Đồng chí Trịnh Văn Lâu từng nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy, hiểu biết nhiều về đồng chí Võ Văn Kiệt đã khái quát về ông như sau: Gốc là nông dân, bần nông đã trở thành nhà trí thức. Bản thân luôn năng động sáng tạo tìm cái mới, cái hay. Người có tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế đương đầu với mọi nghịch cảnh. Luôn luôn đứng đầu sóng
Đồng chí Trịnh Văn Lâu từng nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy, hiểu biết nhiều về đồng chí Võ Văn Kiệt đã khái quát về ông như sau: Gốc là nông dân, bần nông đã trở thành nhà trí thức.
Bản thân luôn năng động sáng tạo tìm cái mới, cái hay. Người có tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế đương đầu với mọi nghịch cảnh. Luôn luôn đứng đầu sóng gió, là người dám mở cửa thoát hiểm trước khúc quanh của lịch sử.
Đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng) nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long. Ảnh: TL
Bốn nét trên đã khái quát về đồng chí Võ Văn Kiệt, cho chúng ta ngày nay có nhiều suy nghĩ cảm mến một tài năng, một nhà lãnh đạo luôn được dân mến và tôn trọng. Tôi được biết đồng chí Võ Văn Kiệt thông qua các đồng chí công tác cùng thời trong kháng chiến và mãi đến khi đồng chí về hưu tôi mới được nhiều lần gặp gỡ.
Có khi gặp tại TP Hồ Chí Minh, tại nhà khách UBND tỉnh, 2 lần đồng chí đến thăm gia đình tôi, cùng ăn cơm chung- một nghĩa cử cao đẹp không phải giữa lãnh đạo với cán bộ, mà nói lên nghĩa tình như ruột thịt, một tính cách rất Nam Bộ.
Những lần gặp gỡ quý hiếm đó, khi thì đồng chí thông tin những vấn đề thời sự những nơi làm tốt điển hình; bàn về quan điểm báo chí, văn hóa, nghệ thuật;… Điều mà tôi nhận ra là dù tuổi trên 80 nhưng lúc nào đồng chí cũng hoạt bát, xông xáo như thời tuổi trẻ.
Bên cạnh đồng chí, tôi luôn cảm thấy có cái gì mới mẻ, bổ ích cho lĩnh vực công tác và cuộc sống. Tôi có cảm tưởng như cái tuổi và đời người không níu lại được nên đồng chí dốc sức, tâm huyết làm cái gì đó, gợi ý khát vọng nào đó khi thời gian còn rất hạn hẹp. Có nhiều vấn đề, nhưng có 3 vấn đề còn đọng mãi ở lòng tôi.
Việc gai góc lịch sử
Đồng chí với đôi mắt đau đáu, lòng không an tâm khi sau giải phóng vì nhiều lý do chưa thể giải quyết chính sách đối với một số cán bộ có thời gian cống hiến lâu năm nhưng có nhiều nghịch cảnh bị bắt bớ tù đày, ở rừng thiêng nước độc, cả ngoài Côn Đảo xa khơi mà có người bỏ xác, có người mang thương tật suốt đời.
Đồng chí nói đáng lưu ý nhất là những người nhiều năm cống hiến, nhiều năm giữ vững khí tiết trong nhà tù, song có đôi phút quá khắc nghiệt trong gang tấc giữa cái chết và sống, bỗng yếu mềm như đồng chí V. hay như đồng chí T. đồng chí H. bị địch bắt tù đày mất tích. Cũng có tin các đồng chí này không giữ tròn khí tiết.
Thế là cán bộ chính quyền địa phương “xa lánh”, việc giải quyết chính sách bị “đắp mền” để đó. Việc khó, khổ đi làm cách mạng trước khi giành chính quyền không bằng nỗi đau lòng đối với gia đình bị dư luận sau ngày giải phóng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã dám “bứt phá” đi thăm những gia đình này và động viên họ an tâm, chung lo cuộc sống và xây dựng đất nước. Mặt khác, qua nhiều cách tìm hiểu, đồng chí đặt vấn đề nghiên cứu cụ thể đối với các cơ quan chức năng.
Mặc dù đi thăm các gia đình đó trong vòng bí mật, không rình rang, nhưng bị dư luận nói “tại sao Thủ tướng đi thăm gia đình như vậy?” Bị chất vấn, đồng chí vui vẻ trả lời: “Đi làm cách mạng nói chung có đồng chí may mắn, có người gặp vô cùng khó khăn, có người suốt mấy chục năm dũng cảm, nhưng bị địch đàn áp tù đày có những phút quá khắc nghiệt, xiêu lòng.
Họ làm cách mạng có quá trình nhưng chưa trọn vẹn, tuy hiện nay chưa có chính sách gì, không phải tình đồng chí, nhưng ít ra chúng ta phải “giữ được tình người”, đốt nén nhang nhớ những ngày chiến đấu có nhau!”
Rõ ràng sự thật không phụ tình người, sau này tìm được hồ sơ các đồng chí V.,T., H. địch bỏ lại sau khi chạy trước ngày 30/4/1975 với đầy đủ chứng lý: họ giữ vững phẩm chất, khí tiết và được giải oan. Gia đình thân nhân được an lòng và rơi nước mắt.
Một vấn đề khác là đã có một thời có cái nhìn phiến diện về quan điểm yêu nước, đề cao “người nghèo tột cùng thì yêu nước mới to lớn, những người giai cấp bên trên, giàu có không yêu nước bằng” (?)
Tại một buổi nói chuyện với đội ngũ nhân sĩ trí thức, báo chí, văn nghệ sĩ, đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta, trải qua thời kỳ dựng nước cũng như giữ nước, ông cha ta đã đoàn kết thành sức mạnh to lớn đánh bại lực lượng bành trướng bá quyền phía Bắc và vào thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đánh bại 2 đế quốc sừng sỏ nhất thế giới đó là Pháp và Mỹ.
Truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “anh em như thể tay chân…” yêu nước đã trở thành truyền thống và đạo lý của dân tộc!”
Đồng chí Võ Văn Kiệt còn nêu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có biết bao nhiêu tấm gương điển hình tiêu biểu của các giai cấp, không chỉ riêng một giai cấp nào cả.
Người tại tỉnh Vĩnh Long, như ông Phan Văn Chương, đô trưởng chế độ Sài Gòn ra bưng biền kháng chiến; Trần Đại Nghĩa, nhà bác học làm việc cho Pháp mỗi tháng lương tương đương 24 cây vàng; Phùng Văn Cung, bác sĩ với cơ ngơi đồ sộ, với tinh thần yêu nước đã từ bỏ mọi “danh vọng” và “tài sản” hàng bao đời để ra mình không đi kháng chiến.
Nhấn mạnh vấn đề, đồng chí Võ Văn Kiệt nói: đi kháng chiến là mọi người chấp nhận sự hy sinh, tức mất đầu, người giàu có còn mất cả tài sản của cải; còn người nghèo, như tôi chỉ mất “cái quần xà lỏn”, chớ không còn mất gì cả. Mất đầu cộng với mất cả tài sản, họ hy sinh nhiều lắm, phải khách quan nhìn cho rõ lẽ công bằng để thấy sự yêu nước, sự cống hiến ý nghĩa của họ!
Gợi ý cho lực lượng báo chí, văn nghệ, đồng chí Võ Văn Kiệt nêu “có nhìn rộng, nhãn quan không đóng khuôn thì ngòi viết chúng ta mới mở rộng, chú ý tới lực lượng trí thức, nhân sĩ và các tầng lớp yêu nước khác!”
Thông thường không ít lãnh đạo gặp vấn đề gút mắc thì né tránh, cho qua, cho êm chuyện khỏi bị hậu họa. Đối với đồng chí Võ Văn Kiệt thì rất để ý đến những vấn đề căng thẳng, nóng hổi, nhất là gay cấn về lịch sử.
Đồng chí dành nhiều thời gian nghiên cứu kết hợp với các nhà khoa học lịch sử, các đồng chí ở vùng địa phương, tìm cho ra chân lý, nhất là vấn đề lịch sử nhân dân rất bức xúc quan tâm mà lâu nay cứ mãi đắp mền, đóng cửa, trong khi cả nước có điều kiện để nghiên cứu kết luận rõ ràng. Đó là Phan Thanh Giản.
Trước đây, trong điều kiện chiến tranh chưa có điều kiện nghiên cứu thì nay lẽ nào giải phóng đã mấy chục năm mà vẫn bình chân vô cảm trong khi nhân dân đang đặt ra vấn đề này. Quan tâm chỉ đạo với các nhà khoa học lịch sử nhiều năm tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn cả nước, hàng chục cuộc mạn đàm, cuối cùng đi đến kết luận rõ ràng: “Phan Thanh Giản là người hiếu học, thanh liêm, bộc trực, yêu nước thương dân, nhưng bên cạnh đó có mặt hạn chế là thiếu trách nhiệm để mất các tỉnh miền Tây, nhưng phải thấy trách nhiệm lớn nhất là nhà vua lúc lấy giờ.
Muốn hiểu Phan Thanh Giản, người đứng trước bi kịch lịch sử phải nghiên cứu tài liệu khách quan kỹ lưỡng, tránh tin dựa vào tài liệu Pháp, tài liệu của địch mà kết tội Phan Thanh Giản là thiếu khách quan. Vả lại nói Phan Thanh Giản “bán nước”, để lấy cái gì? Pháp là người “mua nước” làm nhẹ tội kẻ xâm lược. Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đã kết luận rõ ràng về Phan Thanh Giản: “người xứng đáng được tôn vinh”.
Là người thời tuổi trẻ ít có dịp đến trường, đồng chí Võ Văn Kiệt mến mộ người xưa học giỏi, liêm khiết. Ông đã dành phần tiền lương của mình góp phần cùng địa phương tu bổ ngôi mộ cụ Phan Thanh Giản tại Bến Tre được khang trang.
Bức xúc nguồn đào tạo
Tại tỉnh nhà, hơn một tháng trước khi đi xa (5/5/2008), tôi gặp đồng chí Võ Văn Kiệt. Với nỗi bức xúc hơn bao giờ hết, đồng chí tỏ bày về công tác quy hoạch đào tạo cán bộ. Đâu ngờ đây là lần gặp cuối cùng...
Tại sao công tác quy hoạch đào tạo nhiều nơi, nhiều nhiệm kỳ ai cũng quan tâm mà đến khi chuẩn bị nhân sự cho đại hội thì tuổi gần “đội nóc”? Ai cũng lo nhưng tại sao không đáp ứng?- đồng chí Võ Văn Kiệt hỏi tôi một cách chân tình.
Tôi thấy hơi lạ vì lâu nay gặp gỡ đồng chí trao đổi các vấn đề báo chí, văn nghệ, lịch sử, giáo dục truyền thống. Đồng chí nêu các vấn đề công tác đào tạo đội ngũ cán bộ: Đó là cái gốc của gốc vấn đề. Chỉ tính số tuổi còn không đáp ứng, nói gì đến chất lượng đào tạo, chất lượng thực tiễn trong quá trình luân chuyển.
Với gương mặt biểu hiện đầy lo âu, đồng chí nói: “Việc quy hoạch đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ khoa học- kỹ thuật. 3 vấn đề song khi chỉ đạo thường đi sâu vấn đề thứ nhất, khá lắm là thứ hai, còn đội ngũ cán bộ khoa học- kỹ thuật nhiều nơi thiếu chú ý. Thường nặng quan tâm lý lịch hơn số thông minh học giỏi là những mầm mống của tài năng sau này.
Về việc theo dõi bồi dưỡng đối tượng được quy hoạch đào tạo còn nặng theo lối cũ sáo mòn. Theo dõi việc bồi dưỡng nặng chú ý việc “chấp hành”, “rập khuôn”, thiếu mạnh dạn suy nghĩ, phát huy sáng kiến, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thông thường người được quy hoạch phải phấn đấu, trao dồi cả về kiến thức, thực tiễn, dám đương đầu với nghịch cảnh khó khăn, việc khó ngoài chủ trương mới xin ý kiến cấp trên, hết sức tránh việc gì cũng xin ý kiến, việc gì cũng chờ đợi coi xin ý kiến chờ đợi là một thành tích. Có cán bộ được quy hoạch nhưng suốt năm, cả nhiệm kỳ 5 năm kiểm lại không có mặt nào, gốc nào vượt trội cả, cứ bình bình như mọi người khác, còn phát biểu lại không mạnh dạn kiểu nông dân “vùng lắc lúa”.
Cụ thể trong phê phán góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp không dám bày tỏ thái độ. Về ưu điểm thì nhất trí như anh A. anh B. anh C,… về thiếu sót thì rất đồng tình cao với anh G. anh H. anh K,… cuối cùng “là hết”, không suy nghĩ nêu được cái gì là mới dù đó là ưu hay khuyết.
Vấn đề này chúng ta cần suy nghĩ: Mặt bằng dân trí ngày nay cao hơn trước đây, cán bộ lãnh đạo các cấp được đào tạo có trình độ học vị cao hơn nhưng đi vào thực tế mỗi lần đại hội là tìm “vớt cá nổi”, “dú ép” không tìm “điển hình chính chắn”. Tại sao vậy?
Điều đó cho ta một cách nhìn mới, đổi mới về khâu quy hoạch đào tạo đối với cơ quan chức năng và người theo dõi bồi dưỡng cụ thể.
Ngoài tiêu chuẩn cơ bản trung thành với lý tưởng với đường lối, người được quy hoạch đào tạo phải là người nhiệt tình có trách nhiệm cao, dám đương đầu thử thách với mọi khó khăn, tạo tác phong thái độ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình.
Qua đó chăm bồi mặt nào còn yếu kém, mạnh dạn góp ý những yếu kém để sửa, mặt tốt cần phát huy. Hết sức tránh kiểu không ưu không khuyết “đến hẹn lại lên” hoặc “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một ngày”.
Người xưa đã nói “đất nước ta nhân tài thời nào cũng có!” Cái gốc là phải công tâm, khách quan, dám nhìn sự thật, dám đánh giá đúng sự thật về con người từ đó thống nhất tìm ra mẫu số chung. Tránh kiểu nhìn cán bộ như thầy thuốc nhìn bệnh nhân thiên về nghề nghiệp, một con người nhiều thầy tìm chứng bệnh khác nhau mà thiếu các cơ sở khoa học.
Đây là vấn đề hết sức lưu ý. Ngày nay trong tình hình hội nhập mở cửa, việc “chạy chức”, “chạy quyền” không ngoài mục đích lợi ích nhóm cá nhân làm tha hóa đội ngũ cán bộ mà địa chỉ tìm ra manh mối không phải dễ.
Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch đào tạo đã có nêu đầy đủ không thiếu, nhưng hết sức tránh một vấn đề mới mà ai cũng lo là cán bộ quy hoạch có phải nằm trong “bán kính vùng” và “truyền thống địa phương”? Nói thẳng ra là cán bộ đó phải là người cùng quê hương, dòng họ bà con nói chung là “cục bộ bản vị”.
Không nói ra thì ai cũng biết, bởi ngấm ngầm che giấu cách mấy quần chúng nhân dân cũng biết. Do đó vấn đề dân chủ, công tâm, khách quan không những đề cao trong lời nói mà còn thể hiện qua thực tế trong cách quy hoạch đào tạo.
Trong vấn đề sử dụng lại càng khó hơn, cũng một con người sử dụng nhưng khi đánh giá người khen, người chê, thiếu lăng kính khoa học. Cho nên biết đào tạo sử dụng quản lý người tài cũng là một nhân tài.
Đây là vấn đề nóng quan tâm ở nhiều cấp, nhiều ngành nó sẽ được giải quyết nếu tất cả vì mục đích chung thì dễ thống nhất, còn nếu xen ý nghĩ cục bộ, riêng tư thì khó mà đáp ứng. Đồng chí Võ Văn Kiệt gút lại như vậy.
Truyền thống dân tộc
Nói đến truyền thống dân tộc, ai cũng quý, ai cũng tôn trọng. Hiện trong thời kỳ hội nhập ta phải biết quý trọng truyền thống dân tộc, biết chọn lọc tinh hoa của nhân loại với phương châm hoạt động văn hóa cốt “vì trong trọng ngoài”, nếu không biết truyền thống dân tộc ta là gì thì dễ dẫn đến lai căng, mất gốc. Đồng chí Võ Văn Kiệt rất chú trọng vấn đề này và nói với các đồng chí báo chí văn nghệ.
Nói đến truyền thống hiếu học, đồng chí Võ Văn Kiệt thường nhắc: Ông cha từ xưa đi khai hoang mở cõi, chịu nhiều nghịch cảnh nghèo khó, thiên tai, ác thú, bệnh tật, lo cái ăn đã khó, thế mà còn chú trọng cái chữ, mướn thầy về nhà dạy học, hùn tiền lại trả tiền công thầy, có gia đình còn hào hiệp nuôi cả cơm cho thầy.
Trẻ em đi ở đợ làm mướn chỉ học theo mùa vụ sau mùa cấy, mùa gặt. Sự chăm sóc của gia đình, sự siêng năng chí thú của học sinh giúp nhiều người học giỏi đỗ đạt thành danh. Phan Thanh Giản, Trần Đại Nghĩa… là những tấm gương hiếu học, dù mồ côi, nhà nghèo và đã được Mạnh thường quân giúp đỡ. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa.
Ngày nay, có nhiều thuận lợi là Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện chăm lo sự học: học ở nhà trường, ở thư viện; học ở báo chí truyền hình, truyền thanh và nhiều cơ hội khác... Để có thêm nguồn tư liệu sách cho thư viện tỉnh, nhiều lần đồng chí Võ Văn Kiệt ghé thăm Thư viện Khoa học tỉnh Vĩnh Long và tặng 500 quyển sách quý.
Tại đây, có lần đồng chí hỏi ai đọc sách thư viện nhiều nhất, ngoài sinh viên, học sinh, các nhà nghiên cứu khoa học, các cấp ủy có ai đến thư viện và ai chưa lần nào vào thư viện?
Một bữa đi thuyền tổ chức du lịch trên sông Cổ Chiên cùng với các đồng chí báo chí, văn nghệ (3/10/2006), đồng chí Võ Văn Kiệt nhắc đến thời trai trẻ không được may mắn, ít được tham gia các trò chơi dân gian rất phong phú mà mình rất thích, rồi chiến tranh diễn ra liên tục. Ngày nay dịp tết, lễ hội, cần khai thác, khơi dậy các trò chơi truyền thống.
Đối với văn hóa ẩm thực, đồng chí cần nghiên cứu chất liệu, cách làm, tính chất bổ dưỡng để khuyến khích phát triển vừa có ý nghĩa truyền thống, vừa lưu giữ đặc sản của quê hương. Cụ thể, đồng chí nói, món đầu cá lóc nấu canh chua nghe ai cũng thích ăn, chớ cách nấu và nấu thế nào cho ngon và hấp dẫn là chuyện khác.
Món cá chạch kho nghệ từ cách làm cá, cách ướp, cách nấu, cần món rau gì chấm cá chạch kho mới hợp khẩu vị không phải ai cũng biết làm, ai cũng biết cách. Nhắc truyền thống thời vua Quang Trung đánh giặc phương Bắc, bánh tét vừa có ý nghĩa phục vụ ngày xuân và làm lương khô đánh giặc. Ngày nay, nhiều nơi đã làm bánh tét xuất khẩu.
Thời tại nhiệm của đồng chí Võ Văn Kiệt với biết bao công trình sáng giá cấp quốc gia, cũng như bao chiến công tầm cỡ lịch sử thời kháng chiến, ở góc độ nào đồng chí cũng muốn góp phần cho quê hương đất nước dù đó là việc lớn hay chuyện nhỏ.
Chuyện gai góc về chính sách, cũng như về lịch sử, chính đồng chí là người mở cửa thoát hiểm mà lâu nay nhân dân bức xúc. Và còn biết bao nhiêu việc, từ đào tạo trồng người đến cách sử dụng con người, chuyện truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, đồng chí đều dốc tâm dốc sức gợi mở, nhắc nhở… Ngày nay, chúng ta hồi tưởng như để kiểm lại những lời khuyên đáng quý và tri ân.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG
(Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin