Tôi thấy mỗi khi xảy ra tai nạn (TN) giao thông (GT) thì có người rất tích cực cứu chữa người bị nạn hoặc gọi điện cho CSGT đến giải quyết nhưng cũng có người tỏ thái độ thờ ơ, chỉ đứng xem, thậm chí còn dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh rất phản cảm. Thiết nghĩ, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ TN GT cũng phải có trách nhiệm, đúng không?
Võ Hữu Nghị
(Vũng Liêm)
Trả lời:
Hiện nay, Luật GT đường bộ 2008 quy định những người có mặt tại nơi xảy ra vụ TN có trách nhiệm sau đây: bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất, bảo vệ tài sản của người bị nạn, cung cấp thông tin xác thực về vụ TN theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, tại khoản 2, Điều 80 Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 (có hiệu lực từ tháng 1/2025) quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ gây ra TN GT đường bộ, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ TN GT đường bộ. Theo đó, người có mặt tại nơi xảy ra vụ TN GT đường bộ có trách nhiệm sau đây: giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất; tham gia bảo vệ hiện trường; tham gia bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin liên quan về vụ TN theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, so với Luật GT đường bộ 2008 thì Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 đã thay thế nội dung báo tin ngay cho y tế bằng việc báo tin cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng dù sao, pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm mà người có mặt tại nơi xảy ra vụ TN GT đường bộ phải thực hiện.
NT. PHÒNG BẠN ĐỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin