"Chúng tôi quyết chiến đấu bảo vệ yếu địa Hải Phòng”

07:12, 18/12/2012

40 năm đã qua đi, nhưng người lính tên lửa phòng không Đoàn Mạnh Dũng (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn PK 363) vẫn không giấu được sự xúc động nghẹn ngào khi nhắc đến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

40 năm đã qua đi, nhưng người lính tên lửa phòng không Đoàn Mạnh Dũng (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn PK 363) vẫn không giấu được sự xúc động nghẹn ngào khi nhắc đến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Nghiên cứu cách đánh B.52

Người lính già xúc động với câu chuyện về một thời oanh liệt


Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Dũng vẫn còn minh mẫn. Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang trên con phố Đà Nẵng - Hải Phòng, ông bắt đầu câu chuyện về đời lính, với những năm tháng cùng đồng đội xông pha trận mạc.
 
Năm 1953, khi vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, tạm biệt quê hương Tiên Lữ - Hưng Yên, ông Dũng tình nguyện lên đường tòng quân và được chuyển về huấn luyện tại Trung đoàn 50. Đến đầu tháng 4/1954, Trung đoàn được điều đi học pháo binh ở Trung Quốc, sau đó ông được chuyển sang công tác tại Quân chủng phòng không - không quân (PK-KQ) và nhận nhiệm vụ mới của sỹ quan điều khiển xe thuộc Trung đoàn tên lửa 238, thuộc Sư đoàn PK 363.

Ông Dũng xúc động kể lại: “Giữa năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc. Thực hiện lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn tên lửa 238 vào chiến đấu ở chiến trường Quân khu 4. Trải qua những gian nan, thử thách ác liệt, phải hy sinh cả xương máu, Trung đoàn đã hành quân vào đất lửa Vĩnh Linh, bám trụ kiên cường, anh dũng đánh thắng nhiều loại máy bay cường kích đến máy bay B.52 của Mỹ, Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đánh B.52.

Đóng góp to lớn của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn là đóng góp của những người đi đầu trong việc nghiên cứu đánh một đối tượng tác chiến mới, bước đầu rút kinh nghiệm cho các đơn vị sau này tham gia chiến dịch phòng không tháng 12/1972, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng.
 
Năm 1971, Trung đoàn 238 được lệnh ra Bắc, bảo vệ TP Hải Phòng, bởi Hải Phòng có tính chất quan trọng về vị trí địa lý, là hải cảng lớn nhất miền Bắc, là đầu mối giao thông thủy bộ, nơi xuất nhập kẩu có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, quốc phòng, nên địch tăng cường đánh phá ác liệt. Lúc này tôi được giữ cương vi tiểu đoàn phó, tham mưu trưởng Trung đoàn 238.
 
Là cán bộ chỉ huy Trung đoàn, tôi cùng chỉ huy các cấp tổ chức cho đơn vị nghiên cứu, đề xuất khắc phục, tìm cách đánh B.52 trong điều kiện mới. Để chủ động tiêu diệt địch, tạo khí thế cho quân và dân thành phố, Sư đoàn Phòng không 363 đã quyết tâm tổ chức một cụm chiến đấu tại Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó Trung đoàn 238 là lực lượng nòng cốt
”- người lính già khi kể lại những giây phút lịch sử vẫn rưng rưng cảm xúc.
 
In đậm ký ức 12 ngày đêm 


Những trận "mưa bom B52" không thể làm nhụt ý chí của quân và dân ta


Ông Đoàn Mạnh Dũng tự hào đã được cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường trong trận đánh quyết tử 12 ngày đêm, bảo về vùng trời phía Đông Bắc tổ quốc và TP Cảng, lập những chiến công hiển hách.
 
Ông Dũng bồi hồi kể: Đến tháng 12/1972, tình hình càng khẩn trương, bởi ở Pari, hội nghị đàm phán giữa ta và Mỹ hoàn toàn bế tắc. Ngày 17/12/1972, đế quốc Mỹ tiếp tục phong tỏa cảng Hải Phòng, chúng cho các máy bay của hải quân thả thủy lôi ngoài cửa Nam Triệu và bắn tên lửa vào kho dầu Thượng Lý và huyện An Thuỵ. Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các lực lượng phòng không miền Bắc ở vị trí sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
 
“Lúc đó, tôi cùng đồng chí Bùi Đăng Tự, Tư lệnh Sư đoàn trực tiếp xuống xe điều khiển của Tiểu đoàn 81 để theo dõi và chỉ đạo chiến đấu, rồi xuống các tiểu đoàn khác để kiểm tra đốc chiến. 19h40 ngày 18/12, hàng chục lần máy bay chiến thuật của Mỹ chia làm 6 đợt liên tục đánh vào các mục tiêu trong TP, cảng Hải Phòng, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An cùng các trận địa tên lửa, trận địa pháo phòng không
…” – ông Dũng kể.
 
Những ngày tiếp theo đó, địch sử dụng máy bay chiến đấu, máy bay cường kích và B.52 tăng cường đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, một số trận địa của các tiểu đoàn 81,82, 72, 73 của Trung đoàn đều bị địch ném bom phá hủy. Các lực lượng vũ trang đặc biệt là bộ đội phòng không chiến đấu rất căng thẳng, song luôn giữ vững quyết tâm chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không của địch.  
 
Để che mắt được và bảo vệ các trận địa tên lửa trên địa bàn TP Cảng, ông Dũng đã cùng đồng đội thành lập các trận địa giả. Trong những ngày bom đạn bắn phá ác liệt ấy, ông Dũng không thể nào quên tình cảm quân dân nồng ấm. Nhiều gia đình người dân đất Cảng đã sẵn sàng nhường nhà cho bộ đội ở, đồng thời tham gia giúp bộ đội trồng chuối, trồng cây để nguy trang các trận địa tên lửa, và tạo trận địa giả, tiếp tế đạn dược, lương thực, phục vụ bộ đội tên lửa đánh thắng.
 
Trong cuộc đọ sức quyết liệt của quân, dân Hải Phòng suốt 12 ngày đêm, Trung đoàn tên lửa 238 vừa đánh vừa tổ chức rút kinh nghiệm, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm đánh B.52. Với sự mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng nhận lấy hy sinh, ông Dũng đã cùng CBCS Trung đoàn tên lửa 238 đóng góp rất tích cực vào hỏa lực tầng cao đánh B.52 trên bầu trời TP Cảng.

Trung đoàn đã bắn rơi 5 máy bay, trong đó có 1 chiếc B.52, nâng số số máy bay do Trung đoàn bắn rơi năm 1972 lên 28 chiếc. Trung đoàn là đơn vị được đánh giá có hiệu suất chiến đấu cao nhất của Sư đoàn PK 363, được Đảng, nhà nước, chính quyền và nhân dân Hải Phòng ngợi khen, tin tưởng.
 
Sau chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông Dũng tiếp tục công tác tại Trung đoàn 238, rồi được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng. Năm 1982, ông chuyển công tác làm Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn PK 363. Năm 1986, là Sư đoàn trưởng. Ở cương vị nào, ông Dũng cũng giữ được cái giạn dị của người lính Cụ Hồ, của người chiến sỹ cách mạng trung kiên.
 
Sau gần 40 năm cống hiến trong quân đội, ký ức về một thời oanh liệt vẫn in đậm trong tâm trí người lính già. Sống lại những ngày này cùng cả dân tộc, ông Dũng tự hào được tham gia chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ TP Cảng, cùng quân dân Hà Nội đập tan uy thế không quân chiến lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 

Theo VnMedia

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh