Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, gây căng thẳng trên biển

03:10, 03/10/2012

Có nhà phân tích cho rằng, sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra tới mức vượt khỏi tầm kiểm soát, Trung Quốc (TQ) đã chuyển sang chiến thuật thiên về ngoại giao sắc bén. Tuy nhiên, thực tế cho thấy TQ vẫn không ngừng tăng cường các hành động xâm phạm, gây căng thẳng trên các vùng biển đảo, mà TQ tự nhận là chủ quyền. Điển hình, việc TQ tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh TQ

Có nhà phân tích cho rằng, sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra tới mức vượt khỏi tầm kiểm soát, Trung Quốc (TQ) đã chuyển sang chiến thuật thiên về ngoại giao sắc bén. Tuy nhiên, thực tế cho thấy TQ vẫn không ngừng tăng cường các hành động xâm phạm, gây căng thẳng trên các vùng biển đảo, mà TQ tự nhận là chủ quyền. Điển hình, việc TQ tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh TQ tại đảo Phú Lâm của Việt Nam ngày 1.10 vừa qua.

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo THX, sáng ngày 1.10, TQ đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 63 Quốc khánh TQ tại đảo Vĩnh Hưng thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” được TQ thành lập trái phép hồi giữa năm nay (đảo Vĩnh Hưng thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam). Đây là hành động mới nhất của TQ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo vụ nước này xây mạng thông tin trái phép trên đảo của Việt Nam. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” được TQ thành lập trái phép với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng, Việt Nam).

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

Liên quan đến tranh chấp biển đảo trên biển Hoa Đông, các tàu TQ và Nhật đang vờn nhau trong suốt mấy tuần qua ở vùng biển được Nhật xem là lãnh hải của mình quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phát biểu tại họp báo chiều 2.10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết Nhật Bản đã trao công hàm phản đối tới Chính phủ TQ về vụ việc.

Giữa lúc căng thẳng TQ - Nhật Bản tăng cao vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, một động thái rất đáng chú ý, đó là Mỹ đang lặng lẽ điều các đội tàu hùng mạnh đến tây Thái Bình Dương, tại những khu vực có thể nhanh chóng tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hôm 30.9, giới chức hải quân Mỹ xác nhận nhóm tàu sân bay USS George Washington bắt đầu hoạt động tại biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp. Nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis cũng cách đó không xa. Tại vùng biển Philippines gần đó, khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ đang có mặt trên tàu USS Bonhomme Richard và 2 tàu hộ tống.

Theo các nhà quan sát việc hội tụ của ba nhóm này tại một khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương biểu thị sự tập trung bất thường về hỏa lực. Mỹ vốn tuyên bố không đứng về phía nào trong vụ tranh chấp. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Nhật bản trong trường hợp quần đảo này bị tấn công.

Việc TQ tiếp tục các hoạt động xâm phạm chủ quyền, gây căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp với các quốc gia láng giềng, cho thấy TQ đang đi ngược lại với những điều đã cam kết là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này gây sự phản đối, bất bình trong dư luận, và đang làm mất đi hình ảnh của TQ trên trường quốc tế.

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh