Báo chí phải chủ động chống các luận điệu sai trái

06:01, 09/01/2013

"Báo chí phải phản ánh khách quan, toàn diện, kịp thời, nhanh chóng và chính xác ý kiến của nhân dân. Đồng thời báo chí phải chủ động và tích cực tham gia đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch".

"Báo chí phải phản ánh khách quan, toàn diện, kịp thời, nhanh chóng và chính xác ý kiến của nhân dân. Đồng thời báo chí phải chủ động và tích cực tham gia đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch".

Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh tại Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sáng ngày 8/1. 

Cơ quan thông tin là lực lượng quan trọng trong tuyên truyền

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân trở thành chủ thể tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật và thực hiện Hiến pháp, pháp luật.
 
Để công việc có ý nghĩa to lớn này thành công cùng với nhiều công việc rất quan trọng khác, ông Đinh Thế Huynh cho rằng công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Việc làm này sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp nhân dân nhận thức sâu sắc về quyền và trách nhiệm của mình khi đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

"Các cơ quan thông tin đại chúng là lực lượng rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trách nhiệm của các cơ quan báo chí là mở các chuyên trang, chuyên mục giúp nhân dân tiếp cận đầy đủ các văn bản dự thảo, có nhiều hình thức thu nhận, góp ý và phản ánh khách quan, toàn diện, kịp thời, nhanh chóng và chính xác ý kiến của nhân dân, hướng dẫn nhân dân thảo luận.Đồng thời báo chí phải chủ động và tích cực tham gia đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch", ông Đinh Thế Huynh nói.

Ông cũng cho rằng, các cơ quan thông tin tuyên truyền cần bám sát định hướng thảo luận của Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp và chủ động đề xuất nội dung thảo luận đồng thời hướng dẫn nhân dân tập trung thảo luận vào những vấn đề thiết thực phục vụ trực tiếp cho việc sửa đổi Hiến pháp.

"Cần làm cho mọi người rõ việc lấy ý kiến nhân dân không phải là việc làm mang tính hình thức, mà là việc làm mang tính chính trị, một sinh hoạt pháp lý nhằm mang đến kết quả thực chất về thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; phải làm cho nhân dân tin tưởng những ý kiến đóng góp được nghiêm túc tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu tối đa", ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
 
Chính vì vậy cần xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích và chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ Đảng viên có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp, nâng cao tính gương mẫu trong việc lấy ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp.

Ông Đinh Thế Huynh đề nghị Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban cán sự Đảng Ngoài nước cần chủ động triển khai các giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; giới thiệu tinh thần, quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nhân dân Việt Nam để các tổ chức quốc tế, các phái đoàn ngoại giao, bạn bè quốc tế hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Các cấp uỷ Đảng quán triệt thực hiện nghiêm túc

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp ủy đảng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương, Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38 của Quốc hội. 

Đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ hội nghị đã quán triệt một cách sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xác định đây là công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong các tháng đầu năm 2013.

Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong việc lấy ý kiến nhân dân; Yêu cầu lãnh đạo và tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ và hiệu quả.

Đồng chí Lê Hồng Anh cũng nhấn mạnh lại một lần nữa việc ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

“Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, kịp thời đấu tranh phòng chống, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

 Đồng thời việc tập trung lấy ý kiến nhân dân trước và sau Tết Nguyên đán cần khẩn trương, nhưng vẫn phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, đúng kế hoạch, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả", đồng chí Lê Hồng Anh nói.

Theo VnMedia

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh