Ngày 29/12, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012 về một số vấn đề liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; hỗ trợ cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2012. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Ngày 29/12, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012 về một số vấn đề liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; hỗ trợ cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020 theo hướng làm rõ các cơ chế, chính sách gắn với những tiêu chí cụ thể để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chọn lọc...;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020.
Trong nghị quyết quy định rõ những cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phân công các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đó nhằm tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, bảo đảm môi trường đầu tư của nước ta không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.
Đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp với tình hình trực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng Nghị định về Công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.
Chính phủ thông qua chủ trương thực hiện cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao với định mức mỗi huyện bằng 70% mức bình quân của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc cân đối, bố trí vốn hàng năm hỗ trợ cho địa phương thực hiện theo kế hoạch. Riêng năm 2013, bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện đối với một số dự án quan trọng, đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch của ngành, đơn vị, địa phương mình và tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt để tổ chức thực hiện các Nghị quyết này ngay từ những ngày đầu năm 2013 với tinh thần và quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đặc biệt là việc bảo đảm cung-cầu hàng hóa, không để thiếu hàng sốt giá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu ngăn chặn tình trạng buôn lậu; bảo đảm điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công và đối tượng chính sách; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin