Hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nga

07:09, 07/09/2012

Ngày 6-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thành phố Vla-đi-vô-xtốc, Liên bang Nga, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 (APEC 20) và tham gia các hoạt động tại khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam , cộng đồng người Việt Nam tại Vladivostok đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 6-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thành phố Vla-đi-vô-xtốc, Liên bang Nga, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 (APEC 20) và tham gia các hoạt động tại khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga.

Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn Việt Nam tại sân bay có lãnh đạo tỉnh Pri-mo-rơ-xcơ, Cục lễ tân Liên bang Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đang tham dự các hoạt động của tuần lễ APEC, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn cùng cán bộ nhân viên Tổng lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Vla-đi-vô-xtốc.

Cần đón đầu cơ hội FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan

Ngay sau khi đến Vla-đi-vô-xtốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp gỡ với cán bộ nhân viên Tổng lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập tại đây.

Lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con Việt kiều, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp trên các lĩnh vực của các cán bộ nhân viên Lãnh sự quán và đại diện cộng đồng Việt Nam tại Vla-đi-vô-xtốc. Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để cộng người Việt học tập, công tác tại nước ngoài, Chủ tịch nước gợi mở bà con, nhất là các doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ về chính sách phát triển kinh tế xã hội của nước bạn, trong đó có vùng Viễn Đông. Với đặc thù đất rộng, người thưa, tiềm năng thiên nhiên giàu có, vùng Viễn Đông của Nga là địa chỉ thích hợp để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam tận dụng nguyên liệu, chế biến thương phẩm, xuất khẩu đi nước thứ ba. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang căn dặn, các doanh nghiệp kiều bào cần đón đầu cơ hội Việt Nam và Nga khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam-Liên minh thuế quan (gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan). Đây sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam trên đất Nga mở rộng đầu tư, kinh doanh, cùng với các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào vùng đất giàu tiềm năng.

Hãy tiếp tục chung tay cùng Việt Nam

Dự kiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2012 diễn ra vào ngày 7-9 tại Vla-đi-vô-xtốc, Nga. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã có Thông điệp quan trọng,  trong đó khẳng định, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình cùng các thành viên APEC gánh vác những trách nhiệm chung.

Trong thông điệp của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới - tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam . “Đây là khu vực luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Hầu hết các đối tác mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam nằm ở châu Á - Thái Bình Dương”, thông điệp viết.

Thông điệp của Chủ tịch nước khẳng định, một trong những định hướng chính sách lớn của Việt Nam là góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, từ tiểu vùng đến khu vực Đông Nam Á, Diễn đàn APEC và cả châu Á - Thái Bình Dương. Ở trong nước, Việt Nam đang nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý và triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam đang tích cực tìm các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; đồng thời quyết tâm chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng tính ổn định, minh bạch chính sách kinh tế, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho đầu tư kinh doanh. “Các bạn đã đồng hành với chúng tôi trong suốt hơn 25 năm Đổi mới vừa qua. Hãy tiếp tục chung tay cùng chúng tôi trong giai đoạn hết sức then chốt hiện nay và sắp tới. Chúng tôi cần các bạn đóng góp xây dựng chính sách, đề xuất và cùng triển khai các biện pháp cụ thể trong nỗ lực trên. Chúng tôi luôn lắng nghe những quan tâm của các bạn, đang và sẽ làm hết sức mình để tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh nhất để các bạn làm ăn, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam . Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ góp phần tạo nên sự năng động, thịnh vượng chung của khu vực. Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ đem lại những lợi ích cho các bạn”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết.

* Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc trong 2 ngày 5 và 6-9. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị.

* Cũng trong thời gian Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các Ngoại trưởng Liên bang Nga, In-đô-nê-xi-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Pê-ru và một số Ngoại trưởng khác. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã có các cuộc gặp với nhiều Bộ trưởng APEC. Tại các cuộc gặp, các Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương, và nhất trí tiếp tục làm sâu sắc quan hệ, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Theo  TTXVN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh