Bỏ phiếu tín nhiệm nếu hơn 2/3 đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”

07:10, 24/10/2012

Sáng 23-10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Sáng 23-10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với việc cần gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm…

Cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm

Nghị quyết trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đặt ra yêu cầu cần “hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Quốc hội "bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn". Trên thực tế, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số các nguyên nhân này là do pháp luật chưa quy định rõ các căn cứ, cơ sở để các chủ thể có quyền đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm; chưa làm rõ mối liên hệ giữa việc đánh giá tín nhiệm cán bộ với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; chưa tạo nên sự gắn kết giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm và phân biệt rõ tầm quan trọng của hai quy trình này.

Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý. Ảnh: Internet

Để triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4, Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay; góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh: Lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm

Trưởng Ban công tác đại biểu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương chỉ ra: Theo Nghị quyết trung ương 4 thì “những người 2 năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ”. Luật Cán bộ, công chức quy định: “Cán bộ 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí công tác khác. Cán bộ 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.”

Căn cứ vào các quy định này, dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể việc xử lý và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo. Người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội hoặc HĐND mà có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế. Người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của HĐND mà có số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” chiếm tỷ lệ cao thì xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐND trình Quốc hội, HĐND quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban, Ủy viên các Ban của HĐND.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh