Long Mỹ là xã nông thôn nằm ven sông Long Hồ thuộc huyện Mang Thít, những năm qua tận dụng ưu thế là nằm ven các đô thị (TP Vĩnh Long, thị trấn Long Hồ), Đảng bộ xã chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng tạo đặc thù riêng và thu được kết quả ấn tượng.
Ông Bì phấn khởi bên thành quả sau một vụ màu bội thu của mình.
Long Mỹ là xã nông thôn nằm ven sông Long Hồ thuộc huyện Mang Thít, những năm qua tận dụng ưu thế là nằm ven các đô thị (TP Vĩnh Long, thị trấn Long Hồ), Đảng bộ xã chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng tạo đặc thù riêng và thu được kết quả ấn tượng.
Định hình cây sản xuất đặc thù
Long Mỹ có vị trí thuận lợi cả 2 mặt giao thông thủy- bộ là điều kiện tốt phát triển kinh tế- văn hóa xã hội theo hướng xã vùng ven.
Ngoài ra, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn nơi đây cũng thích hợp cho sản xuất nông nghiệp toàn diện, cùng hệ thống thủy lợi được khép kín, đã chủ động tưới tiêu là điều kiện để người dân sản xuất và cho sinh lợi cao trên cùng đơn vị diện tích.
Đồng chí nữ Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ- Trần Thu Hà cho biết, từ những ưu thế trên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nền sản xuất nông nghiệp của xã tạo được tính đặc thù riêng ở địa phương này.
Toàn xã có 492ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa màu chiếm khoảng 63%, tổng giá trị sản xuất trong năm 2012 đạt 48,6 tỷ đồng. Hiện tại diện tích sản xuất cây lúa toàn xã là 324ha, trong đó đa số người dân sử dụng giống lúa OM576 (hay còn gọi là giống Hàm Trâu).
Năng suất bình quân đạt 5,45 tấn/ha/vụ, sản lượng cả năm gần 4.300 tấn, tổng giá trị sản xuất trên 22 tỷ đồng. Ngoài ra, diện tích cây màu có xu hướng tăng dần qua từng vụ, cây màu chủ lực mà xã định hình là cây khoai mỡ, dưa và củ cải trắng.
Hiện nay, cây màu chuyên canh và luân canh trên đất lúa toàn xã gần 70ha, trong đó củ cải trắng đạt năng suất 15 tấn/ha/vụ; khoai mỡ, dưa có năng suất bình quân 28 tấn/ha/vụ.
Ông Phạm Văn Bì- một nông dân sản xuất giỏi của xã cho biết: “Nhà có 10 công đất ruộng, vụ Đông Xuân tôi trồng lúa Hàm Trâu, 2 vụ còn lại thì tôi luân phiên khoai mỡ và dưa. Vụ khoai vừa rồi, tôi trồng 6 công khoai thu hoạch được 20 tấn, trừ chi phí lời gần 40 triệu đồng”.
Khi chúng tôi hỏi tại sao người dân ở đây chọn loại giống Hàm Trâu, ông Bì cho biết: “Giống lúa này được nhiều người dân ở đây ưa chuộng vì thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, ít sâu bệnh và thích nghi tốt với vùng đất này”. Cũng theo ông Bì, lúa này chủ yếu tiêu thụ nội địa, người ta thường dùng để làm bún, nuôi gia cầm…
Theo nữ Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ, xã cũng khuyến khích người dân trồng giống lúa cao sản nhưng sau khi khảo sát đa số người dân vẫn chọn giống này để sản xuất. Do vậy, chủ trương của xã là cái gì có lợi cho dân và phù hợp thì chỉ đạo thực hiện.
Hiện nay, đất nông nghiệp của xã cơ bản được khép kín và chủ động được tưới tiêu. Điều Đảng ủy xã đang thực hiện tiếp theo là đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, vùng nào chuyên canh màu, chuyên canh lúa thì đầu tư hợp lý để giúp người dân thuận lợi trong sản xuất.
Tạo đà xây dựng nông thôn mới
Nhờ những chủ trương hợp lòng dân cùng với việc đầu tư thiết chế hạ tầng đồng bộ, Long Mỹ có sự phát triển khá hơn so với nhóm xã nông thôn khác trong huyện.
Tính đến nay, hộ nghèo toàn xã chỉ còn 4,1% và ngoài việc định hình vùng sản xuất đặc thù, xã đang chỉ đạo xây dựng thêm các mô hình sân vườn kiểu mẫu kết hợp với trồng hoa, cây cảnh… để tăng thêm thu nhập.
Xã Long Mỹ hiện có 5 điểm trồng hoa lan, một số vườn trồng kiểng kết hợp với nghề uốn sửa kiểng đang hình thành đang có những dấu hiệu tích cực. Đây là khoản thu nhập tăng thêm và nhiều hộ “bắt nhịp” với nghề mới này cũng bắt đầu mở rộng diện tích.
Ông Lê Quang Đạo- một hộ dân trồng lan của xã cho biết: “Lúc đầu được Nhà nước đầu tư 500 nhánh lan (giống Dendro), bây giờ tôi chuẩn bị có 1.000 nhánh rồi đó. Mê lắm, nghề này vừa nhẹ nhàng, thu nhập cũng kha khá. Tôi có ông bạn trồng 8.000 nhánh, ổng tính nhẩm cho nghe chỉ cần 6.000 nhánh ra bông thôi thì một tháng ổng cầm chắc 30 triệu đồng”.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ, người dân sản xuất ổn định, thu nhập tăng là một nền tảng quan trọng để vận động dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ở Long Mỹ hiện nay, qua các cuộc vận động gần như 100% hộ dân có ảnh hưởng đến việc đóng góp đất, hoa màu, vật kiến trúc để thi công các công trình đều đồng thuận và ký cam kết đóng góp.
Đến nay, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kế hoạch trong năm 2013 sẽ hoàn thành thêm 4 tiêu chí nữa là thủy lợi, giao thông, trường học, nhà ở dân cư và trong năm 2014 xã sẽ hoàn thành xong 3 tiêu chí còn lại là cơ sở văn hóa, thu nhập người dân và hệ thống chính trị đạt chuẩn.
Ông Đạo đang chăm chút vườn lan bắt đầu cho thu hoạch.
Đồng chí cho biết thêm, có những tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện như tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động và tiêu chí môi trường nhưng xã đã đạt được. Hiện lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thủy sản của xã đạt 31,77% (chỉ tiêu 35%) do xã tập trung củng cố và phát triển các ngành nghề truyền thống: chằm lá, mộc, đan đát,…
Còn tiêu chí môi trường, số hộ dân sử dụng nước máy xã đạt 52,8% (nhiều người có nhu cầu nhưng nhà máy nước hết công suất), các cơ sở và hộ sản xuất kinh doanh trong xã cũng đăng ký thực hiện tiêu chí môi trường, 100% hộ dân đăng ký làm hố rác hoặc vận chuyển rác.
Ngoài ra, từ 3 năm này xã duy trì hàng quý vận động lực lượng đoàn viên, hội viên, học sinh ra quân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm toàn xã một lần để giữ gìn vệ sinh chung.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin