Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07:12, 22/12/2012

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta, đã để lại trong lòng nhân dân thế giới sự ngưỡng mộ, ngợi ca về một dân tộc nhỏ ở một nước kém phát triển, nhưng với ý chí kiên cường, tài thao lược xuất sắc đã quật ngã liên tục 2 cường quốc trong 3 thập niên của thế kỷ XX.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta, đã để lại trong lòng nhân dân thế giới sự ngưỡng mộ, ngợi ca về một dân tộc nhỏ ở một nước kém phát triển, nhưng với ý chí kiên cường, tài thao lược xuất sắc đã quật ngã liên tục 2 cường quốc trong 3 thập niên của thế kỷ XX.

Trong tài thao lược ấy, phải nói đến sự kiệt xuất về tư tưởng quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam mà bắt nguồn từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày thành lập.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đã phát động được cao trào cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931) và trong cao trào này đã ra đời đội tự vệ công nông, gọi là Đội Tự vệ đỏ. Đến năm 1940, trong cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn đã cho ra đời Đội du kích Bắc Sơn.

Quân du kích Nam Kỳ ra đời trước, trong và sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940). Cứu quốc quân ra đời trong phong trào vận động cách mạng tại các địa phương thuộc Bắc Sơn, Võ Nhai (Lạng Sơn) và Sơn Dương (Tuyên Quang) trong những năm 1941- 1944. Đây là các đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam .

Trước tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, mâu thuẫn Nhật- Pháp ở Đông Dương càng thêm sâu sắc, trong nước phong trào cách mạng trải qua thử thách và được rèn luyện vững chắc hơn. Một số địa phương đã tổ chức ra các tiểu tổ tự vệ, có nơi đã xây dựng được đội du kích.

Trước tình hình đó, Liên Tỉnh ủy Cao- Bắc- Lạng nhận định rằng: Điều kiện đã chín muồi để tiến tới phát động chiến tranh du kích liên tỉnh. Nghe báo cáo tình hình, Bác Hồ đã quyết định đình hoãn chủ trương nói trên.

Người phân tích: chủ trương ấy chỉ mới căn cứ vào tình hình Cao-Bắc-Lạng mà chưa căn cứ vào tình hình cả nước, tức chỉ thấy bộ phận mà không thấy toàn thể. Trong nước nhiều nơi chưa sẵn sàng khởi nghĩa; cán bộ, vũ khí đều phân tán.

Trong điều kiện ấy, nếu phát động chiến tranh du kích theo quy mô quá rộng tất nhiên sẽ thất bại vì bọn đế quốc sẽ tập trung toàn lực vào để đàn áp. Người nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng phát triển hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ tổng khởi nghĩa toàn dân chưa đến.

Cho nên, nếu chúng ta chỉ hoạt động trong phạm vi chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào tiến tới. Đã đến lúc cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức vũ trang, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tìm hình thức thích hợp thì mới có thể đi tới thành công.

Người đề ra phương châm kết hợp 2 hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đẩy mạnh phong trào, tạo điều kiện tiến tới giành chính quyền. Muốn xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang phải dựa vào nhân dân, muốn tiến hành đấu tranh vũ trang phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị của quần chúng.

Các đoàn thể cách mạng của quần chúng càng được củng cố và phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang.

Ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam .

Lễ thành lập vào khoảng 17 giờ, ngày 22/12/1944 được tổ chức long trọng trong khu rừng của 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 đội viên, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Đồng chí Hoàng Sâm (tên thật là Trần Văn Kỳ) được chọn làm đội trưởng cùng với đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên. Trong bản chỉ thị thành lập, Người nêu rõ: Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền, có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương.

Chỉ thị là một tài liệu ngắn gọn, súc tích, có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng ta, bao gồm những vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng, như kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang và phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khai trận đầu tiên là tiêu diệt đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, trung đội giải phóng quân được chia làm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có từ 7 đến 9 người.

Đồng chí Thu Sơn tiểu đội trưởng đội 1; đồng chí Kim Anh là tiểu đội trưởng đội 2; đồng chí Bế Sắt là tiểu đội trưởng đội 3. Vũ khí lúc ấy chỉ có 2 khẩu súng ngắn, 10 khẩu súng trường, 10 khẩu súng kíp, 1 khẩu tiểu liên Mỹ và 150 viên đạn- đây là hỏa lực mạnh nhất của đội, còn lại gồm dao và dây thừng.

Đồn Phai Khắt là ngôi nhà khá kiên cố của ông Nông Văn Lạc, một cán bộ cơ sở của ta bị địch chiếm làm đồn.

Tại đây có hơn 30 lính dõng do tên cai Xi-mô-nô chỉ huy. Thừa cơ lúc địch đang tổ chức ăn cơm chiều, đồng chí Võ Nguyên Giáp phân công Tiểu đội 1 và Tiểu đội 3 vào đánh đồn, Tiểu đội 2 gác chặn ngoài cổng, trận tấn công bất ngờ làm cho địch trở tay không kịp, các tên lính lần lượt bị ta bắt trói. Trận đánh kết thúc thắng lợi vào lúc 18 giờ cùng ngày.

Sau khi giành chiến thắng, trung đội tiếp tục hành quân từ 20 giờ tối đến hơn 7 giờ sáng mới đến Nà Ngần. Đồn Nà Ngần là một ngôi nhà sàn khá kiên cố của tên phó lý Pảo (tên phản động gian ác) đóng trên đồi, cửa vào có vọng gác.

Lính trong đồn có gần một trung đội lính khố xanh canh giữ, có vũ khí khá hiện đại. Lực lượng của ta đột nhập vào bắt tên lính gác, bắn diệt được 4 tên. Khi kết thúc trận đánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho tập trung số tù binh còn lại, có khoảng 10 người, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói về mục đích đánh Tây của Việt minh rồi tha cho họ về quê.

Hai trận đánh diễn ra chớp nhoáng, kẻ địch không kịp trở tay, không có chiến sĩ nào hy sinh. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thực hiện đúng chỉ thị của Bác Hồ: “Trận đầu phải thắng”.

Tư tưởng quân sự của Bác Hồ được thể hiện trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là nền tảng của lý luận quân sự hiện đại Việt Nam . Tư tưởng quân sự của Người vẫn giữ nguyên giá trị và dẫn dắt nhân dân ta, quân đội ta tiến trên con đường thắng lợi trong các giai đoạn cách mạng.

Quy luật phổ biến của chiến tranh nhân dân Việt Nam là toàn dân vũ trang, cả nước đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Những biểu hiện của quy luật này trong thực tiễn lịch sử của hai cuộc kháng chiến lại rất phong phú và hết sức sinh động, không giống nhau cả hình thức và nội dung.

Tính rộng khắp và sâu sắc của toàn dân đánh giặc trong kháng chiến chống Mỹ (1954- 1975) đã có bước phát triển mới cao hơn, với hình thức phong phú và sáng tạo hơn thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Sự lãnh đạo chiến tranh của Đảng thể hiện trước hết ở việc xác định đường lối kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, tự lực cánh sinh v.v...

Trong kháng chiến chống Mỹ là sự sáng tạo của đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đại đoàn kết; tạo sức mạnh tổng hợp, kết hợp các mặt tiến công quân sự, chính trị, binh vận, kinh tế, ngoại giao trong chiến tranh; kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, đánh địch bằng 2 lực lượng, 3 thứ quân trên cả 3 vùng chiến lược v.v...

Tư tưởng quân sự của Bác Hồ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là ngọn cờ bách chiến, bách thắng của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, là ánh sáng soi đường cho chúng ta trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trương Minh Tâm- tổng hợp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh