Chưa đầy 10 năm sau khi thành lập, lực lượng tàu mặt nước Hải quân đã sát cánh cùng quân, dân miền Bắc lập nên chiến công vang dội ngày 2 và 5-8-1964. Đây là thành quả của tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của bộ đội Hải quân mặc dù trang bị vũ khí còn nhiều thiếu thốn và chênh lệch so với kẻ thù.
Chưa đầy 10 năm sau khi thành lập, lực lượng tàu mặt nước Hải quân đã sát cánh cùng quân, dân miền Bắc lập nên chiến công vang dội ngày 2 và 5-8-1964. Đây là thành quả của tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của bộ đội Hải quân mặc dù trang bị vũ khí còn nhiều thiếu thốn và chênh lệch so với kẻ thù.
Nhân kỷ niệm 48 năm Hải quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu (5-8-1964/5-8-2012), chúng tôi đã có dịp gặp lại một số nhân chứng để làm rõ hơn ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.
Tàu của Vùng 4 Hải quân sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Duy Khánh |
Một niềm tin chiến thắng…
Chúng tôi về thị trấn Sóc Sơn, TP Hà Nội vào một ngày cuối tháng 7 để tìm gặp Đại tá Lê Văn Chừng - một trong 4 thuyền trưởng đầu tiên của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài và là người trực tiếp tham gia trận chiến đấu ngày 5-8-1964. Đã trải qua 3 cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (chống Pháp, chống Mỹ và biên giới Tây Nam) nhưng có lẽ trận đầu đánh thắng là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Trong trận thử lửa ngày 5-8-1964, ông là thuyền trưởng - người chỉ huy Tàu 225 săn ngầm cơ động vòng tránh, đánh trả quyết liệt không quân Mỹ trên vùng biển Hạ Long. Chính khẩu pháo 25mm trên tàu 225 đã bắn cháy 1 chiếc máy bay Mỹ buộc tên giặc lái An-vơ-rét phải nhảy dù xuống biển và bị bắt ngay sau đó.
Trong căn nhà nhỏ được sắp xếp gọn gàng, Đại tá Lê Văn Chừng đón chúng tôi nồng ấm như những đồng đội một thời. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn tráng kiện và minh mẫn. Có lẽ đó là nhờ vào sự rèn luyện của ông suốt thời trai trẻ. Khi được hỏi về trận đầu đánh thắng, ký ức của một thời oanh liệt hiện về trước mắt ông như thước phim quay chậm.
Đại tá Lê Văn Chừng kể: Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8-1964, đế quốc Mỹ có nhiều hành động khiêu khích, bắn phá ở miền Bắc nước ta. Ngày 2-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc đã xâm phạm vùng biển miền Bắc và bị lực lượng tàu phóng lôi của Bộ đội Hải quân đánh đuổi ra khỏi vùng biển của ta. Nhận định tình hình đế quốc Mỹ sẽ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị ra chỉ thị cho tất cả các lực lượng tăng cường cảnh giác, SSCĐ, phá tan âm mưu đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ… Hôm đó, ngày 5-8-1964, trời biển Hạ Long trong xanh, yên tĩnh lạ thường. Từng đoàn thuyền của ngư dân vẫn tấp nập ra khơi khai thác hải sản. Các tàu của Tiểu đoàn 200 đã được lệnh cơ động ra khỏi cảng chuẩn bị chiến đấu. Tàu 225 của chúng tôi lúc đó đang làm nhiệm vụ trực ban tại quân cảng.
Khoảng 14 giờ 40 phút, một tốp máy bay Mỹ gồm 8 chiếc ầm ầm lao tới và bất ngờ phóng rốc-két xuống khu trú đậu của tàu hải quân ta. Cuộc tập kích bất ngờ của địch làm 3 tàu tuần tiễu của ta bị trúng đạn. Máy bay địch tiếp tục xuất hiện, các loại hỏa lực của ta dưới tàu, trên bờ đồng loạt nổ súng đánh trả quyết liệt.
Tàu tên lửa thuộc Vùng 4 Hải quân huấn luyện trên biển. Ảnh: Duy Khánh |
Phán đoán máy bay địch sẽ bổ nhào theo từng đợt, tôi ra lệnh cho Tàu 225 cơ động ra khỏi quân cảng sẵn sàng đón đánh. Cuộc chiến đấu ngày càng diễn ra ác liệt. Trong khói bom mù mịt, các vị trí trên tàu phối hợp nhịp nhàng nhả đạn. Cùng chia lửa với các tàu hải quân là các trận địa của phòng không, DQTV miền Bắc. Hàng loạt đạn của ta bắn về hướng máy bay đang bổ nhào cắt bom. Một tiếng nổ lớn vang lên, 2 chiếc máy bay Mỹ trúng đạn, một chiếc tan xác cùng tên giặc lái, chiếc còn lại bốc cháy buộc viên phi công nhảy dù xuống biển. Đó là tên giặc lái Mỹ An-vơ-rét... Sau chiến thắng, Tàu 225 cùng nhiều cá nhân được thưởng Huân chương Chiến công các hạng. Riêng Thuyền trưởng Lê Văn Chừng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba...
Nhắc đến chiến công ngày 5-8-1964, Đại tá Lê Văn Chừng không khỏi bùi ngùi nhớ lại những khoảnh khắc đau thương khi đồng chí, đồng đội ở các tàu bạn bị thương, hy sinh. Giọng ông chùng xuống: Những đồng chí bị thương và hy sinh trong trận đánh đó hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Điều quan trọng nhất là sự hy sinh của họ cùng với chiến công trong trận đánh đã khẳng định tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của HQND Việt Nam, đập tan âm mưu của địch dùng không quân để phá hoại miền Bắc và các căn cứ của hải quân ta.
… và một tinh thần quả cảm
Trở về Hải Phòng, chúng tôi được gặp ông Trương Thế Hùng - người đã được lịch sử ghi danh như một trong những huyền thoại sống về rà phá thủy lôi trên sông, biển miền Bắc. Ông là người trực tiếp chuẩn bị ngư lôi cho Phân đội 3, Đoàn 135 đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta ngày 2-8-1964. Hôm nay, ông đến Bảo tàng Hải quân để nói chuyện với thế hệ trẻ về trận đầu đánh thắng cách đây 48 năm. Ở tuổi 83 mà ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết của trận đánh ngày hôm đó.
Ông nói với chúng tôi: "Đó là một tinh thần chiến đấu tuyệt vời, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ 3 tàu phóng lôi 333, 336 và 339. Nếu so sánh tương quan lực lượng thì các tàu của ta quá nhỏ bé so với tàu địch. Tàu khu trục Ma-đốc mang ký hiệu 731 được trang bị 6 khẩu đại bác 127mm, 12 pháo 40mm, 5 giàn ngư lôi, bom chìm, bom phóng và cả sự yểm trợ của không quân. Trong khi đó, mỗi tàu của ta chỉ được trang bị 2 quả ngư lôi và súng máy 14,5mm cùng súng bộ binh".
Ông Hùng nói tiếp: "Trong trận đánh đó, chúng ta đã tìm mọi cách để tiếp cận đánh địch. Địch tăng cường máy bay yểm trợ, đồng thời các họng pháo trên tàu bắn dữ dội về phía các tàu phóng lôi. Trong thế trận không cân sức, máy tàu 339 bị trúng đạn, khói bốc lên mù mịt; tàu 336 bị trúng rốc-két, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự hy sinh. Mọi loại hỏa lực tập trung về tàu 333. Một loạt đạn đã làm vỡ quả ngư lôi bên trái nhưng tàu 333 vẫn tăng tốc, tìm cách tiếp cận tàu Ma-đốc, vừa dùng súng bắn quét lên mặt boong vừa phóng ngư lôi".
Tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận đánh ngày 5-8-1964. Ảnh tư liệu |
Để minh chứng cho tinh thần dũng cảm tiến sát tàu địch của các tàu thuộc Phân đội 3, ông Hùng lấy từ trong túi ra một đầu đạn do tàu Ma-đốc bắn găm vào ống phóng ngư lôi của ta mà ông lấy được và cất giữ từ hôm đó, khi các tàu chiến thắng trở về. Chiếc đầu đạn mà ông gìn giữ như kỷ vật thiêng liêng suốt hơn 48 năm qua, nay được giao lại cho Bảo tàng Hải quân để trưng bày. Ông cho biết, với loại đạn này, chỉ khi tàu ta tới gần thì địch bắn mới găm vào ống phóng lôi được. Điều đó chứng tỏ sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ khi vượt qua lưới đạn trên tàu và máy bay địch để tiến vào tầm phóng ngư lôi hiệu quả. Tàu khu trục Ma-đốc được trang bị tối tân nhất lúc bấy giờ đã bị trúng ngư lôi và phải lầm lũi chạy ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta... Thật tự hào vì chúng ta đã biết “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”. Theo ông Hùng: "Trận đánh ngày 2 và 5-8-1964 không chỉ thể hiện bản lĩnh và tinh thần dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng mà còn khơi nguồn sáng tạo cho những chiến công của HQND Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc sau này".
Còn với ông Lê Duy Khoái, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 135 - đơn vị trực tiếp đánh đuổi tàu Ma-đốc, câu chuyện 48 năm về trước như vừa mới hôm qua. Sau khi kể lại nhưng diễn biến chính, nhớ tới những tấm gương chiến đấu, hy sinh đầy quả cảm của đồng đội, ông Khoái khẳng định: “Tuy giặc Mỹ có máy bay tầm xa, tàu chiến hiện đại, nhưng không đánh thắng được ý chí gan góc kiên cường và chiến thuật đánh sông biển độc đáo của HQND Việt Nam. Quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua, nhưng phần thắng không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh. Nhân dân Việt Nam chiến thắng không phải có vũ khí hiện đại hơn mà chúng ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm và không bao giờ bị khuất phục trước mưu đồ của kẻ xâm lược”.
Đúng như lời Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân chủng Hải quân: "Sự kiện đánh đuổi tàu Ma-đốc, tiêu diệt máy bay Mỹ trong trận đầu ra quân có ý nghĩa lịch sử trong quá trình xây dựng quân đội và trưởng thành của HQND Việt Nam. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết tâm "dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của HQND Việt Nam; là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có. Đây là chiến thắng của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù mặc dù chúng có trang bị, vũ khí kỹ thuật hiện đại. Chiến thắng trận đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, động viên khí thế tiến công, để quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho quân và dân miền Nam làm nên những chiến công liên tiếp trên các chiến trường".
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin