
Từ xưa, việc bất bình đẳng giới (BĐG) luôn tồn tại mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực về mặt xã hội và kiềm hãm sự phát triển của đất nước. Từ khi có Đảng, Đảng đã xác định phải thực hiện BĐG trong xã hội, tạo tiền đề cho đất nước phát triển và hòa nhập với thế giới.
Phụ nữ đã dần khẳng định vị trí trong xã hội.
Từ xưa, việc bất bình đẳng giới (BĐG) luôn tồn tại mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực về mặt xã hội và kiềm hãm sự phát triển của đất nước. Từ khi có Đảng, Đảng đã xác định phải thực hiện BĐG trong xã hội, tạo tiền đề cho đất nước phát triển và hòa nhập với thế giới. Cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, toàn xã hội và nhất là của từng cá nhân, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thực hiện BĐG hiệu quả nhất ở Châu Á.
Để đảm bảo BĐG thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và hưởng thụ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011- 2020.
Theo đó, sẽ giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật chiếm 1/4 vào năm 2015 và chiếm một nửa vào năm 2020. Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015.
Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, những năm qua, với sự nỗ lực phối hợp thực hiện của toàn thể hệ thống chính quyền, các ngành, các cấp và từng cá nhân, việc thực hiện BĐG đã đạt được nhiều thành quả cao trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà.
Phụ nữ ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức bổ ích.
Hiệu quả trong dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2006- 2011), phong trào phụ nữ (PN) giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, các cấp hội PN trong tỉnh đã thành lập được 5.168 tổ, nhóm, câu lạc bộ với 65.415 thành viên tham gia và tổ chức nuôi được 7.641 con heo đất, vận động chị em khá giúp cho 41.377 lượt hội viên PN nghèo số tiền gần 80 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức được 816 lớp dạy nghề như: may công nghiệp, đan thảm lục bình, xe lõi lác, đan giỏ nilon… có 24.487 chị tham gia, qua đó đã giới thiệu và tạo việc làm cho 44.483 chị. Ngoài ra, với nhiều chương trình hỗ trợ vốn từ việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn vận động đã hỗ trợ cho rất nhiều chị em PN nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo hiệu quả. Từ các mô hình đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, kết quả đã có 18.763 chị làm ăn có hiệu quả, 10.351 chị vươn lên khá và 12.975 chị thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của tỉnh còn 7,91%.
Dạy nghề, tạo việc làm, xóa nghèo hiệu quả cho chị em phụ nữ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Tham gia hệ thống chính trị
Những đóng góp của PN trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật đã dần được khẳng định, ngày càng có nhiều cán bộ nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ phát huy vai trò trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học được công nhận và ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân; các chị em trong ngành GD- ĐT cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả về GD- ĐT các bậc học, thúc đẩy sự phát triển của xã hội học tập, tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Qua những phấn đấu không ngừng, các chị đã dần giữ được nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực xã hội, nhiều chị em đã đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, số lượng chị em tham gia vai trò lãnh đạo cũng tăng đáng kể. Trong nhiệm kỳ 2010- 2015, cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp xã đạt 12,98%, cấp huyện đạt 13,05%, cấp tỉnh đạt 11,11%. Trong bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, số lượng chị em trúng cử cấp tỉnh đạt 30%, cấp huyện đạt 22,55% và cấp xã đạt 14,34%.
Có thể viện dẫn ra một số chị như Nguyễn Thị Tuyền, 27 tuổi nhưng đã được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thới, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Trà Ôn, Đại biểu HĐND tỉnh khi vừa 6 tuổi Đảng. Chị Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng Phòng quản lý công nghệ- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Trong lực lượng vũ trang cũng ngày càng có nhiều sự góp mặt của phái đẹp giữ những chức vụ quan trọng và đầy bản lĩnh trong công tác nghiệp vụ…
Bình đẳng trong gia đình
Trong gia đình, chị em cũng đã dần khẳng định vai trò của PN, biết đấu tranh chống lại nạn bạo hành gia đình, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nuôi dạy con khỏe, con ngoan, học giỏi; không sinh con thứ ba, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, thành lập các CLB sinh hoạt về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình, gia đình “5 không 3 sạch”… Đến nay, có 93,02% gia đình cán bộ, hội viên đạt gia đình văn hóa và trên 70% gia đình PN quần chúng đạt văn hóa.
Chị Nguyễn Thị Minh Hạnh- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng là một cán bộ trẻ cho biết, vấn đề BĐG rất được quan tâm trong các phong trào hoạt động của Hội PN. Các cấp hội đã thành lập nhiều CLB sinh hoạt nói chuyện về BĐG, về phòng chống bạo lực gia đình cho chị em PN, nhất là ở vùng nông thôn để họ trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích nâng cao nhận thức cho bản thân, qua đó tình trạng bạo hành cũng giảm đáng kể, chị em ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của mình trong xã hội hiện đại.
Bài, ảnh: HẢI YẾN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin