Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn thành viên Chính phủ

03:11, 12/11/2012

Sáng 12/11, Quốc hội họp tại Hội trường bắt đầu phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Sáng 12/11, Quốc hội họp tại Hội trường bắt đầu phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Trưởng Ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có 162 ý kiến của đại biểu Quốc hội đã gửi chất vấn đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành. Nhiều câu hỏi đã được trả lời bằng văn bản.

Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Sau phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo thêm với Quốc hội về những vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trong hai ngày rưỡi, Quốc hội và các bộ trưởng sẽ tập trung tìm giải pháp cho những vấn đề không mới nhưng đòi hỏi cách giải quyết mới như khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo hiểm y tế…

Công tác giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri có chuyển biến, tiến bộ

Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 1.732 kiến nghị của cử tri cả nước. Sau khi phân loại các kiến nghị đã được giải quyết tại kỳ họp trước, 1.675 kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Nội dung kiến nghị của cử tri đề cập tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Các ý kiến chủ yếu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sớm có các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại; sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; quản lý và sử dụng có hiệu quả đất nông, lâm trường; tài nguyên khoáng sản; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo; về chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa và chống tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí…

Nhìn chung, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời khá đầy đủ, kịp thời kiến nghị của cử tri. Một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử cử tri tại kỳ họp trước đã được Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp thu, giải quyết kịp thời.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, các bộ, ngành, các địa phương đã phối hợp kịp thời, xử lý các tình huống phức tạp phát sinh. Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại và Luật tố cáo đồng thời tập trung chỉ dạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài. Đến nay, các cơ quan chức năng đã rà soát 486/528 vụ việc; trong đó chấm dứt việc giải quyết 282 vụ việc (chiếm 58%); yêu cầu địa phương xem xét, giải quyết lại hoặc hỗ trợ cho người dân 131 vụ việc (chiếm 27%); các bộ, ngành đang xem xét, giải quyết 32 vụ việc (chiếm 6,6%); xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ 41 vụ việc (chiếm 8,4%).

Cùng với đó, công tác hòa giải cũng được coi trọng và đạt kết quả cao hơn năm trước, trong đó hòa giải thành tăng 48% so với năm 2011. Tuy nhiên, việc giải quyết còn chậm, còn tình trạng vi phạm về trình tự, thủ tục. Việc thẩm tra xác minh còn chưa đầy đủ nên việc giải quyết thiếu khách quan, công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại, tố cáo.

Từ kết quả giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có thể đánh giá khái quát rằng, bước đầu thực hiện chủ trương cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội, công tác giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ.

Báo cáo cũng đã chỉ ra những mặt còn tồn tại và hạn chế như vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri, nhất là kiến nghị về việc đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường, lớp học... mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã trả lời nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị.

Một số văn bản trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn chung chung, chủ yếu là trích dẫn quy định của pháp luật để cho rằng, kiến nghị đã được giải quyết mà chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu để giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn mà cử tri đã kiến nghị. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn bất cập, hạn chế….

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án Nhân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần chủ động rà soát, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã trả lời tại các kỳ họp trước là đang hoặc sẽ giải quyết; tổ chức thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước.

Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, sớm báo cáo với Quốc hội, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2003. Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; để đất hoang hoá, kiên quyết thu hồi giao địa phương quản lý để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân đang thiếu hoặc không có đất sản xuất.

Các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là xem xét, bảo đảm quyền sử dụng đất của các hộ dân được giao khoán đất nông, lâm trường qua các thời kỳ; có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp nông trường viên được nông, lâm cho phép làm nhà ở trên đất nông, lâm trường trước khi có Luật đất đai năm 2003 nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật. Đánh giá lại mô hình cổ phần hoá các doanh nghiệp lâm nghiệp, nông nghiệp để có giải pháp và định hướng trong việc tiếp tục thực hiện mô hình này…

Từng bước giải quyết những vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội, nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, cũng có những việc còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Cụ thể như trong lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung khắc phục những hạn chế, phấn đấu giảm hơn nữa tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xác định năm 2013 là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông.”

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn đầu tư cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai; vận động các nguồn vốn khác và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nông thôn mới.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công, đặc biệt là từ vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; gắn kết chặt chẽ việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay… Trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hóa và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Ngoài việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, Chính phủ cũng đã tiến hành rà soát, xóa bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công-tư, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài .

Trước tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, đặc biệt là sản xuất công nghiệp; thị trường nội địa phát triển chậm; kiểm soát nhập khẩu còn nhiều hạn chế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn; khẩn trương thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại; nâng cao hiệu quả hệ thống phân phối; chú trọng công tác thông tin thị trường; tiếp tục tháo gỡ về tín dụng cho xuất khẩu; xem xét điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế và thủ tục xuất nhập khẩu.

Về phát triển thủy điện, hiện đang nổi lên một số vấn đề bức xúc như việc bảo đảm an toàn hồ đập, công tác tái định cư, bảo vệ môi trường, sự kết hợp giữa sản xuất điện với các mục tiêu khác…. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp như tiếp tục kiểm định an toàn hồ chứa thủy điện định kỳ; rà soát điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ; kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, chiếm nhiều diện tích đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và cấp nước vùng hạ du.

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá lại thiết kế các công trình thủy điện; xây dựng và thực hiện quy trình vận hành; kiểm tra các dự án thủy điện đang thi công; kiên quyết xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng quy định về giám sát, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình…

Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người; đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc phòng ngừa ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội….

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh