Việc hút thuốc, sử dụng điện thoại tại cây xăng rất nguy hiểm, có thể gây cháy, nổ nhưng tôi vẫn thấy một số người vi phạm. Vậy mức phạt đối với những trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào? Đồng thời, các cửa hàng xăng dầu có bắt buộc phải bố trí thông báo để khách hàng biết hay không?
(VLO) Việc hút thuốc, sử dụng điện thoại tại cây xăng rất nguy hiểm, có thể gây cháy, nổ nhưng tôi vẫn thấy một số người vi phạm. Vậy mức phạt đối với những trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào? Đồng thời, các cửa hàng xăng dầu có bắt buộc phải bố trí thông báo để khách hàng biết hay không?
Nguyễn Văn Nam (TX Bình Minh)
Trả lời: Điều 12 Thông tư số 15/2020/TT-BCT quy định, tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Đồng thời, Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về PCCC trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử, có nêu mức phạt cụ thể như sau: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000đ đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm; phạt tiền từ 300.000- 500.000đ đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.
Mức phạt này áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
NT. PHÒNG BẠN ĐỌC