Tạo điều kiện tối đa lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân

08:01, 04/01/2013

Ngày 3-1, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Triển khai thực hiện nghị quyết Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Ban thường trực chủ trì.

Ngày 3-1, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Triển khai thực hiện nghị quyết Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Ban thường trực chủ trì.

Tham gia hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên, Ban Dân vận TƯ, Ban Tuyên giáo TƯ, các văn phòng…

Đồng chí Huỳnh Đảm nêu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị

Phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân

Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên Mặt trận thảo luận, lấy ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn giáo, các dân tộc thiểu số, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổng hợp ý kiến, xây dựng báo cáo kết quả đóng góp ý kiến gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đồng chí Vũ Trọng Kim khẳng định: Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo) là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nói chung và hệ thống MTTQ Việt Nam nói riêng, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân; tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hình thức lấy ý kiến được tổ chức chủ yếu theo hình thức hội nghị, hội thảo do Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định phù hợp với nội dung góp ý và đối tượng tham gia.

Dự kiến, Ban thường trực sẽ triệu tập và chủ trì 7 hội nghị (thời điểm từ tháng 1 đến cuối tháng 3-2013). Trong đó, hội nghị lấy ý kiến đại diện các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác (dự kiến tổ chức vào nửa cuối tháng 2-2013). Ngoài ra, Ban thường trực sẽ tiếp nhận ý kiến trực tiếp bằng văn bản của các tầng lớp nhân dân để tổng hợp chung.

Nhận thức rõ mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự “chuyển mình” của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới, tầm cao mới, các đại biểu đều thống nhất với nội dung lấy ý kiến, trong đó, tập trung góp ý sâu vào các nội dung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Đại biểu Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam phát biểu ý kiến

 

Đại biểu Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam bày tỏ sự phấn khởi và nhất trí cao về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo và cho biết, hội sẽ thực hiện triển khai nghiêm túc bản kế hoạch triển khai của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bằng mọi biện pháp thích hợp để huy động cao nhất tâm huyết và trí tuệ của hơn nửa triệu công dân là các thế hệ thanh niên xung phong.

Đồng thuận với kế hoạch và nội dung mà hội nghị đưa ra, đại biểu Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo rất cụ thể và dân chủ cho các thành viên thực hiện. Đại biểu chỉ đề nghị phần nội dung nên có thêm vấn đề biến đổi khí hậu và bên cạnh hình thức góp ý bằng phát biểu trực tiếp, nên mở hộp thư để mọi công dân có thể bày tỏ ý kiến một cách tự do.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ sự thống nhất với bản thông báo kế hoạch đầy đủ từ mục đích, yêu cầu, đến nội dung hình thức, đối tượng lấy ý kiến. Với tư cách là thành viên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ theo chương trình kế hoạch để tổ chức lấy ý kiến của giới tăng ni, phật tử cả nước.

Các đại biểu cũng thống nhất với yêu cầu mà Ban thường trực đưa ra, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm theo đúng phương thức tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Các đại biểu tham gia nghiên cứu kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

 

Lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến các tầng lớp nhân dân

Đồng chí Huỳnh Đảm nêu rõ: MTTQ Việt Nam là tổ chức đầu tiên tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, nhằm đáp ứng mong muốn của các tổ chức trong Mặt trận; thể hiện trách nhiệm, tình cảm, quyết tâm và vai trò của MTTQ Việt Nam trước một sự kiện chính trị đặc biệt đối với đất nước. Để đạt được mong muốn này một cách cao nhất, các tổ chức thành viên đóng vai trò quan trọng đầu tiên, cùng chung tay phát huy tốt vai trò của mình trên Mặt trận.

Đồng chí Huỳnh Đảm khẳng định hội nghị là cơ hội để các tổ chức cùng nhau trao đổi, thống nhất kế hoạch, hành động của Mặt trận trước đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc trong toàn dân. Bên cạnh đi sâu phân tích vào nội dung chỉ thị và thể hiện những đồng tình, các đại biểu đã nêu lên những trăn trở, suy nghĩ để xây dựng nội dung kế hoạch một cách trọn vẹn nhưng trên cơ sở thống nhất.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị một số nội dung cùng chung tay, đó là: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong góp ý, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phải đạt được mục đích, phát huy quyền làm chủ, trên thế chủ động của toàn dân góp ý vào sửa đổi để đi đến tương lai một cách toàn vẹn hơn; để tất cả các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội góp ý, thể hiện ý chí, nguyện vọng, tâm huyết của mình trong đóng góp vào Dự thảo.

Đồng chí Huỳnh Đảm cho rằng: “46 tổ chức thành viên đại diện cho tất cả các giai tầng trong xã hội, tổ chức tốt việc tập hợp ý kiến của hội viên thuộc lĩnh vực mình phụ trách và tổng hợp lại được thành những ý kiến nguyện vọng chung là điều kiện tiên quyết giúp hoàn thành kế hoạch trên tinh thần toàn dân có cơ hội đóng góp ý kiến, tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp”.

Về phía Mặt trận, tổ chức sẽ lắng nghe ý kiến trực tiếp qua các cuộc họp được tổ chức và chủ trì sau này. Cơ quan chuyên trách của Ban thường trực sẽ phối hợp với các ban liên quan, tổ chức các hội nghị. Như vậy sẽ có nhiều cách tiếp nhận ý kiến: Qua thành viên, qua hệ thống mặt trận, nghe ý kiến rộng rãi trên tinh thần tổ chức để tiếp nhận ý kiến trực tiếp của nhân dân với tinh thần phản ánh trung thực.

Trong thời gian tới, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Thường vụ Quốc hội sẽ triệu tập một hội nghị để hướng dẫn cụ thể về nội dung hướng dẫn, công khai toàn dân, để các tổ chức lấy ý kiến đóng góp, sửa đổi chính xác, sát với nội dung. Các tổ chức cần có những chuẩn bị, kế hoạch cho thành viên tổ chức mình, đồng chí Huỳnh Đảm đề nghị.

Đồng chí cũng khẳng định: Sau khi vận động lấy ý kiến, điều quan trọng là chúng ta phải tổng hợp trung thực, đầy đủ những ý kiến của toàn dân, dù ý kiến nhiều hay ít vẫn phải trung thành để báo cáo đầy đủ với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Đây là đợt sinh hoạt trính trị sâu rộng trong toàn dân, mong các đoàn thể nêu cao ý thức trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, tâm huyết vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, để làm sao trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp khẳng định chế độ ta, Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; khẳng định phát huy sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện công cuộc đổi mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra; thể chế hóa và phản ánh ý chí toàn dân; đề cao cảnh giác trước âm mưu xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của các thế lực thù địch.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh