Vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại phương tiện, bị xử lý như thế nào?

06:07, 24/07/2024

Hiện nay tình trạng vi phạm trật tự ATGT diễn ra khá phổ biến. Một số trường hợp bị phạt nhưng không chấp hành việc nộp phạt còn bỏ luôn phương tiện vi phạm. Vậy có chế tài nào để xử lý những trường hợp này không?

(VLO) Hiện nay tình trạng vi phạm trật tự ATGT diễn ra khá phổ biến. Một số trường hợp bị phạt nhưng không chấp hành việc nộp phạt còn bỏ luôn phương tiện vi phạm. Vậy có chế tài nào để xử lý những trường hợp này không?

Võ Thế Truyền (Bình Tân)

Trả lời: Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012 được sửa đổi bởi khoản 39, Điều 1 Luật Xử lý VPHC sửa đổi 2020, trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 68 hoặc khoản 2, Điều 79 của luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 điều này.

Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Điều 86 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây: cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của luật này; cá nhân, tổ chức VPHC không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5, Điều 85 của luật này.

Còn tại Điều 126 quy định, đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 125 của luật này khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau: trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.

NT. PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh