Thông tin với báo chí ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, chiều tối 29/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an khẩn trương chủ trì cùng với các bộ liên quan soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
Thông tin với báo chí ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, chiều tối 29/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an khẩn trương chủ trì cùng với các bộ liên quan soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) đảm bảo đúng tinh thần của Nghị định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Bộ trưởng Đam, báo cáo khảo sát, đánh giá của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư pháp đều thừa nhận việc triển khai Nghị định 71/CP thời gian qua là chưa 'thông” trong nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam chỉ rõ, “việc xử phạt hành vi không chuyển đổi sở hữu phương tiện thì lại được phổ biến thành truy cứu trách nhiệm người sử dụng phương tiện vì lý do không phải chủ sở hữu”. Điều này là thực hiện không đúng tinh thần của Nghị định chứ không phải bản thân Nghị định sai.
Cũng theo Bộ trưởng Đam, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét, đánh giá để ban hành một mức phí “sang tên, đổi chủ” phù hợp; đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét quy trình thực hiện việc này đảm bảo thuận tiện nhất cho nhân dân.
Trao đổi với báo giới xung quanh hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủy điện Sông Tranh, Người Phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mọi công trình thủy điện đều được Chính phủ nhất quán cho phép triển khai trên cơ sở phải đáp ứng được các nguyên tắc về an toàn, tính mạng của người dân; làm tốt công tác tái định cư; mức độ ảnh hưởng đến môi trường không lớn và dự án phải đảm bảo các hiệu quả kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, mọi công trình thủy điện đều được giám sát thực hiện, đảm bảo tuân thủ một quy trình hết sức nghiêm ngặt, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đam cho biết thêm, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét những tác động của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành đánh giá Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án này, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Khẳng định ưu tiên cao nhất của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đối với dự án thủy điện Sông Tranh 2 là an toàn tính mạng của người dân, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mặc dù đã có đầy đủ các báo cáo của các cơ quan, bộ, ngành chức năng và Hội đồng Khoa học, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ định một nhà thầu có uy tín trên thế giới để tiến hành thẩm định lại một lần nữa độ an toàn của công trình này, nhất là vấn đề động đất.
Kết quả thẩm định này sẽ là căn cứ trước khi Chính phủ xem xét, quyết định hoạt động khai thác của công trình, Bộ trưởng Đam nói.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2019, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, đây là sự kiện nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh của Việt Nam, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế và cũng còn nhằm phục vụ người dân trong nước.
Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, xây dựng lộ trình tổ chức ASIAD 18 chi tiết, cụ thể, đảm bảo thành công, hiệu quả và tiết kiệm theo hướng phải đảm bảo tận dụng, khai thác triệt để hạ tầng sẵn có, đồng thời tối đa hóa việc thu hút các nguồn lực xã hội, Bộ trưởng khẳng định./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin