(VLO) Câu hỏi 1: Em xin nghỉ việc nhưng công ty 3 tháng sau mới trả sổ BHXH cho em thì sau 3 tháng mới lấy được sổ, vậy có thể đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hay không?
Nguyễn Thái Thanh (TX Bình Minh)
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, Điều 17, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (LĐ) hoặc hợp đồng làm việc, người LĐ chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN theo đúng quy định tại Điều 16 của nghị định này cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tại địa phương nơi người LĐ muốn nhận TCTN.
Như vậy, trường hợp của chị Thái Thanh không đáp ứng đủ các điều kiện hưởng TCTN do quá hạn nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN theo các quy định nêu trên.
---
Câu hỏi 2: Thủ tục để đăng ký các lớp học nghề sau thất nghiệp như thế nào? Chi phí ra sao? Người LĐ có phải đóng thêm tiền để tham gia các lớp học nghề không?
Lê Minh (huyện Mang Thít)
Trả lời: Người LĐ tham gia BHTN có nhu cầu học nghề thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12, Điều 1, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 cho TTDVVL nơi người LĐ có nhu cầu học nghề. Theo đó, quy định về thành phần hồ sơ như sau:
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người LĐ đang chờ kết quả giải quyết hưởng TCTN hoặc đang hưởng TCTN mà có nhu cầu học nghề tại địa phương nơi đang chờ kết quả hoặc đang hưởng TCTN là đề nghị hỗ trợ học nghề theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người LĐ đang hưởng TCTN mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng TCTN bao gồm đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 điều này và quyết định về việc hưởng TCTN. Quyết định về việc hưởng TCTN là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.
3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người LĐ không thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này, bao gồm:
a) Đề nghị hưởng TCTN;
b) Đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 điều này;
c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ theo quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, Điều 1 nghị định này;
d) Sổ BHXH.
Trường hợp người LĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hưởng thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề là đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 điều này và thông báo của TTDVVL về việc người LĐ không đáp ứng đủ điều kiện hưởng TCTN.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 thì mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau:
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp người LĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Như vậy, người LĐ thuộc trường hợp nào thì đăng ký học nghề theo trường hợp đó (nếu người LĐ có nhu cầu), mức hỗ trợ học nghề được tính theo quy định nêu trên, trường hợp người LĐ muốn tham gia khóa đào tạo nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người LĐ tự chi trả.
TƯỜNG VÂN (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin