Khâm Thiên khắc bằng máu ngày 26/12/1972

07:12, 26/12/2012

Về đến đầu Khâm Thiên thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ nát. Tôi vào trong ngõ, thấy cả khu nhà đều bị bom rải thảm. Trong ngõ có cái hầm tập thể to, giời ơi, nó cho mấy quả bom 500 cân, chết chẳng toàn thây...

Về đến đầu Khâm Thiên thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ nát. Tôi vào trong ngõ, thấy cả khu nhà đều bị bom rải thảm. Trong ngõ có cái hầm tập thể to, giời ơi, nó cho mấy quả bom 500 cân, chết chẳng toàn thây...

Đêm 26/12, Mỹ huy động tới 105 lần chiếc B-52 và 90 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom cùng một lúc xuống cả ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên.

Riêng tại Hà Nội, 56 lần chiếc B-52 tập kích, ném bom 100 điểm trong thành phố, kể cả những khu dân cư đông như phố Khâm Thiên, khu lao động An Dương, bệnh viện Bạch Mai.

Trong số những người bị bom Mỹ giết chết, rất nhiều người từ nơi sơ tán vừa trở về vì tin là “Noel thì nó không ném bom”. Nhưng vừa qua Noel, đến đêm 26, hàng trăm người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của chúng.

Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người bị thương. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chi còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót.

 Khâm Thiên ngày đau thương 1972

Những gì mà người dân phố Khâm Thiên trải qua trong giờ phút đau thương đó, sau 40 năm như vẫn còn âm ỉ. Hằn sâu trong ký ức những người còn sống là hình ảnh, là kỷ niệm về những người ruột thịt, người anh em, người hàng xóm, vừa phút trước còn đó mà chỉ sau một trận bom đã chết chẳng toàn thây.

Những ngày này, khói hương nơi tượng đài phố Khâm Thiên chẳng lúc nào dứt. Nơi đó, bức tượng đài có hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52 như một chứng tích in dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Có lẽ, chẳng có lời nào đau đớn hơn, lột tả được sự mất mát hơn là lời của bà Nguyễn Thị Lan, một người mất mẹ, em gái, chồng và em trai trong cái đêm khủng khiếp đó: “Một gia đình chết hết thì lại là sung sướng. Có thể mình nói ác, nhưng thế lại là sung sướng. Người còn người mất thì cực kỳ đau”…

Xin trích dẫn giới thiệu với bạn đọc lời kể của một nhân chứng được viết trong cuốn Hà Nội đối mặt với B-52 vừa được xuất bản nhân kỷ niệm 40 năm Điện Biên phủ trên không. Đó là ông Nguyễn Văn Cầu, khi ấy công tác ở Nhà máy in Báo Hà Nội Mới.

"Nhà tôi ở ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên. Cái đêm 18 nó đánh ở ga Yên Viên, 21 thì đánh gia Hàng Cỏ, 22 đánh bệnh viện Bạch Mai. Lúc bấy giờ, thấy chết nhiều như thế mới sơ tán triệt để, còn trước đó cứ sơ tán rồi lại về, về lại đi sơ tán. Mình có công việc thì vẫn tiếp tục. Có báo động thì xuống hố cá nhân, xuống hầm, báo yên rồi lại lên, đường phố lại đông.

Nhà tôi có 4 đứa con, thằng con trai thứ 2 bị viêm màng não, không đi được, ăn uống vệ sinh nằm một chỗ. Sáng 22/12, tôi cho nhà tôi với các cháu về ông chú ở quê sơ tán. Đến chiều 25 lại đón bà ấy với thằng con ốm về Hà Nội. Tại thấy bảo Noel nó không đánh nữa.

Bà nhà tôi nói: Thôi, sắp sửa Tết rồi, ông đón tôi ra cho tôi đi làm, để đỡ tiền tiêu Tết, một mình ông làm thì không đủ”. Bà ấy làm ở xí nghiệp cầu đường, đi làm ca kíp. 3 giờ chiều ngày 25 tôi được nghe khu đội báo cho đơn vị tập trung để sẵn sàng chiến đấu, có thể đêm 26 nó đánh Hà Nội, lệnh là đúng 10 giờ đêm 26 có mặt trực chiến. Sáng 26 bà ấy đi làm, tôi ở nhà trông thằng con ốm. Tối, tôi dặn vợ con nhớ xuống hầm, đêm nay có khả năng nó sẽ đánh Hà Nội.

Khoảng 11 giờ kém 15 phút thì bắt đầu báo động. Còi rú lên, tôi được lệnh lên số nhà 75 phố Hàng Bồ, có hai phân xưởng in báo trên đấy. Lên tới nơi, thấy súng bắn chung quanh bốn phía, sáng rực lên. Lúc báo an rồi, tôi xin phép về nhà xem như thế nào.

Về đến đầu Khâm Thiên thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ nát. Tôi vào trong ngõ, thấy cả khu nhà đều bị bom rải thảm. Trong ngõ có cái hầm tập thể to, giời ơi, nó cho mấy quả bom 500 cân, chết chẳng toàn thây...

41 người chết, toàn hàng xóm người quen. Vợ tôi và thằng cháu thứ hai mất cả. Nhà ông anh tôi mất một cậu con rể và cô con dâu. Tôi còn bị mất thằng em ruột nữa. Thế là gia đình mất sáu người.

Tôi đi tìm vợ thì chỉ còn nửa người trên. Thằng con chỉ còn một cái chân. Tôi nhận ra được vì nó có cái sẹo bị bỏng ngày xưa. Thằng em chẳng thấy đâu. Lúc bấy giờ chỉ nhặt nhạnh cho vào túi nilon. Trên đều áo quan đến ngay, hôm 27/12, ô tô chuyển áo quan xuống Văn Điển chôn. Trên đường đi, máy bay nó vẫn bay quanh Hà Nội. Tôi cũng lo không biết mình có còn sống được không.

Tôi ở Hà Nội đến chiều 30, bấy giờ lãnh đạo cơ quan bảo, đồng chí về quê nghỉ ngơi. Ở quê chỉ còn gia đình ông chú vợ, bố mẹ vợ tôi mất rồi. Nghe tin nó đánh Khâm Thiên, ông chú vợ sợ vợ chồng tôi chết hết rồi, còn mấy đứa cháu thì ai nuôi. Chiều 30 tôi về quê ngoại ở Bát Tràng, thấy ông chú cứ đi lên trên đê rồi lại đi xuống. Hôm sau, tôi đi húi đầu, lúc bấy giờ mới biết mình còn sống.

Ngày 26/12/1972 là ngày 21/11 âm lịch, từ ấy là ngày giỗ chung ở khu Khâm Thiên này.

Sau khi ký Hiệp định Paris, nhà tôi về lại Khâm Thiên. Nhà cửa mất hết, cơ quan cho một ít ván kiện, ở quê cho vài cây tre, dựng tạm cái lều mấy bố con ở. Kém một ngày đầy hai tháng sau đợt nó ném bom hôm 26/12, tôi đang ở nhà thì nghe bà bới rác kêu ầm lên là có người. Chạy ra thì hóa ra là thi thể của em trai tôi. Cậu ấy là Nguyễn Văn vũ, tự vệ của nhà máy nước. Người cậu ấy bị vôi lấp lên, vẫn còn cái mũ cối đeo sao tự vệ và đi đôi dép Tiền Phong

Theo VnMedia

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh