên các bãi tập, trận địa, cán bộ, chiến sĩ vẫn hăng say luyện tập, phấn đấu giành kết quả cao nhất trong đợt thi đua cao điểm "Âm vang Ðiện Biên Phủ trên không"...
Tiếp nối truyền thống đơn vị Anh hùng
Ðại tá Ðặng Ðình Tuấn, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Sư đoàn, phấn khởi cho biết: Ðơn vị được thành lập ngày 19-5-1965, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn được ví như "quả đấm thép" của Quân chủng PK-KQ, đã đánh hơn 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 35 máy bay chiến lược B52.
Ðặc biệt, trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng Chạp năm 1972, với tinh thần "dám đánh, biết đánh và quyết thắng", cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bắn rơi 29 máy bay Mỹ, trong đó có 25 pháo đài bay B52, góp phần cùng quân và dân ta lập nên Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không"...
Sư đoàn và tám tập thể cùng tám cá nhân vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Truyền thống vẻ vang đó là niềm tự hào, được thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị hôm nay kế thừa và phát huy trong thực hiện nhiệm vụ.
Ðể nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ) và quản lý, bảo vệ vùng trời, những năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt phương châm huấn luyện "cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm", coi trọng vận dụng những kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu của lớp cha anh đi trước để huấn luyện bộ đội...
Tuy nhiên, trong thời bình, yêu cầu, nhiệm vụ của người lính canh trời Tổ quốc đòi hỏi cao, vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ trực SSCÐ. Nhất là vào các dịp ngày lễ, Tết, hoặc khi có sự kiện lớn diễn ra, Sư đoàn trực SSCÐ tăng cường, tất cả các phân đội đều tham gia trực chiến, cán bộ, chiến sĩ phải có mặt tại đơn vị 24/24 giờ trong ngày.
Cho nên, khi cán bộ, chiến sĩ có bố, mẹ, vợ, con ốm đau phải cấp cứu bệnh viện, muốn xin đi phép, tranh thủ về nhà giải quyết việc gia đình, nhưng đơn vị không giải quyết, nên dễ nảy sinh tư tưởng chán nản, làm việc cầm chừng...
Cùng với đó là, đóng quân ở địa bàn thành phố, phần lớn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đơn vị chưa có nhà riêng, phải đi thuê nhà để ở, điều kiện đồng lương eo hẹp, giá cả thị trường thường xuyên biến động, tăng cao, cho nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Ðể bộ đội yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị, thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; coi trọng giáo dục truyền thống vẻ vang của Sư đoàn, vinh dự, trách nhiệm của người lính canh trời Thủ đô, bảo vệ cơ quan đầu não - "mục tiêu không thể mất"; cán bộ thường xuyên sâu sát động viên bộ đội, kịp thời giải quyết những khó khăn để anh em yên tâm công tác.
Ðoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể
Có mặt tại trận địa của Tiểu đoàn Tên lửa 77 anh hùng, mặc dù về trưa, trời mưa phùn nặng hạt, giá rét, nhưng trên bãi tập, trận địa, cán bộ, chiến sĩ các phân đội vẫn miệt mài luyện tập. Gặp Trung úy Nguyễn Thành Công, Phó Ðại đội trưởng Ðại đội 2, đang tổ chức bộ đội ôn luyện nội dung chỉ tiêu tháo nạp đạn tên lửa có xe chạy và thao tác sử dụng khí tài nhỏ cho các kíp chiến đấu.
Nhìn cán bộ, chiến sĩ đơn vị thao tác nhanh và chuẩn xác, Trung úy Công nói: Theo quy định, thì việc thu hồi và triển khai kính ngắm trên bệ phóng từ 25 đến 30 giây, nhưng do huấn luyện bài bản, lại được luyện tập thường xuyên, nên anh em thực hành thu hồi, triển khai kính ngắm trên bệ rất "điêu luyện", chỉ mất 17 giây, đáp ứng tốt với yêu cầu chiến đấu.
Tranh thủ phút nghỉ giải lao, Ðại úy Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự cho biết: Là đơn vị khí tài đặc chủng, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đã qua nhiều năm sử dụng, nên trong huấn luyện thường phát sinh hỏng hóc.
Do vậy những năm qua, đơn vị đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khắc phục kịp thời hỏng hóc của VKTBKT. Ngay trong tháng 11 vừa qua, hệ phát lệnh đài điều khiển tên lửa bị mất điều khiển, cán bộ và đội ngũ kỹ thuật đơn vị đã tranh thủ cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, thức đến ba giờ sáng để nghiên cứu tài liệu, sơ đồ, kiểm tra thực tế, sửa chữa kịp thời để sáng hôm sau đơn vị nhận nhiệm vụ trực ban chiến đấu...
Ðược biết, hơn mười năm qua, Tiểu đoàn 77 luôn đạt danh hiệu phân đội huấn luyện giỏi và nhiều năm đạt đơn vị quyết thắng.
Trạm ra-đa 53, thuộc Trung đoàn ra-đa 293, là đơn vị trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, đã kịp thời thông báo, phát hiện nhiều tốp máy bay địch, góp phần để lực lượng hỏa lực phòng không của Sư đoàn và không quân ta chiến đấu lập công xuất sắc...
Trạm trưởng, Thượng úy Ðỗ Văn Hậu cho biết: Trong thực hiện nhiệm vụ, trạm các anh còn gặp không ít khó khăn, song để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCÐ, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của trạm đã không quản trời nắng hay mưa, ngày hay đêm để khắc phục kịp thời hỏng hóc, luôn bảo đảm ổn định các tham số, hệ thống điều khiển, thu phát của khí tài.
Tập trung huấn luyện cho cán bộ, trắc thủ, nhân viên các đài làm chủ khí tài, nhất là khí tài mới; coi trọng huấn luyện hiệp đồng các kíp chiến đấu, huấn luyện ban đêm... bảo đảm cho trạm ra-đa của các anh như "đôi mắt thần" để canh trời Tổ quốc.
Rời Sư đoàn Phòng không Hà Nội, đi trên các con đường, ngõ phố sôi động chiều cuối năm, càng thêm tự hào, cảm phục về chiến công của Sư đoàn 40 năm về trước. Tin rằng, sức trẻ của Sư đoàn hôm nay đã và đang tô thắm truyền thống đơn vị anh hùng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những người lính canh trời Thủ đô.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin